Luôn tồn tại một vài điểm chung ở những đứa trẻ đứng top đầu của lớp. Và bao giờ cũng vậy, cha mẹ của các em này luôn đóng một vai trò rất quan trọng trong thành tích đáng nể của con.

Chúng ta thường nghĩ đứa trẻ thông minh, học giỏi là nhờ gen, là bởi được đầu tư giáo dục tốt hoặc bởi cơ may gặp được thầy tốt, bạn giỏi. Thế nhưng, các nhà tâm lý, qua các xác thực từ những công trình nghiên cứu lại cho rằng cha mẹ mới chính là yếu tố mạnh mẽ nhất ảnh hưởng và quyết định đến thành bại sau này của các con.

Dạy cho con các kỹ năng xã hội khi vào mẫu giáo

700 trẻ em từ khắp Hoa Kỳ được theo dõi từ lúc còn học mẫu giáo đến năm 25 tuổi để phục vụ cho một nghiên cứu kéo dài trong 20 năm của các nhà nghiên cứu từ Đại học Bang Pennsylvania và Đại học Duke. Kết quả cho thấy thành công của các em bé này, sau 20 năm thật sự có mối tương quan đáng kể với các kỹ năng xã hội ở trường mẫu giáo.

Theo đó, những đứa trẻ có khả năng hợp tác, thuần thục kỹ năng giao tiếp xã hội với các bạn đồng trang lứa được cho là dấu hiệu của những người nắm bắt được ý nghĩ, thấu hiểu được cảm giác của người khác và có khả năng tự giải quyết vấn đề.

Khi bước vào độ tuổi 25, những đứa trẻ này đạt được thành tựu tốt hơn, có bằng đại học và tìm được việc phù hợp với mơ ước bản thân.

Từ thành công của nghiên cứu này, các nhà có chuyên môn cho rằng việc giúp trẻ thành thục các kỹ năng xã hội, biết cách quản lý cảm xúc cá nhân và nắm bắt cảm xúc của người khác có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tạo tiền đề cho một tương lai tốt đẹp ở phía trước.

“Ném” việc nhà cho con tự giải quyết

Trưởng thành có phải bắt đầu từ ghế nhà trường hay không hay sẽ từ những cái bát được rửa sạch? Rất nhiều người lớn ở thế hệ trước than phiền rằng thế hệ trẻ ngày nay không biết giặt cái áo, quét cái nhà, rửa cái bát. Lý lẽ oách xà lách để trẻ nhỏ biện minh cho những cái không biết đó là “Tụi con bận học”. Còn với bố mẹ, lý lẽ đó cũng không khác là bao. Họ cho rằng việc nhà có mẹ lo, ưu tiên cho việc học vẫn là ưu tiên mang tính thời đại. Nhưng họ quên mất rằng, làm việc nhà không chỉ là làm cho xong một việc vặt mà còn là cơ hội dạy cho trẻ rất nhiều kỹ năng và tư duy khác.

Những đứa trẻ làm việc nhà sẽ hiểu rằng ai cũng phải lao động và muốn có được thành quả, tất cả mọi người đều cùng phải đóng góp. Những em bé này cũng hiểu rằng để sắp xếp công việc hiệu quả cần phải có tính toán logic, sắp xếp hợp lý và phối hợp nhuần nhuyễn trong mọi khâu.

Lythcott-Haims, trưởng khoa Các vấn đề sinh viên năm nhất tại Đại học Stanford từng có một bài nói chuyện trên TED về vấn đề này. Lythcott-Haims cho rằng đứa trẻ từ nhỏ đã biết làm việc nhà sẽ có khả năng đồng cảm và hợp tác tốt hơn khi trưởng thành vì nó hiểu được những khó khăn khi tự mình xoay sở làm việc. Ngoài ra, những đứa trẻ này bao giờ cũng độc lập trong quá trình hoàn thành nhiệm vụ được giao mà không gây phiền toái cho người khác.

