Cả hai vợ chồng chị Yểm, anh Trí đều không có nghề nghiệp ổn định, đều đi làm “thợ đụng” ai mướn việc gì thì làm nấy.

5 đứa trẻ nhem nhuốc, đói ăn bên mẹ bầu 7 tháng

Nhắc đến gia đình chị Nguyễn Ngọc Yểm (41 tuổi), người dân ở ấp Trà Cuôn, xã Vĩnh Kim, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh không còn xa lạ với hình ảnh cả gia đình từ người lớn đến trẻ con chỉ biết cười nói suốt cả ngày. Dù được mọi người thường xuyên giúp đỡ nhưng cái nghèo vẫn bám víu lấy gia đình chị Yểm từ năm này qua năm khác.

Nhắc đến gia đình chị Nguyễn Ngọc Yểm (41 tuổi), người dân ở ấp Trà Cuôn, xã Vĩnh Kim, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh không còn xa lạ với hình ảnh cả gia đình từ người lớn đến trẻ con chỉ biết cười nói suốt cả ngày. Dù được mọi người thường xuyên giúp đỡ nhưng cái nghèo vẫn bám víu lấy gia đình chị Yểm từ năm này qua năm khác.

Những ngày cuối tháng 6/2020, chúng tôi tìm đến gia đình chị Yểm cùng 5 đứa con nhỏ đang sống, cơn mưa nặng hạt khiến việc di chuyển hết sức khó khăn. Từ đường lớn của xã Vĩnh Kim, để đi đến được nhà chị Yểm chúng tôi phải đi qua nhiều con hẻm nhỏ và bùn lầy.

Từ đầu ngõ, những đứa trẻ lem luốc, quần áo cũ kỹ vội chạy vào nhà, nép sau cánh cửa với đôi mắt tròn xoe. Hỏi mấy đứa trẻ cha mẹ đâu, đứa lớn nhất nhanh nhảu đáp: “Dạ! Mẹ con ở trong nhà còn cha con đi làm từ lúc sáng rồi!”. Từ phía trong nhà, chị Yểm khệ nệ bước ra cửa với chiếc bụng bầu 7 tháng, cười ngây dại.

Theo chị Yểm, trong lúc đi làm thuê, chị tình cờ quen biết anh Phạm Minh Trí (42 tuổi), cảm mến hoàn cảnh của nhau, cả hai quyết định nên duyên vợ chồng. Sau khi kết hôn, vì không có đất có vườn, lại ít học nên hai vợ chồng chỉ biết quanh quẩn ở nhà, ai kêu gì làm nấy, những đứa con cũng lần lượt ra đời trong cảnh túng quẫn, nợ nần.

Cả hai vợ chồng chị Yểm, anh Trí đều không có nghề nghiệp ổn định, đều đi làm “thợ đụng” ai mướn việc gì thì làm nấy. Một ngày làm việc của chị Yểm chỉ được 50 nghìn nhưng vì thân hình gầy yếu, “lâu lâu người ta mới kêu, còn không ai kêu thì không có được 50 nghìn”. Trong khi đó, anh Trí đi bốc vác, làm thuê khắp nơi nhưng không thể gồng gánh một lúc 7 miệng ăn, bữa đói – bữa no đã trở nên quen thuộc với gia đình chị Yểm.

Trên chiếc giường mục nát, 6 mẹ con ngồi sát lại gần nhau, cơn mưa rả rích buổi chiều khiến những đứa trẻ thêm đói bụng. Là chị cả trong nhà, Nguyễn Thị Mộng Nhi (12 tuổi) cho biết từ khi em sinh ra cho đến nay, chưa một ngày nào mấy chị em của Nhi được ăn no, mặc ấm như những bạn bè cùng trang lứa.

“Có hôm cha mẹ con không có ai mướn làm, trong nhà cũng không còn gạo, bữa nào không còn gạo thì phải đi mượn bà nội rồi về trả” Nhi tâm sự.

Đưa đôi bàn tay xoa vào bụng bầu 7 tháng, chị Yểm cho biết đây là đứa con thứ 6 của chị và anh Trí. Nhìn khuôn mặt hốc hác, dáng gầy gò của chị Yểm cạnh những đứa trẻ nhem nhuốc đang co ro trong cái lạnh của cơn mưa chiều khiến ai chứng kiến đều xót xa.

Khi được hỏi vì sao chị vẫn sinh nữa khi gia đình khó khăn với thiếu thốn đến vậy thì chị chỉ cười rồi đáp: “Có uống thuốc với chích thuốc ngừa thai nhưng có bầu lúc nào không biết. Hôm trước thấy bụng đau đi khám thì người ta nói “Lại có bầu rồi Yểm ơi” mới biết là mình đang có thai”, chị Yểm chậm rãi nói từng tiếng một.

Con không muốn mẹ sinh nhiều em, nhà con nghèo lắm rồi!

