Nếu muốn con em thực sự ngoan, cha mẹ phải thường xuyên theo dõi, dạy dỗ, uốn nắn, đừng để khi con mình bị “bế” đi tù mới biện bạch rằng “con tôi ở nhà ngoan lắm.”
Có một điểm chung mà người viết thấy được ở nhiều phiên tòa xét xử các vụ hỗn chiến, đâm chém nhau vì mâu thuẫn đời thường liên quan đến các bị cáo đang độ tuổi thanh thiếu niên: Các phụ huynh đều xin HĐXX giảm án vì ‘con tôi ở nhà ngoan lắm’.
Trong hai phiên tòa xét xử Nguyễn Đức Hiếu (30 tuổi, ngụ thôn 3 Thanh Lạng, H.Tuyên Hóa, Quảng Bình) và Trần Đại Hoàng Phi (23 tuổi, ngụ Q.Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng) cũng vậy. Cả hai đều là những “đứa con ngoan ở nhà”, nhưng cáo trạng cáo buộc đã có những hành vi gây án hết sức bạo lực. Hiếu giết người yêu cũ vì bị chia tay và thấy tình địch qua đêm ở phòng cô này, bất chấp nạn nhân van xin và người dân can ngăn. Phi sàm sỡ và đánh phụ nữ ở nhà vệ sinh quán nhậu, chém vào đầu chồng sắp cưới cô này, đập phá quán nhậu. Khi con bị đưa ra xét xử, mẹ Phi xin lỗi thay con; nhưng suốt phiên tòa xử Hiếu, cả Hiếu và cha không một lời xin gia đình bị hại tha thứ mặc cho chủ tọa phiên tòa nhắc nhở.
Nguyễn Đức Hiếu (trái) và Trần Đại Hoàng Phi lãnh án vì tội gi.ết ng.ười
TAND TP.Đà Nẵng đã tuyên phạt Hiếu mức án tù chung thân về tội giết người; Phi 11 năm tù về 3 tội: giết người, cố ý gây thương tích và cố ý làm hư hỏng tài sản. Nếu cha mẹ không dạy được, còn bao che để con em ỷ lại, làm càn thì pháp luật sẽ thay phụ huynh dạy dỗ, nhưng với cái giá thật đắt.
Thường theo dõi, đưa tin các vụ án hình sự trên địa bàn TP.Đà Nẵng, người viết nhận thấy khoảng 5 năm qua, cơ quan chức năng tại TP này rất nghiêm khắc với tội phạm xâm hại sức khỏe, đặc biệt khi bị can, bị cáo dùng hung khí, thủ đoạn nguy hiểm đánh vào vùng trọng yếu… của bị hại, nạn nhân. Do vậy, nếu muốn con em thực sự ngoan, cha mẹ phải thường xuyên theo dõi, dạy dỗ, uốn nắn, đừng để khi con mình bị “bế” đi tù mới biện bạch rằng “con tôi ở nhà ngoan lắm”.