Cha mẹ chú ý rèn luyện cho con những đức tính tốt, sau này con sẽ trở thành người có ích cho xã hội, giúp đường tương lai con đi sẽ dễ dàng hơn.

Trẻ em giống như một tờ giấy trắng, chịu ảnh hưởng rất lớn từ môi trường xung quanh và cả người thân bên cạnh. Ngoài việc dạy con về những môn học trên trường lớp thì bên cạnh đó, việc rèn luyện cho con những đức tính tốt đẹp sẽ giúp con phát triển, có thêm kiến thức cùng kinh nghiệm là hành trang quý giá trên đường đời.

Dưới đây là 3 đức tính cơ bản mà mỗi bậc phụ huynh cần lưu ý để hướng dẫn, dạy dỗ, giúp con trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.

1. Trau dồi lòng biết ơn

Thời nào cũng vậy, nhân nghĩa luôn là điều quan trọng hàng đầu. Một con người chưa cần biết họ giỏi giang ra sao, tài năng thế nào, chỉ cần họ sống nhân nghĩa thì đã có phúc đức dồi dào. Trong đó, lòng biết ơn là một trong những yếu tố nhân cách quyết định đến tương lai trẻ. Dạy trẻ lòng biết ơn để trẻ biết quý trọng những thứ mình có được. Dạy trẻ lòng biết ơn để trẻ biết sống có trách nhiệm, có đạo đức và biết tôn trọng mọi người xung quanh.

Vì thế, cha mẹ cần trở thành tấm gương tốt, thường xuyên thể hiện lòng biết ơn để trẻ noi theo. Hãy nói lời cảm ơn đến vợ/chồng dù là điều nhỏ nhặt nhất trước mặt con, chẳng hạn như cảm ơn những bữa cơm vợ nấu, cảm ơn món quà chồng tặng,… Hãy kể cho con nghe những câu chuyện về công ơn sinh thành, dưỡng dục để con biết quý trọng gia đình. Ngoài ra, cha mẹ hãy thể hiện sự biết ơn với mọi người xung quanh như: Những cô lao công giúp đường phố sạch đẹp, chú công an bảo vệ an ninh khu vực,…

Để nuôi dưỡng lòng biết ơn, hãy đề nghị con giúp đỡ việc nhà phù hợp khả năng để con hiểu được nỗi vất vả hàng ngày của cha mẹ. Bên cạnh đó, hãy cho con tham gia những hoạt động xã hội, hoạt động hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn. Những trải nghiệm này gieo vào trong đứa trẻ hạt mầm của sự tử tế, tốt bụng, biết sẻ chia và quý trọng cuộc sống.

Một điều nữa giúp con nuôi dưỡng lòng biết ơn là cha mẹ hãy dạy con nói lời cảm ơn người khác khi họ mang lại điều tốt đẹp. Chẳng hạn như: “Cảm ơn mẹ đã chỉ bảo con những điều hay”, “cảm ơn bố đã tặng con món quà ý nghĩa”, “cảm ơn bạn đã giảng cho mình bài này”,… Lời cảm ơn giúp trẻ nuôi dưỡng tâm hồn, hình thành thói quen biết ơn. Cảm ơn còn thể hiện bằng hành động giản dị. Hãy khuyến khích trẻ tự tay viết thiệp, tặng hoa cho giáo viên nhân Ngày nhà giáo, tặng quà cho bạn vào dịp sinh nhật,…


2. Uốn nắn con trở thành người sống thật

Không như những kiến thức chuyên môn nằm trên trang giấy, cuộc sống sẽ tạo cơ hội để mỗi người được trải nghiệm trước khi rút ra bài học cho mình. Thế nên, cha mẹ hãy dạy con đi bằng chính đôi chân của mình để bước vào đời sống thật với những gai góc.

Chỉ khi con biết được giá trị của bản thân là gì thì những ảo tưởng được tô vẽ đến đâu cũng không thể làm con sa lầy. Sống thật cũng có nghĩa là đề cao những giá trị thật, không gian dối, lọc lừa. Những đức tính này rất cần thiết để làm nên một nhân cách chính trực.

3. Nuôi dưỡng lòng dũng cảm

Ngày nay, nhiều đứa trẻ là bảo bối trong mỗi gia đình, được cha mẹ cưng nựng và chiều chuộng hết mức. Từ chuyện dễ đến chuyện khó, từ vấn đề đơn giản đến phức tạp, trẻ luôn được cha mẹ hỗ trợ. Điều này khiến trẻ rơi vào thế bị động trước những thách thức của cuộc sống, dần hình thành tâm lý tự ti, mặc cảm.

Những đứa trẻ như vậy khó có được hạnh phúc khi lớn lên bởi khả năng thích ứng với xã hội kém. Vì vậy, nuôi dưỡng lòng dũng cảm cho trẻ là một điều vô cùng quan trọng và cần thiết, cần được hình thành từ sớm. Chẳng hạn như khi con mắc lỗi, cha mẹ không nên quát mắng mà hãy bình tĩnh ngồi xuống, trò chuyện nhẹ nhàng với trẻ. Hay trước những thách thức trong học tập, trong cuộc sống, cha mẹ cần động viên giúp con dũng cảm vượt qua. Cha mẹ nên trở thành người bạn lý tưởng trên chặng đường khôn lớn của con.