Dịp Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay được nghỉ ba ngày, từ 5/4-7/4, người dân và du khách đến TP.HCM có nhiều lựa chọn để tham quan và đặc biệt, không thể không thăm viếng các đền thờ Vua Hùng.

Đền thờ Vua Hùng ở TP.HCM: Đền thờ Vua Hùng ở Thảo Cầm Viên

Đền thờ Vua Hùng ở Thảo Cầm Viên. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử TP.HCM

Đền được người Pháp xây dựng năm 1926, lúc đầu gọi là đền Kỷ niệm – nơi tưởng niệm những người Việt Nam đi lính cho Pháp tử trận trong chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918). Năm 1954, chính quyền Sài Gòn sử dụng đền thành nơi thờ Hùng Vương, Khổng Tử, Trần Hưng Đạo, Lê Văn Duyệt…

Từ năm 1975 đến nay, đền mang tên Đền thờ Vua Hùng do Bảo tàng Lịch sử TP.HCM quản lý. Đền có bình đồ vuông, diện tích 220m2 nhìn về hướng Tây Bắc. Đền có kiến trúc Á Đông 3 tầng nền, 2 tầng mái, ngói âm dương với tường gạch, hệ thống cột, rường kèo gỗ…

Đền thờ Vua Hùng ở TP.HCM: Đền thờ Vua Hùng ở công viên Tao Đàn

Đền thờ Vua Vương ở công viên Tao Đàn, quận 1 được xây dựng năm 1992. Đền thờ nằm giữa không gian rợp bóng cây xanh của công viên.

Đền thờ Vua Hùng ở công viên Tao Đàn, quận 1. Ảnh: Mạnh Tiến

Đền thờ Vua Hùng ở công viên Tao Đàn có kiến trúc truyền thống kết hợp hiện đại nhưng vẫn đảm bảo các yếu tố cốt lõi trong văn hóa thờ cúng Hùng Vương như phù điêu Lạc Long Quân và Âu Cơ, phù điêu Thánh Gióng đánh giặc Ân, phù điêu Sơn Tinh – Thủy Tinh, phù điêu dưa hấu An Tiêm, phù điêu tích Trầu Cau…

Đây là một địa điểm yên bình và trang trọng để dừng chân, dâng hương và tưởng nhớ công lao các Vua Hùng. Không gian thiên nhiên quanh đây cũng là nơi lý tưởng để thư giãn, tận hưởng không khí trong lành tại TP.HCM.

Đền thờ Vua Hùng ở Công viên Lịch sử Văn hóa Dân tộc TP.HCM

Đền thờ Vua Hùng tại Công viên Lịch sử Văn hóa Dân tộc ở TP.Thủ Đức là đền thờ Vua Hùng có quy mô lớn nhất TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Đền thờ nằm trên khu đất rộng đến 400ha.

Đền thờ Vua Hùng nằm trên khu đất rộng đến 400ha ở Công viên Lịch sử Văn hóa Dân tộc TP.HCM. Ảnh: Diệu Bình

Đền thờ Vua Hùng tại đây hoàn thành năm 2009, gồm 4 phần chính là quảng trường, đường tre, đền thờ và sân vọng. Ngay lối vào đền Hùng là quảng trường rộng 4.000m2, nền có hình Mặt Trời mô phỏng mặt trống đồng Đông Sơn. Hai bên quảng trường có 9 cột đá cao 6m tượng trưng cho 18 đời vua Hùng.

Đền thờ Vua Hùng tại Công viên Lịch sử Văn hóa Dân tộc cũng là nơi diễn ra các hoạt động thờ cúng Vua Hùng quy mô nhất TP.HCM mỗi dịp mùng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm.

Đền thờ Vua Hùng ở Suối Tiên

Đền thờ Vua Hùng tại khu du lịch Văn hóa Suối Tiên, TP.Thủ Đức là nơi thờ cúng Vua Hùng nổi tiếng tại TP.HCM và thu hút hàng nghìn người dân, du khách từ nhiều nơi đổ về dịp Giỗ Tổ hàng năm.

Đền thờ Vua Hùng ở Suối Tiên. Ảnh: Thương Thương

Năm nay, chương trình lễ cúng và dâng hương Vua Hùng tại Suối Tiên bắt đầu từ 9h, được tiến hành trang trọng. Ngoài ra, năm nay còn có chương trình nghệ thuật sân khấu hóa tái hiện truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ dành cho khách tham quan.

Đại diện Suối Tiên cho biết một điểm đặc biệt khác năm nay là đơn vị phối hợp cùng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQG TP.HCM thực hiện sự kiện ngày hội Việt Phục đồng diễn đặc biệt “Tóc xanh vạt áo – Chuyến tàu tương lai” với sự tham gia của 600 bạn trẻ và đông đảo du khách. Sự kiện nhằm tôn vinh vẻ đẹp trang phục truyền thống, khơi dậy lòng tự hào dân tộc…

Đền thờ Vua Hùng ở các quận, huyện

Đền thờ Vua Hùng ở TP.HCM còn nằm tại nhiều quận, huyện, như hẻm 22/93, đường Trần Bình Trọng, phường 1, quận 5; Tổ đình Quốc Tổ Lạc Hồng tại số 94 đường Nguyễn Thái Sơn, quận Gò Vấp; đền Hùng Vương tại số 261/3 đường Cô Giang, quận Phú Nhuận và đền thờ Quốc tổ Hùng Vương tại số 166/3 đường Đoàn Văn Bơ, quận 4.

Dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, tại các đền thờ Vua Hùng ở TP.HCM đều diễn ra lễ cúng trang trọng, thu hút người dân địa phương để dâng hương.


Nguồn: https://danviet.vn/cac-den-tho-vua-hung-o-tphcm-dac-biet-nhat-la-den-tho-co-quy-mo-lon-nhat-mien-nam-d1322241.html