Đừng tặc lưỡi “trẻ con thì biết gì”, hãy chấn chỉnh ngay một số hành động này của con để bé học được phép lịch sự tối thiểu.

Nhiều tình huống xảy ra trong cuộc sống mà cha mẹ biết rõ trẻ đang sai nhưng lại tỏ thái độ phớt lờ với lý do “Nó còn nhỏ, biết gì đâu”. Tuy nhiên, không thể đợi trẻ lớn mới bắt đầu đưa ra phương pháp giáo dục vì vô hình chung sẽ hình thành nên những thói quen không tốt ở trẻ. Sự thật lại là tất cả những sai lầm thường gặp của trẻ con đều bắt nguồn từ cách dạy dỗ và thói quen sinh hoạt hàng ngày của ông bà và bố mẹ. Chính điều này khiến bố mẹ cần phải suy nghĩ lại và thay đổi cách hành xử để làm mẫu cho bé. Nếu thấy bé có những hành vi chưa lịch sự như dưới đây, bố mẹ hãy chấn chỉnh ngay.

1. Ngắt lời khi người khác đang nói

Nếu bạn nhắc con “Đừng ngắt lời mẹ!” trong khi sẵn sàng xen vào cuộc nói chuyện của người khác, trẻ sẽ không bao giờ ngoan ngoãn nghe theo lời mẹ.

Thay và đó, hãy dạy con khi nào mọi người nói xong thì mới được tiếp lời, hoặc không được nói xen vào khi có ai đó đang nói chuyện điện thoại. Chẳng hạn, trước khi gọi cho bất kỳ ai, hãy nói với con: “Mẹ sẽ nói chuyện điện thoại ngay bây giờ và mẹ không muốn bị gián đoạn. Mẹ sẽ nói chuyện xong khi kim dài trên đồng hồ đạt đến con số…”.

2. Con đòi mua bất cứ món đồ chơi nào

Khi đi mua sắm cùng bố mẹ, trẻ thường nghĩ rằng bố mẹ đang chọn những món đồ bất kì tại siêu thị mà không biết thực tế bạn đã lập danh sách những thứ cần mua. Vì vậy, hãy cùng với con lập danh sách những thứ cần mua (nếu con không thể đọc thì có thể vẽ hình để bé hiểu) và cho trẻ nhiệm vụ kiểm tra danh sách mua đồ này.

Bằng cách này, bạn sẽ dạy cho trẻ rằng chỉ mua những thứ cần thiết chứ không được phép mua “vô tội vạ”. Và nhờ đó, trẻ cũng không dám đòi hỏi bố mẹ mua bất cứ món đồ chơi nào chúng thấy.

3. Con không nói năng lịch sự

Bố mẹ nên dạy cho trẻ về phép lịch sự càng sớm càng tốt. Có những đứa trẻ sẽ tiếp nhận một cách dễ dàng, nhưng cũng có bé sẽ chưa hiểu ngay được. Cách tốt nhất là bố mẹ nên làm mẫu cho bé, không đáp ứng bất cứ điều gì trẻ muốn cho đến khi bé nói một cách lịch sự bằng những cụm từ như “xin chào”, “tạm biệt”, “cảm ơn”, “xin vui lòng”… để con hình thành thói quen tốt.

4. Trẻ không biết khi nào phải dừng lại

Trẻ con thường không biết đâu là những thông tin mình không nên nói thẳng với người khác. Bé chưa biết ngượng hoặc xấu hổ, chúng cũng không hiểu được tác hại về sau của những câu nói sai hoàn cảnh đó. Điều này, đôi khi cũng khiến cho bố mẹ gặp không ít rắc rối, đặc biệt khi con vô tình làm tổn thương một ai đó.

Lý do trẻ có thói quen xấu trên chính là vì bố mẹ không dạy trẻ khái niệm về “bí mật gia đình”, bao gồm tất cả những điều con không nên nói với người khác để giữ phép lịch sự. Đồng thời, chính người lớn cũng phải là tấm gương sáng cho trẻ, tuyệt đối không nói xấu, bình luận không hay về người khác sẽ khiến trẻ bắt chước.

5. Gây rắc rối cho người khác

Nếu một người mẹ chỉ quanh quẩn bên trẻ suốt cả ngày, trẻ sẽ không hiểu được rằng sẽ có lúc mẹ phải làm việc khác hoặc đơn giản là làm những gì mình muốn. Chúng sẽ hành xử bản năng kể cả với người lạ. Vì vậy, cần dạy cho trẻ biết rằng cũng có lúc bố/mẹ cần nghỉ ngơi, làm việc, đi ra ngoài… Và không phải cứ cái gì muốn là sẽ được phép thực hiện.

6. Chỉ tay, nhìn chằm chằm vào người đối diện

Khi đang nói chuyện với người khác, hành động chỉ tay hoặc nhìn chằm chằm theo kiểu săm soi sẽ khiến họ cảm thấy khó chịu.

Tuy пhiên khi trẻ còn nhỏ thì khá là khó khăn để trẻ hiểu được điều này. Do đó, bố mẹ hãy để trẻ thử trải nghiệm cảm giác khó chịu đó. Khi đã hiểu và biết được cảm giác này thì trẻ biết tại sao không nên hành động như thế.