Đặt kỳ vọng cao

Năm 2001, trong một khảo sát đối với 6.600 trẻ em, một giáo sư của Đại học UCLA và các đồng nghiệp đã nhận ra rằng chính kỳ vọng của cha mẹ đối với con cái sẽ tác động mạnh mẽ đến thành tích của trẻ sau này.

Cụ thể, khảo sát cho thấy, chỉ 56% học sinh có thành tích thấp được cha mẹ kỳ vọng vào đại học. Trong khi đó, có đến 96% học sinh đạt thành tích cao được cha mẹ đặt kỳ vọng vào đại học.

Đây cũng chính là điều mà các bậc cha mẹ thường rỉ tai nhau “nuôi trẻ bằng tư tưởng gì, trẻ sẽ lớn lên bằng tư tưởng đó.”

Đứa trẻ cũng như một cái cây non. Cha mẹ bón vào cây dưỡng chất gì thì trẻ sẽ lớn lên bằng chính dưỡng chất đó. Điều này đúng khi áp dụng cho hệ tư tưởng và cả kỳ vọng mà cha mẹ đặt vào đó. Bất kể cha mẹ giàu hay nghèo, là gia đình có tri thức hay gia đình lao động phổ thông thì kỳ vọng mục tiêu tương lai mà cha mẹ đặt ra sẽ tác động mạnh mẽ đến mục tiêu tương lai của các con. Ngoài ra, điều này đạt được cũng là bởi xu hướng đạt được kỳ vọng của cha mẹ ở nơi những đứa con.

Kiên định và cần cù

Cùng với cách thức đặt kỳ vọng cao, cha mẹ cũng cần phải trở thành một hình mẫu hành động để gây ảnh hưởng lên con cái. Ý chí, sự ham học hỏi và sức theo đuổi bền bỉ đến cùng mục tiêu đã chọn từ nơi cha mẹ sẽ ảnh hưởng đến sự kiên định trong lựa chọn tương lai của con cái. Mặc khác, nếu đứa trẻ được cổ vũ nó thông minh và tin rằng mình thông minh thật thì tư tưởng của trẻ sẽ mãi cố định ở đó mà khó có thể tiến lên. Nhưng một đứa trẻ được chỉ cho thấy thành công của con là nhờ vào sự kiên định, cần cù theo thời gian với cùng mục tiêu đã chọn thì nó sẽ luôn nỗ lực trong tư duy phát triển để hoàn thiện mình.

Cha mẹ luôn chín nhịn, mười nhường

Nhiều nghiên cứu xã hội học trong những năm qua chỉ ra rằng những đứa trẻ là tội phạm vị thành niên hoặc tội phạm xã hội phần lớn xuất thân từ trong những gia đình có cha mẹ thường xuyên lục đục. Điều này một phần cho thấy chất lượng cuộc sống tương lai của những đứa trẻ tốt hay tồi là từ chất lượng cuộc hôn nhân của bố mẹ.

Liên quan đến việc này, từng có một nghiên cứu của Đại học Illinois cho thấy những đứa trẻ có cha mẹ thường xuyên cãi cọ, lớn tiếng (dù ly hôn hay còn cùng chung sống với nhau) phần lớn có tương lai không mấy tốt đẹp so với những đứa trẻ sống trong những gia đình êm ấm.

Mặc dù vẫn có những gia đình thiếu khuyết cha hoặc mẹ nhưng những ông bố, bà mẹ đơn thân vẫn đủ khả năng nuôi con thành tài. Ấy là bởi vì trẻ không phải sống trong một môi trường mà suốt ngày chỉ nghe tiếng chửi rủa của cha mẹ hoặc cha mẹ của các em dù sống chung một mái nhà vẫn không hề nói với nhau một lời.

