Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
115 lượt xem

3 lý do con thích ném đồ đạc, cha mẹ cần chấn chỉnh ngay

Trẻ ném đồ đạc có lý do và thường bắt nguồn từ tâm lý bất ổn, cha mẹ cần nhận ra trước khi con hình thành thói xấu.

Trẻ em thường dùng nhiều cách để biểu đạt cảm xúc, cha mẹ trong nhiều trường hợp khoan hãy tức giận mà cần tìm nguyên nhân vì sao con như thế. Như kiểu trẻ thích ném đồ đạc cũng có những lý do riêng, cha mẹ phải chấn chỉnh kịp thời, nếu để lâu thành thói quen xấu có thể ảnh hưởng đến tương lai con.

3 lý do trẻ thích ném đồ đạc

1. Gặp khó khăn trong bộc lộ cảm xúc

Đứa trẻ trải qua những cảm giác như cáu gắt, nhạy cảm, buồn, khó chịu, bị đau đều có nhu cầu bộc lộ. Tuy nhiên vì ngôn ngữ còn hạn chế nên con chỉ có thể chọn cách thể hiện bằng hành động. Ném đồ đạc là một trong những cách dễ dàng được nhiều đứa trẻ sử dụng khi chúng tức giận, cáu kỉnh, thể hiện sự không thích, không đồng ý.

2. Tính tò mò mạnh mẽ

Trẻ luôn tò mò về thế giới xung quanh bao gồm cả việc thử cảm giác mới. Ví dụ con ném đồ chơi đi vì nghĩ đây là một cách để chơi đùa. Hoặc con sẽ thử vứt đồ lung tung để xem thử phản ứng của cha mẹ. Lúc này cha mẹ cần nghiêm túc dạy dỗ để con biết mình không nên làm như thế.

3. Tâm lý nổi loạn

Đôi khi trẻ cảm thấy bị cha mẹ quản thúc, ngột ngạt nên sinh ra ý nghĩ phản kháng, tâm lý nổi loạn. Và việc ném đồ đạc là một cách trẻ thể hiện sự chống đối. Lúc này nên tranh thủ nối lại tình cảm cha mẹ, con cái trước khi mọi thứ đi quá xa.

3 ảnh hưởng của thói xấu ném đồ đạc đối với cuộc đời trẻ

Hành vi ném đồ đạc của trẻ nhẹ thì hư hỏng, nặng thì có thể gây tổn thương cho bản thân và người xung quanh. Nếu cha mẹ dễ dàng bỏ qua có thể khiến con hình thành những tính cách xấu, dễ mất bình tĩnh, mất kiểm soát.

1. Ảnh hưởng đến tình cảm gia đình

Trẻ ném đồ đạc khiến cha mẹ bực bội, hay la mắng con, nếu quá nhiều lần sẽ khiến tình cảm gia đình căng thẳng, rạn nứt. Chính đứa trẻ cũng cảm thấy cha mẹ không còn thương mình, càng ra sức chống đối và ném đồ đạc, sự việc không có hồi kết.

2. Trẻ khó có bạn bè

Không chỉ cha mẹ mà cả bạn bè xung quanh cũng sẽ khó chịu với thói xấu thích ném đồ đạc của trẻ. Chính trẻ sẽ dần tự tạo khoảng cách với mọi người bởi hành vi cáu kỉnh của mình. Đứa trẻ khó kết giao bạn bè sẽ khiến cuộc đời con sau này khó vui vẻ, hạnh phúc, ảnh hưởng đến các mối quan hệ xã hội có lợi cho tương lai của con.

3. Khó tự kiểm soát cảm xúc

Vì từ nhỏ trẻ đã quen việc dùng những hành động thô lỗ để bộc lộ cảm xúc nên khi lớn lên, trẻ rất khó kiềm chế cảm xúc của mình. Một khi tức giận, trẻ sẽ nghĩ ngay đến việc đập phá, ném đồ đạc để xả giận. Những đứa trẻ dễ mất bình tĩnh, thể hiện hết mọi thứ ra hành động sẽ khiến người khác bất mãn dẫn đến khó thành công.

Những đứa trẻ thích ném đồ đạc để bộc lộ cảm xúc thường khá nhạy cảm, tâm lý dễ tổn thương. Lúc này cha mẹ cần dạy con nghiêm túc nhưng phải nhẹ nhàng, trầm tĩnh. Mọi hành vi cấm đoán, mắng mỏ đều dễ phản tác dụng. Chính cha mẹ cần làm gương trong việc trầm tĩnh và diễn đạt cảm xúc theo phương pháp đúng đắn. Cha mẹ bình tĩnh mới có thể dạy được đứa trẻ bình tĩnh.

Đừng chỉ trích trẻ đúng sai bằng cảm xúc chủ quan mà hãy dạy trẻ suy nghĩ theo góc độ khách quan. Tựu chung lại, việc cha mẹ điều chỉnh suy nghĩ của con cái sẽ hiệu quả hơn là cấm cản hành vi của con cái.

Bài viết cùng chủ đề: