Từ ngày 1/1/2025, những công trình xây dựng trên đất lấn chiếm, xây sai quy hoạch, vi phạm quy định phòng cháy chữa cháy sẽ bị áp dụng biện pháp cắt điện nước.

Ngày 19/11, HĐND TP Hà Nội thông qua Quy định áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước trên địa bàn TP Hà Nội. Văn bản nhằm cụ thể hóa Điều 33 Luật Thủ đô năm 2024.

Theo đó có 8 trường hợp vi phạm phải áp dụng các biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện nước gồm: Công trình xây dựng sai quy hoạch, xây không có giấy phép xây dựng với trường hợp phải có giấy phép; xây sai với nội dung trong giấy phép xây dựng, sai với thiết kế xây dựng được phê duyệt đối với trường hợp được miễn giấy phép; công trình xây dựng trên đất bị lấn chiếm.

Tiếp theo là các trường hợp: Công trình xây dựng thuộc diện phải thẩm duyệt về thiết kế phòng cháy chữa cháy (PCCC) nhưng được tổ chức thi công khi chưa có giấy chứng nhận hoặc văn bản thẩm duyệt thiết kế về PCCC của cơ quan có thẩm quyền; công trình thi công không đúng theo thiết kế về PCCC đã được thẩm duyệt; công trình xây dựng, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ chưa được nghiệm thu, chấp thuận kết quả nghiệm thu về PCCC mà đã hoạt động, đã bị đình chỉ hoạt động, nhưng tổ chức, cá nhân vi phạm không chấp hành.

Hai trường hợp cuối cùng là cơ sở kinh doanh dịch vụ vũ trường, karaoke không bảo đảm điều kiện an toàn về PCCC đã bị đình chỉ hoạt động, nhưng tổ chức, cá nhân vi phạm không chấp hành; công trình thuộc trường hợp phải phá dỡ và đã có quyết định di dời khẩn cấp của cơ quan có thẩm quyền mà tổ chức, cá nhân đã được vận động, thuyết phục nhưng không di dời.

Quy định cắt điện nước công trình vi phạm từng gây tranh luận khi thảo luận dự thảo Luật Thủ đô năm 2024. Tại phiên họp Thường vụ Quốc hội hồi tháng 6, Chủ tịch TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nói đề xuất này bắt nguồn từ bức xúc trong thực tiễn. Khi xử lý một số khách sạn mini vi phạm trật tự xây dựng ở huyện Thạch Thất, công an phải túc trực, không cho dân vào ở.

“Người dân đã vào ở thì rất khó xử lý”, ông nói và giải thích các công trình này không nghiệm thu PCCC, xây dựng cũng không đúng. Nếu cắt điện nước, chủ đầu tư không thể đưa dân vào.

Ông Thanh kiến nghị Quốc hội giao thẩm quyền này cho Hà Nội để bảo vệ tính mạng người dân. Việc quyết định cắt điện nước được quy định rõ là thẩm quyền của chủ tịch xã, huyện và thành phố, “không phải ai cũng được quyết”.

Thống kê của Sở Xây dựng giai đoạn từ năm 2014 đến tháng 6/2024, UBND các quận, huyện, thị xã và các Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận, huyện, thị xã đã kiểm tra hơn 182.000 công trình, qua đó phát hiện, thiết lập hồ sơ xử lý đối với gần 10.500 cơ sở vi phạm quy định về trật tự xây dựng.

Về PCCC, số liệu báo cáo của công an thành phố cho thấy hiện toàn thành phố có 1.707 công trình vi phạm, chưa nghiệm thu về PCCC đã đưa vào hoạt động từ sau khi Luật PCCC năm 2001 có hiệu lực. Bên cạnh đó, công an thành phố đã phối hợp các đơn vị liên quan kiểm tra, phát hiện 1.538 cơ sở kinh doanh karaoke không đảm bảo các điều kiện về PCCC. Đến nay, việc khắc phục các tồn tại, vi phạm về PCCC của các cơ sở trên còn chậm, cụ thể đến tháng 9 ghi nhận có 53 cơ sở đã đảm bảo PCCC có thể đi vào hoạt động trở lại.

Từ thực tế trên UBND thành phố cho rằng việc xây dựng ban hành Nghị quyết sẽ góp phần ngăn chặn kịp thời và xử lý dứt điểm các vi phạm hành chính, từ đó giúp việc thi hành quyết định xử lý vi phạm hành chính nghiêm minh, hiệu lực, hiệu quả hơn, bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp, tài sản của người dân và doanh nghiệp; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước quy định tại Nghị quyết này không thay thế cho biện pháp xử phạt vi phạm hành chính.