Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
339 lượt xem

7 chị em gái kiện ‘anh trưởng’ vì mất phần trong 6.000 m2 đất thừa kế

Hơn 6.300 m2 đất thừa kế không có di chúc, bảy con gái cho rằng mình góp tiền xây nhà thờ cha mẹ, cáo buộc con trai trưởng “không đóng góp gì” nhưng từ thủ đô về quê để chiếm hết nhà cửa, sổ đỏ.

Ngày 23/2, TAND huyện Hiệp Hòa mở phiên xét xử vụ kiện dân sự chia tài sản thừa kế giữa 9 anh chị em ruột. Người đại diện khởi kiện cho 8 chị em là bà Quách Thị Thật, 71 tuổi. Bị đơn là ông Quách Văn Hiền, 68 tuổi.

Theo đơn khởi kiện, cha mẹ họ có 9 người con: hai trai, 7 gái. Trong đó, bà Thật là chị thứ hai; ông Hiền là trai trưởng, con thứ ba. Từ năm 1994, sau khi 8 con lớn xây dựng gia đình riêng, cha mẹ họ ở với vợ chồng con trai út, ông Hậu.

Cha mất năm 2001, người mẹ vẫn tiếp tục ở với vợ chồng ông Hậu. “Mọi người trong gia đình đều cảm thấy an tâm khi bố mẹ tôi ở với vợ chồng Hậu”, đơn kiện nêu.

Cuối năm 2015, người mẹ mất song không để lại di chúc. Số tài sản bà để lại gồm hơn 230 triệu đồng; một căn nhà và 5 thửa đất, tổng diện tích 6.377 m2; trong đó 360 m2 là đất ở, còn lại hơn 6.000 m2 là đất trồng cây lâu năm, đều đứng tên mẹ.

Theo đơn kiện, năm 2018, các anh chị em thống nhất đóng góp tài sản để xây dựng lại căn nhà cấp bốn đã xuống cấp, để làm nơi sum vầy và thờ cúng bố mẹ.

Các chi phí xây dựng và hoàn thiện hơn 900 triệu đồng, ngoài tiền mặt bố mẹ để lại, bảy người chị gái góp 80 triệu đồng, em trai út 600 triệu đồng. Việc chi trả được xác nhận bởi những người thi công, bà bán nguyên vật liệu.

Nguyên đơn cho rằng trưởng nam là ông Hiền “không có sự đóng góp về tài sản và công sức” trong suốt quá trình thi công. Tháng 2/2021, ông này từ Hà Nội về “cố tình chiếm hữu, sử dụng và đuổi hết mọi người không cho ai vào nhà” và các tài sản khác do mẹ để lại. Việc này dẫn đến tranh chấp với 8 chị em còn lại trong nhà.

“Hiện nay, toàn bộ tài sản mẹ để lại và các Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đang bị ông Hiền chiếm hữu, quản lý và sử dụng”, bà Thật trình bày trong đơn kiện.

Bà cáo buộc em trai đã tự ý xây dựng trái phép, phá dỡ công trình hiện có, xây dựng thêm các công trình khác, ảnh hưởng đến hiện trạng tài sản đang tranh chấp; “có dấu hiệu của việc thực hiện các thủ tục làm thay đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” cha mẹ để lại.

Do 9 chị em không thể thỏa thuận việc phân chia di sản thừa kế, bà Thật trong đơn kiện đề nghị tòa phân chia tài sản này theo pháp luật và khẳng định “mong muốn nhận phần di sản thừa kế bằng hiện vật”.

Trong phiên tòa ngày 23/2, 8 nguyên đơn không có mặt tại tòa, ủy quyền cho người một đại diện.

Bị đơn, ông Hiền khẳng định các em “cáo buộc vô căn cứ”, cố tình vu khống, bôi nhọ nhân phẩm mình với mục đích xấu.

Ông cho hay, bố mẹ từ khi còn sống “thường xuyên tuyên bố” cơ ngơi này để cho ông, tức con trai trưởng, để có trách nhiệm hương hỏa thờ cúng. Ông nói, theo truyền thống địa phương và gia đình, con gái đi lấy chồng “là xong”, không được có quyền đòi chia tài sản với nhà đẻ hoặc các anh em trai trong nhà.

