Màu sắc trong phòng ngủ không chỉ đóng vai trò trong thẩm mỹ mà nó còn tác động tới IQ, tính cách của trẻ.
Khi trẻ còn nhỏ, màu sắc môi trường xung quanh ảnh hưởng rất lớn đến chúng. Nếu một đứa trẻ được nuôi dưỡng trong môi trường có màu sắc phù hợp với bản thân, chúng thường có khả năng quan sát, tư duy, ghi nhớ tốt hơn so với đứa trẻ được nuôi dưỡng trong một môi trường có màu sắc lộn xộn.
Những loại trí thông minh của con người
Theo nhà tâm lý học Howard Gardner tại trường Đại học Harvard, trí thông minh của con người có tổng cộng 8 loại, chúng kết hợp với nhau để nâng cao trí não một cách toàn diện.
1. Trí thông minh ngôn ngữ.
2. Trí thông minh logic – toán học.
3. Trí thông minh thị giác – không gian.
4. Trí thông minh âm nhạc.
5. Trí thông minh thể chất – vận động.
6. Trí thông minh nội tâm.
7. Trí thông minh tự nhiên.
8. Trí thông minh xã giao.
Để một loại trí thông minh nổi bật hơn, điều này phụ thuộc vào sự trải nghiệm của trẻ trong cuộc sống hằng ngày.
Những đứa trẻ xuất sắc về trí thông minh thị giác – không gian, nếu được tiếp xúc nhiều với màu sắc và hình ảnh sẽ giúp chúng phát huy tối đa tiềm năng của bản thân.
Trẻ em thường chú ý và thích thú với những đồ vật, đồ chơi nhiều màu sắc. Loại trí thông minh này có thể phát triển tốt hơn nhờ vào sự kiên trì cũng như chất xúc tác là niềm đam mê với màu sắc. Một số người nổi tiếng có trí thông minh thị giác – không gian phải kể đến Thomas Edison, Pablo Picasso, Leonardo da Vinci.
Tác động của màu sắc tới trí thông minh của trẻ
Sau khi chào đời, mặc dù mắt của trẻ đã có thể nhìn thấy được nhiều màu sắc khác nhau, nhưng não bộ vẫn chưa sẵn sàng xử lý hết các thông tin phức tạp. Khi trẻ được 3 tháng tuổi, chúng đã có sự phân biệt rõ ràng hơn về màu sắc. Trẻ có xu hướng chuyển sang thích những đồ vật có gam màu cam, đỏ, xanh. Khoảng 3 – 4 tuổi, trẻ có thể nhận biết và gọi tên các màu sắc cơ bản.
Theo các nhà nghiên cứu, phản ứng của con người với màu sắc rất quan trọng. Khi màu sắc được truyền từ mắt tới não, não sẽ tiết ra một loại hormone ảnh hưởng đến cảm xúc, tâm trí và năng lượng của cơ thể.
Ví dụ, một số trẻ có thể cảm thấy không thoải mái trong một căn phòng sơn hoàn toàn bằng màu vàng, nhưng chúng lại cảm thấy dễ chịu trong một căn phòng được sơn kết hợp giữa màu xanh lam, xanh lục và vàng.
Màu sắc không chỉ đóng vai trò quan trọng trong thẩm mỹ mà nó còn tác động đến tâm lý, sức khỏe, tình cảm, nhận thức, học tập và hành vi của một cá nhân. Khi trẻ mới bắt đầu đi học mẫu giáo, chúng chưa thành thạo việc đọc, viết nên màu sắc được coi là một “dụng cụ học tập” thiết thực.
Mỗi màu có sự ảnh hưởng đến cơ thể và não bộ theo những cách khác nhau. Một số nghiên cứu về ảnh hưởng của màu sắc đối với hoạt động của não bộ cho ra kết quả bất ngờ. Dưới đây là một số màu sắc có tác dụng tích cực đến nhận thức và tâm lý, giúp trẻ phát triển trí tuệ.
– Màu đỏ
Sau màu đen và trắng, màu đỏ là màu mà trẻ có thể nhận biết sau vài tuần mới sinh. Trẻ rất thích màu đơn sắc sặc sỡ này. Các nhà khoa học chứng minh rằng, màu đỏ giúp trẻ nhớ lâu hơn, vì nó tác động mạnh đến các giác quan. Khi màu đỏ được sử dụng cùng với các hiệu ứng lặp lại hoặc chỉ đường chi tiết, nó có thể giúp cải thiện sự tập trung của trẻ.
– Màu xanh lá cây
Màu xanh lá cây phổ biến xung quanh chúng ta. Theo các nhà khoa học, màu xanh lá cây có mối QH đặc biệt với thần kinh của con người, có thể giúp trẻ tập trung, phát triển kỹ năng tư duy và thúc đẩy ham muốn khám phá thế giới xung quanh. Ngoài ra, màu xanh lá cây còn tạo cảm giác thư thái, giúp trẻ tự tin hơn.
– Màu trắng
Màu trắng là gam màu nhẹ nhàng, dễ chịu và không gây chói mắt. Vì vậy, nó mang lại cảm giác bình yên, nhẹ nhàng, thư thái trong tâm hồn. Màu trắng có tác dụng tốt trong việc cải thiện hiệu quả học tập, là tiền đề kích thích trí thông minh của trẻ.
– Màu hồng
Màu hồng là gam màu tươi sáng, được các bé gái và phụ nữ yêu thích. Màu hồng đại diện cho sự tinh tế, nhẹ nhàng, nữ tính và giàu cảm xúc. Nó cũng có tác dụng làm dịu cơn tức giận và lo lắng, được chứng minh giúp giảm nhịp tim khi căng thẳng.
Đối với trẻ nhỏ, màu hồng giúp trẻ luôn cảm thấy bình yên, nhẹ nhàng, dễ đi vào giấc ngủ. Những đứa trẻ ở trong căn phòng màu hồng sẽ cảm thấy thoải mái và ngủ ngon hơn. Nhờ vậy, trí tuệ của trẻ sẽ được kích thích và phát triển.
– Màu vàng
Màu vàng mang lại cảm giác ấm áp, khơi gợi sự hứng thú và hoạt động của trí não. Màu sắc tươi sáng này còn tạo cảm giác hạnh phúc, vui vẻ, năng động và sáng tạo. Tuy nhiên, nếu sử dụng quá nhiều đồ có màu vàng nó có thể gây cay mắt, dẫn tới căng thẳng và khó chịu.
– Màu cam
Màu cam là sự kết hợp hài hòa giữa màu đỏ và màu vàng. Màu cam là một gam màu nóng rực rỡ và tràn đầy năng lượng. Màu cam kích thích tư duy logic, tăng cường trí nhớ và oxy lên não. Bằng cách này, não sẽ hoạt động tốt hơn, sáng tạo và thông minh hơn.
Đối với những đứa trẻ có tính cách nóng nảy, cha mẹ nên sơn phòng của trẻ gam màu lạnh như xanh lá cây, xanh da trời để làm dịu và ổn định cảm xúc trẻ. Nếu trẻ ít hiếu động, hãy trang trí thêm những gam màu nóng để kích thích sức sống bên trong trẻ.
Nhìn chung, phòng ngủ của trẻ nên sử dụng tông màu lạnh chủ đạo để chúng dễ dàng đi vào giấc ngủ. Trong khi đó, phòng sinh hoạt, nơi ăn uống có thể dùng tông màu ấm nóng để tăng sức sống cho trẻ. Ngoài ra, tại bàn học của trẻ không nên sử dụng quá nhiều màu sắc để tránh làm trẻ mất tập trung khi học.