Robert Hughes, giáo sư về phát triển con người và xã hội tại Đại học Illinois, cũng chỉ ra rằng những đứa trẻ lớn lên trong các gia đình có cha mẹ đơn thân, không xung đột sẽ có chất lượng cuộc sống sau này tốt hơn những đứa trẻ lớn lên trong gia đình có cả cha lẫn mẹ nhưng lúc nào cũng xung đột.

Có trình độ học vấn cao

Thế hệ sau phải giỏi hơn thế hệ trước. Đó không chỉ là kỳ vọng mà còn bởi nền tảng thế hệ sau thừa hưởng luôn tốt hơn.

Chẳng phải những em bé có mẹ học cao hiểu rộng, thông thái sẽ là một lợi thế lớn cho sự phát triển tri thức và nhận thức của các con họ hay sao?

Ngày trước, ai đó có thể nói con nhà giàu hư hỏng hay “cha làm thầy, con đốt sách”. Nhưng bây giờ, ngó quanh có thể thấy, con nhà giàu, con nhà tri thức lại thường nằm trong top đầu tỷ lệ đậu tốt nghiệp.

Các nhà tâm lý học tại Đại học Michigan từng chỉ ra rằng những bà mẹ tốt nghiệp đại học có nhiều khả năng nuôi dạy con cái tốt hơn.

Cũng đồng ý kiến này, các nhà tâm lý học tại Đại học Bowling Green State ở Ohio cho rằng trình độ học vấn của cha mẹ có thể xem là một bảng dự đoán đáng tin cậy về thành tích học tập và sự nghiệp của con cái họ sau ít nhất 40 năm.

Khả năng chịu áp lực cao

Một thời gian dài, các nhà giáo dục ra rả nhắn nhủ các cha mẹ phải dành thời gian quan tâm và chăm sóc con nhiều hơn vì lợi ích phát triển của những đứa trẻ. Nhưng thời gian mẹ dành cho con không quan trọng bằng chất lượng thời gian ở cùng con.

Nếu người mẹ vì phải sắp xếp thời gian cho con giữa bộn bề sự nghiệp, công việc nhà, áp lực trong các mối QH xã hội, gia đình và chỉ có thể cho con vẻ mặt, biểu cảm, hành vi của sự căng thẳng, bực tức, trút giận thì chắc chắn nó sẽ ảnh hưởng đến hành vi, hạnh phúc và thành thích của trẻ. Sự ảnh hưởng này, trong tâm lý học gọi là hiện tượng lây truyền cảm xúc. Hiểu nôm na rằng nếu ở cạnh người hạnh phúc thì người tiếp cận cũng sẽ được lây truyền cảm xúc hạnh phúc và từ đó dẫn đến các hành vi tích cực. Ngược lại, nếu ở cùng người có cảm xúc buồn giận, đen tối thì người tiếp xúc gần cũng sẽ bị lây nhiễm cảm xúc buồn bực, chán nản và từ đó dẫn đến hành vi tiêu cực.

Do vậy, để ảnh hưởng tốt đến con, người mẹ phải là người có khả năng chịu được áp lực cao, sẵn sàng bỏ bên ngoài những bực dọc cá nhân để dành trọn vẹn cho con khoảng thời gian ở cùng.

Cha mẹ có công ăn việc làm ổn định

Một nghiên cứu từ Trường Kinh doanh Harvard cho thấy người mẹ đi làm sẽ tốt cho sự phát triển của con cái. Nghiên cứu cho thấy con gái có mẹ đi làm, trong tương lai có nhiều khả năng kiêm nhiệm chức quản lý và kiếm được nhiều tiền hơn, kiếm được nhiều hơn 23% so với những bé gái có mẹ là người nội trợ toàn thời gian. Còn con trai của những bà mẹ đi làm lại trở thành những ông bố biết cộng tác nuôi dạy con và sẵn sàng sắn tay vào làm việc nhà. Trung bình, họ dành khoảng 7 tiếng rưỡi mỗi tuần cho con và hơn 25 phút để phụ vợ việc nhà.