Bún thang được ví như bức tranh tinh tế của ẩm thực Hà Nội, với những sắc màu bắt mắt từ rau, hành, giò lụa, trứng gà, tôm nõn…
Từ những năm 1930 – 1940 của thế kỷ trước, bún thang đã rất phổ biến ở Hà Nội. Món ăn này được gọi là bún thang vì bắt nguồn từ món canh thượng thang của người Hà Nội xưa. So với các loại bún khác, nấu bún thang cầu kỳ hơn hẳn.
Với những nguyên liệu đơn giản, qua đôi bàn tay khéo léo của đầu bếp, bún thang đã trở thành một món ngon, mang hương vị thanh tao, hấp dẫn thực khách.
Dưới đây là 5 địa chỉ bún thang ngon cho những thực khách yêu thích món ăn này.
Bún thang Cầu Gỗ
Bún thang Bà Đức nằm trên phố Cầu Gỗ không còn xa lạ với nhiều người, đặc biệt là thực khách Thủ đô. Điều làm nên thương hiệu của quán là phần nước dùng trong vắt, ngọt tự nhiên. Xương được hầm nhừ từ đêm hôm trước, để nguội sau đó cất vào tủ lạnh để đông. Sáng hôm sau phần bọt nổi lên trên được hớt bỏ, giữ lại phần nước dùng trong veo, rồi đem đun trên lửa vừa.
Một bát bún thang sẽ gồm bún, giò lụa, thịt gà, nấm hương, củ cải, trứng tráng mỏng, hành lá và rau răm, tất cả đều đều được thái nhỏ, xếp gọn vào trong bát, chan thêm nước dùng. Khi ăn, thực khách vắt thêm chút chanh, tí mắm, tương ớt tùy theo khẩu vị.
Địa chỉ 48 Cầu Gỗ. Thời gian mở cửa quán từ 7 giờ sáng đến 11 giờ tối. Giá dao động từ 30.000 – 60.000 đồng/bát.
Bún thang Hàng Hành
Bún Thang Hàng Hành nức tiếng gần xa bởi hương vị thanh tao, tinh tế. Một bán bún mà có đầy đủ màu sắc bắt mắt, từ màu xanh của rau răm, hành, mùi tàu thái nhỏ, màu trắng của bún, màu vàng của trứng gà thái sợi, màu cam của chút ớt cay tê… Tất cả hòa quyện với nước dùng đậm đà, ngọt vị tôm khô, trong veo, thơm mùi nấm hương,…
Quán ở 29 Hàng Hành, mở cửa từ 7 giờ sáng đến 9 giờ tối, thường đông khách nhất lúc 9 giờ sáng. Thực khách nên tránh khung giờ này vì quán hơi nhỏ, có thể sẽ phải chờ đợi. Ngoài bún thang, quán còn phục vụ xôi gà rất ngon, được nhiều thực khách yêu thích.
Bún thang Lan Lùn
Nằm ở số 5 phố Hàng Thiếc, bún thang Lan Lùn mang đậm hương vị Hà Nội xưa cũ. Bún được trần nước dùng sau đó đổ vào bát, các nguyên liệu đặc trưng của bún thang đã được thái nhỏ, lần lượt xếp đều lên trên mặt bún, chan thêm nước dùng. Nước dùng ở đây thơm, có vị thanh ngọt, cho thêm chút nước mắm càng thêm dậy mùi hơn.
Giá một bát bún thang dao động từ 30.000 – 50.000 đồng, tùy nhu cầu thực khách. Ngoài ra quán còn phục vụ thêm phở, miến nước, miến trộn. Thời gian quán mở cửa từ 18h đến 22h hàng ngày.
Bún thang Quán Cũ
Nằm trên con đường Phan Đình Phùng rợp bóng cây xanh, bún thang Quán Cũ đã tồn tại hơn 30 năm, là địa chỉ quen thuộc của nhiều thực khách sành ăn Hà Thành.
Khi có khách gọi, các nguyên liệu đều được thái chỉ, xếp lần lượt vào bát, chan thêm nướng dùng nóng hổi vị tôm khô, rồi bưng ra bàn mời thực khách thưởng thức.
Một bát gồm các nguyên liệu như thịt gà, trứng tráng, giò lụa, nấm hương, rau răm, nửa quả trứng muối ăn kèm củ cải dầm giòn sần sật. Sau khi thưởng thức bát bán thang, thực khách tráng miệng với kẹo lạc.
Quán có điều hoà, không gian rộng rãi, thoáng mát. Thời gian mở cửa từ 7h đến 21h30. Giá một bát bún thang bình thường là 60.000 đồng, bát đùi gà 75.000 đồng. Ngoài bún thang, quán còn phục vụ phở gà, xôi gà, xôi thịt kho trứng.
Bún thang ngõ Xóm Hạ Hồi
Quán bún thang này có khoảng 30 năm tuổi đời, nổi tiếng đã lâu. Một bát bún thang ở đây đầy đủ từ thịt gà, trứng giò thái sợi, nấm hương, mọc…
Điểm đặc biệt ở chỗ, phần thịt gà được cô chủ quán xé tay, chứ không thái, thịt mềm, ăn kèm với chút ca la thầu (hay còn gọi là củ cải muối). Nước dùng trong, thanh, ngọt vị xương gà, thêm tí mắm tôm cho dậy vị là đủ kích thích vị giác.
Quán có cả không gian trong nhà và ngoài trời. Thời gian mở cửa từ 6h đến 13h. Tuy nhiên, buổi trưa quán khá đông, có khi chỉ khoảng hơn 12h đã hết hàng, bạn nên qua sớm để thưởng thức. Giá 35.000 đồng/bát.
- Tốn kém thế nào khi mang xe sang Lexus Hybrid đi bảo dưỡng?
- 3 lợi ích khi cha mẹ cho trẻ đi học sớm, không phải ai cũng biết
- 30 chiến sĩ cảnh sát giúp cậu bé ung thư thỏa ước mơ thành lính cứu hỏa
- Ngậm ngùi mất 20 cm đất bị lấn để mau có sổ đỏ
- Đi tìm bình yên ở Địa Tạng Phi Lai Tự – ngôi chùa thanh tịnh