Để hạn chế giải phóng mặt bằng, bảo tồn hàng cây xanh, Sở GTVT TP Hà Nội đã tính tới 3 phương án như: Mở rộng đường Láng về phía sông Tô Lịch, làm đường trên cao về phía bờ sông hoặc làm đường sắt thay vì mở rộng đường.
Ngày 10/5, ông Phan Trường Thành, Trưởng phòng Kế hoạch Sở GTVT TP Hà Nội thông tin với báo chí về dự án cải tạo, mở rộng đường Láng (đường Vành đai 2 đoạn từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy, bao gồm cả trên cao và dưới thấp).
Theo ông Thành, vừa qua Sở GTVT đã trình lên UBND TP Hà Nội xem xét 11 dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông. Trong đó có dự án mở rộng đường Láng (chiều dài 3,8km) với đề xuất tổng mức đầu tư hơn 21.000 tỷ đồng (đoạn dưới thấp hơn 17.000 tỷ đồng; đoạn trên cao gần 3.900 tỷ đồng).
Sở GTVT TP Hà Nội ra ‘đề bài’ cho đơn vị tư vấn cải tạo đường Láng phải bảo tồn được hàng cây xà cừ. Ảnh: Quang Phong
Theo phương án ban đầu, thành phố ưu tiên làm đoạn dưới thấp có quy mô mặt cắt rộng 53,5m (gấp đôi đường Láng hiện tại với mặt cắt mỗi chiều 10,5m), chiều dài 3,8km.
Trước đề xuất trên, một số ý kiến của người dân, chuyên gia nhận định chi phí đầu tư lớn, đoạn đường được mở rộng chỉ dài 3,8km nhưng chi phí dự kiến lên tới hơn 21.000 tỷ đồng. Nếu sử dụng kinh phí này làm đường sắt đô thị sẽ hiệu quả hơn. Bên cạnh đó công tác giải phóng mặt bằng phức tạp, sẽ dẫn tới nguy cơ dự án kéo dài.
Về việc này, ông Thành cho hay, theo quy hoạch tuyến đường Vành đai 2 của Hà Nội có tổng chiều dài 39km khép kín, hiện còn 6,1km chưa được cải tạo, đầu tư mở rộng. Trong đó, đoạn Ngã Tư Sở – Cầu Giấy (đi trùng với đường Láng hiện tại) dài 3,8km và đoạn dài 2,3km ở khu vực phía Bắc sông Hồng.
Theo ông Thành, việc ưu tiên hoàn thiện đầu tư khép kín tuyến Vành đai 2 theo quy hoạch là cần thiết. Tuy nhiên, những thông tin liên quan là nghiên cứu sơ bộ, tổng mức đầu tư dự án hơn 21.000 tỷ đồng mới chỉ là con số khái toán.
Dự án cải tạo, mở rộng đường Láng và đường trên cao đòi hỏi nhiều kỹ thuật phức tạp khi đi qua 3 cây cầu vượt và nhà ga đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông. Ảnh: Quang Phong
Theo Trưởng phòng Kế hoạch Sở GTVT, sở này đã lựa chọn xong đơn vị tư vấn để tổ chức nghiên cứu một cách cụ thể, kỹ lưỡng, từ đó đưa ra các kịch bản, phương án đầu tư cụ thể.
“Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước là chọn được phương án phù hợp, khả thi nhất. Đối với các dự án phức tạp, mang tính đặc thù như dự án này thì lại càng phải thận trọng”, ông Thành nhấn mạnh.
Ông Thành cho biết, ngay từ giai đoạn nghiên cứu sơ bộ, Sở GTVT đã tính tới các phương án khác nhau, như: Mở rộng Vành đai 2 về phía sông Tô Lịch; làm Vành đai 2 trên cao về phía sông Tô Lịch, vừa không phụ thuộc dự án mở rộng dưới thấp và bảo tồn được hàng cây xà cừ hiện hữu; làm đường sắt đô thị thay vì mở rộng Vành đai 2 trên cao và dưới thấp…
Sở GTVT TP Hà Nội cân nhắc các phương án cải tạo đường Láng ít ảnh hưởng đến các hộ dân và bảo tồn được hàng cây. Ảnh: Quang Phong
Từ đó, Sở GTVT đã đưa ra “đề bài” với rất nhiều yêu cầu cho đơn vị tư vấn, từ tính toán các yếu tố kỹ thuật, thoát nước, môi trường, hiệu quả đầu tư,… để hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng tới người dân trong khu vực dự án cũng như có phương án bảo tồn hàng cây xà cừ lâu năm.
Ngoài ra, để triển khai được dự án này thì thành phố cũng phải cân đối nguồn vốn, bởi Hà Nội đang tập trung nguồn lực cho Vành đai 4 – Vùng Thủ đô.
“Đây là dự án có quy mô phức tạp, sẽ được lấy ý kiến rộng rãi của các chuyên gia, nhà khoa học, người dân, đặc biệt là người dân nằm trong vùng tác động của dự án. Quy trình thẩm định dự án rất chặt chẽ và thận trọng. Nhanh nhất cũng phải tới cuối năm 2024, dự án tổng thể mới được hoàn thiện để trình HĐND TP xem xét”, ông Thành nói.