Ngồi lọt thỏm trước cửa nhà, Phạm Thị Mộng Tuyền (7 tuổi) chia nhau từng viên kẹo được chúng tôi mang đến cho đứa em trai Phạm Minh Sang (4 tuổi). Dù đã đói bụng nhưng trong nhà không còn gạo, mấy đứa trẻ đành phải đợi cha đi làm về mới có được bữa cơm chiều.

Tuyền buồn bã nói: “Con đói bụng mà em Sang, em Tuyết, thằng Giàu cũng đói nữa, lúc trưa tụi con phải chia cơm nhau để ăn, mà hết sạch rồi. Con đói, mẹ cũng đói nữa”.

Tuy hoàn cảnh khó khăn, nhưng điều đáng quý là cả 3 đứa con của chị Yểm đến tuổi đi học đều đã được đến trường như những bạn bè cùng trang lứa. Nở nụ cười ngượng nghịu, chị Yểm cho biết dù mọi người có bảo chị khờ khạo, chê bai chị này nọ nhưng tình cảm mà chị dành cho mấy đứa con đều không thua kém bất cứ người mẹ nào.

Nhịn ăn, nhịn uống để có tiền xoay xở, mua sách vở, quần áo cho mấy đứa trẻ được đến trường, chị Yểm nói chắc chắn: “Gia đình chị không dám tiêu xài gì nhiều, vì còn để cho con cái đi học nữa, không dám cho đứa nào nghỉ hết trơn á, cũng ráng mần cho con đi học, sợ con sau này không biết chữ”.

Mặc dù có được sổ hộ “nghèo bền vững” của địa phương, 3 đứa trẻ được đi học miễn phí, chỉ tốn tiền quần áo, sách vở nhưng để chạy lo đủ cơm ngày ba bữa quả thật rất khó khăn với gia đình chị Yểm, đặc biệt chị lại đang mang bầu đứa thứ 5 được 7 tháng tuổi.

May mắn đang theo học lớp 5, Nhi cảm nhận rõ rệt nỗi khó khăn, vất vả mà gia đình em phải đối mặt. Cái “nghèo bền vững” cứ bám víu mãi gia đình em, khi mà mẹ của Nhi không được lanh lợi như bao người phụ nữ khác.

“Con không muốn mẹ sinh nhiều em, vì nhà con đã nghèo rồi. Con thấy cha mẹ con làm lụng vất vả mà cũng không đủ để ăn, con nghĩ vì nhà con có rất nhiều người. Con thương cha mẹ với mấy em nhưng mà con chỉ mong sau lần này mẹ con sẽ không sinh em nữa”, Nhi thỏ thẻ.

Căn nhà đơn sơ không có gì khác ngoài hai chiếc giường đã mục nát cũ. Nằm ngủ ngon lành, Phạm Văn Giàu (18 tháng) chốc chốc lại đưa tay lên đuổi ruồi, trong khi mấy chị em còn lại túm tụm gần nhau, hướng mắt về phía ngoài ngõ để đợi cha mang gạo về nấu cơm.

Nói về ước mơ của mình, Nhi bộc bạch: “Con thích sau này được làm giáo viên, nhưng con sợ không được đi học nữa, nhà con hết gạo rồi, mẹ lại sắp sinh em bé, con thương các em con lắm, con ước chị em con được ăn no, có đủ quần áo để mặc, mấy bạn cứ bảo nhà con nghèo, không chơi với mấy chị em con, con buồn lắm”.

Trong căn nhà lá xập xệ, 5 đứa trẻ tụm lại quanh nồi cơm, cố lục lọi vét mót những miếng cơm cháy còn sót lại để cho vào bụng. Từ khi sinh ra đến bây giờ, chưa một ngày nào tụi nhỏ được no bữa. Giá mà gia đình chị Yểm có đủ điều kiện như người ta thì những đứa trẻ này sẽ không còn cảnh sống tạm bợ trong căn nhà dột nát, bữa cơm chiều cũng đủ đầy hơn người ta. Câu nói của chị Yểm: “Chị không muốn đẻ nữa đâu…”, khiến chúng tôi băn khoăn mãi.

Nhìn vào ánh mắt ngây dại của những đứa trẻ, nghĩ đến ước mơ của Nhi, thấy sao mà khó quá. Cha mẹ các em cũng vì thiếu hiểu biết nên mới sinh đẻ quá nhiều con để giờ đây tương lai của các em như một đoạn đường dài không tìm thấy lối…

Hi vọng rằng 5 đứa trẻ này sẽ được ăn no, mặc ấm, được bảo bọc trong tình yêu thương của quý bạn đọc gần xa, giúp chị Yểm có tiền đi sinh nở (đẻ mổ được bảo hiểm hộ nghèo chi trả và triệt sản), cứu giúp gia đình chị thoát khỏi cảnh “nghèo bền vững” để có một cuộc sống ổn định hơn.