Hồng Ngọc là thủ khoa kỳ thi tốt nghiệp THPT ở Quảng Bình. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, em từ chối cánh cửa vào đại học, hẹn bạn cùng lên xe ra miền Bắc học Ngoại ngữ, đi xuất khẩu lao động. Nhưng đến ngày hẹn, mẹ em đã ngăn con gái lại.
Đến bây giờ, em Nguyễn Hồng Ngọc (ở xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) vẫn bất ngờ vì đã đạt 53,7 điểm (trong đó, môn Địa lý 10 điểm), trở thành thí sinh có tổng điểm thi tốt nghiệp THPT Quốc gia cao nhất tỉnh Quảng Bình.
Sau khi biết điểm thi, em phân vân giữa việc nên đi học đại học hay đi làm phụ giúp gia đình. “Đi học, gia đình em không có tiền, đi làm thì mất tương lai, thậm chí đã có lúc em nghĩ đến việc đi xuất khẩu lao động”, Ngọc nói.
Nhìn cô con gái ngoan, khá trầm tính và nhút nhát, bà Hồng (mẹ của Ngọc) kể: “Cách đây 20 năm, tôi vào Đồng Nai làm công nhân rồi yêu bố Ngọc nhưng được vài năm, chúng tôi chia tay. Sau đó, tôi đem cả hai con về quê, lúc này Ngọc mới 3 tuổi, còn em trai tròn 1 tuổi.
Mẹ con tôi không có nhà, đến giờ vẫn phải sống nhờ nhà của em trai. Để cho hai con ăn học, ngoài làm ruộng, ai thuê gì tôi cũng làm. Khi cả hai con đi học cấp 3, gánh nặng càng lớn, mẹ con tôi sống chật vật lắm”.
Thấy mẹ vất vả, Ngọc luôn cố gắng chăm chỉ học, suốt 12 năm liền em đều đạt học sinh giỏi. Người mẹ nghèo cũng lấy những tấm giấy khen của con làm động lực để vượt qua những khổ cực phải đối diện mỗi ngày.
Nhưng giờ đây, 4 năm đại học là chuyện quá sức với người phụ nữ đã 55 tuổi. Nhìn vào những bao lúa xếp gọn nơi góc nhà bà nhẩm tính: “Mỗi tạ lúa bán được 700 ngàn đồng, có bán tất cả cũng chỉ được khoảng 5 triệu. Trong khi đi học ít nhất cũng phải tốn đến vài chục triệu, lấy đâu ra cho con đi”, bà Hồng thở dài.
Sau khi bàn bạc, hai mẹ con đã đưa ra phương án hoặc là đi xuất khẩu lao động hoặc vào miền Nam đi làm một năm rồi tính tiếp.
“Nhìn mẹ quá vất vả nên từ khi kết thúc kỳ 1 em đã nghĩ đến chuyện học xong cấp ba sẽ đi làm để đỡ đần mẹ. Thi xong dò theo đáp án em biết điểm của mình sẽ cao nhưng em và một bạn gái cùng làng đã bàn nhau ra Hà Nội học Ngoại ngữ để đi xuất khẩu lao động. Ngày hẹn lên xe ra Bắc, mẹ đã ngăn không cho em đi, cuối cùng bạn em đành đi một mình”, Ngọc nói.
Ngăn con lại nhưng bà Hồng vẫn chưa biết làm cách nào để kiếm đủ tiền cho con đi học. Ngọc đăng ký nguyện vọng vào trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM. Một người cậu của Ngọc đang làm công nhân ở đây cho biết, trước mắt cậu sẽ tìm sẵn việc làm, khi Ngọc vào sẽ đi làm. Người cậu này hy vọng cháu có cơ hội được đi học.
Theo thầy Hồ Công Tình, giáo viên chủ nhiệm lớp 12 của Ngọc, trước khi thi tốt nghiệp, em cũng từng chia sẻ sẽ đi làm sau khi học hết cấp ba. Thời điểm đó, em đã nhắc đến chuyện đi xuất khẩu lao động. “Tôi cũng khuyên Ngọc nên nghĩ kỹ. Đi làm thì chỉ giải quyết được chuyện trước mắt, còn đi học mới là chuyện tương lai lâu dài”, thầy Tình nói.