Trước việc bị tố không đóng góp gì nhưng vẫn “từ Hà Nội về quê chiếm đất tổ tiên”, ông Hiền nói giỗ chạp lễ tết vẫn về thờ cúng tại ngôi nhà của cha mẹ. Việc khi già yếu, ông về quê sinh sống và ở tại ngôi nhà này “là đương nhiên”.

Về sự kiện cải tạo căn nhà cấp 4, ông Hiền khẳng định đó là tài sản được cha mẹ “viết giấy lại cho”. Ông nói các chị em gái xâm phạm tài sản khi tranh thủ lúc ông không có nhà đã thuê máy xúc phá huỷ toàn bộ khuôn viên. Ông cáo buộc những người này bán vườn bạch đàn được trồng lâu năm và 245 cây sưa đỏ ông thuê trồng từ năm 2008 “gây thiệt hại gần tỷ đồng” và bán cả 5 thửa ruộng cha mẹ để lại.

Ông Hiền khẳng định là người hiểu lý lẽ, “không tiếc chị em gái cái gì” nên khi phát hiện sự việc, ông đã tổ chức chia tài sản bằng một cuộc họp gia đình chia tài sản. Với thửa đất hơn 4.650 m2, nơi có căn nhà và 360 m2 đất thổ cư, ông chia đôi cho mình và em trai. Các thửa đất bờ bãi còn lại, chia đều cho 7 chị em gái đã theo chồng. Hai thửa ruộng của cha mẹ, ông Hiền hưởng để “lo hương hỏa” cho cha mẹ.

Bị đơn này cho biết, sau khi được chia đất bờ bãi, các chị em gái đã đồng ý bán hết lại cho ông để sản xuất nông nghiệp. Đổi lại, ông trả họ mỗi người 10 triệu đồng, tổng 70 triệu đồng.

“Sau khi thống nhất, mọi người vui vẻ đồng ý, tôi mang hồ sơ lên làm thủ tục sang tên, chia đất. Sau đó mấy ngày, mấy chị em kia “đổi giọng”, không muốn chia như thế mà muốn chia tất cả làm 9 phần đều nhau, rồi đâm đơn kiện”, ông nói.

Ông cho hay hoàn toàn nhất trí phân chia tài sản thừa kế, nhưng bất bình với việc bị các chị em gái vu khống về đạo đức, chia bè phái làm lục đục gia đình đang hòa thuận.

Ông kể hàng chục năm làm việc, công tác trên những chuyến viễn dương vẫn “đau đáu” lo cho gia đình, cha mẹ và các chị em, giúp họ từ cân thóc, cái quạt, đến hỗ trợ học hành, công ăn việc làm. Sau này về hưu, mở công ty tại quê nhà, ông cũng tuyển dụng toàn chị em, con cháu trong nhà với mục đích “cùng nhau phát triển”.

“Giờ đưa nhau đi kiện tụng, tôi như bị phản bội, tiếc công tiếc của, tiếc lòng tốt của mình đối với đại gia đình và cuối cùng phải nghe và chứng kiến mọi việc làm quá tệ bạc”, ông Hiền nói.

Từ khi biết mình là bị đơn trong vụ kiện, ông Hiền nói tinh thần sa sút, mất ngủ trầm trọng. Mang tiếng “chiếm hết tài sản đất đai của gia đình” nên công ty xây dựng của ông Hiền bị đối tác xa lánh, huỷ hợp đồng.

Cho rằng những người thuộc HĐXX không đảm bảo vô tư, khách quan, ông Hiền làm đơn đề nghị thay đổi thẩm phán, song theo tòa, ông không đưa ra được bằng chứng. TAND huyện Hiệp Hòa do đó quyết định giữ nguyên các thành phần của HĐXX. Ông Hiền tiếp tục khiếu nại quyết định này.

Trong phiên tòa hôm 23/2, do chưa nhận được văn bản giải quyết khiếu nại, ông Hiền đề nghị hoãn phiên tòa.

TAND huyện Hiệp Hòa thông báo phiên phân xử sẽ mở lại ngày 20/3.

Bài viết cùng chủ đề: