Anh Nguyễn Trọng Phú ở thôn Mỹ Thạnh Đông 1, xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa (tỉnh Phú Yên) là một trong những người khởi nghiệp bằng cách mạnh dạn đầu tư nuôi chình thương phẩm trong bể xi măng.

Anh Phú cho biết, trước đây anh làm nhiều công việc nhưng kinh tế vẫn chưa đủ để trang trải cho cuộc sống hàng ngày, nên anh suy nghĩ phải tìm mô hình phù hợp để phát triển kinh tế gia đình.

Qua thời gian  tìm hiểu, anh nhận thấy nuôi cá chình nước ngọt mang lại hiệu quả kinh tế cao, trong khi nguồn thức ăn của cá chình ở quê nhà cũng rất dễ kiếm, anh đi đến quyết định đầu tư vào con cá chình.

Khu vực nuôi cá chình thương phẩm trong bể xi măng của anh Nguyễn Trọng Phú được xây dựng trên diện tích khoảng hơn 300m2, gồm: 6 bể nuôi với tổng kinh phí đầu tư xây dựng chuồng trại và mua cá chình giống bước đầu hơn 1,8 tỷ đồng.

Nhờ chăm sóc đúng quy trình, theo dõi chặt chẽ chế độ dinh dưỡng của con cá chình nên các bể nuôi chình phát triển rất tốt. Chỉ sau hơn hai năm chình đạt kích cỡ 2,0 – 2,5kg/con.

Anh Phú cho biết: Với giá bán cá chình ở mức cao và ổn định như hiện nay từ 500.000đ/kg – 550.000 đ/kg, trong thời gian tới đây anh sẽ xuất bán được khoảng gần 1 tỷ đồng.

Ước tính ban đầu, anh sẽ thu lợi nhuận gần 500 triệu đồng sau khi đã trừ các chi phí khấu hao cơ sở, mua thức ăn và những thứ khác. Vì thế theo kế hoạch sắp tới anh sẽ mở rộng thêm diện tích nuôi chình khoảng 1.000m2 trên mảnh đất nơi anh ở.

Anh Phú cho biết cách xây dựng bể nuôi cá chình như sau: Bên trong tường của bể nuôi anh làm láng nhẵn bằng xi măng hoặc lát gạch men, đáy bể tráng xi măng.

Thành bể cao hơn mức nước cao nhất 50cm, đồng thời có ống cấp nước đặt cách mặt bể 50cm, bể sau khi xây xong, ngâm phèn chua (100g/m2) 2 lần  (2 ngày/lần), sau đó chà sạch bằng bẹ chuối, cấp và xả nước 3 đến 4 lần kết hợp với phơi nắng trong 2 tuần.

Bên trên bể nuôi được thiết kế mái che lưới chống nắng. Nhằm đảm bảo các yếu tố trong môi trường bể nuôi luôn ổn định, anh bổ sung vòi sục khí cách khoảng 2 m/vòi đảm bảo đủ lượng oxy hòa tan 5mg/l để cá chình phát triển tốt, nhanh lớn. Sàn ăn có kích thước 60cm x 80cm (bố trí gần nơi thoát nước), bỏ ống nhựa vào bên trong bể để làm chỗ trú ẩn cho cá chình bông.

Cá chình phát triển tốt ở nhiệt độ từ 25-27 độ C. Là loài ăn tạp, nguồn thức ăn tự nhiên của cá chình là tôm, cá con, cá diếc, cá rô phi, cá mè loại nhỏ, ốc, giun, cá tạp, tôm, tép …, và động vật ở đáy và các vi sinh vật thủy sinh khi còn nhỏ; trong đó, thức ăn chính của chúng là động vật phù du và trùn quế.

Những thức ăn này anh đem xay nhuyễn trước khi cho cá ăn. Thức ăn cá chình phải tươi, cần trộn thêm Vitamin, men tiêu hóa giúp tỷ lệ sống cao có thể lên tới 90%.

Trong quá trình nuôi nên giữ nguồn nước sạch, đảm bảo đủ hàm lượng oxy trong nước, Cá chình ưa bóng tối, sợ ánh sáng, ban ngày chúng chui rúc vào đáy ao, ban đêm ra ngoài kiếm ăn, nên thời gian cho cá ăn vào buổi tối từ 18 giờ đến 19 giờ hàng ngày.

Hiện nay, việc cho sinh sản nhân tạo cá chình bông còn rất khó khăn, nguồn cá giống chủ yếu vẫn được đánh bắt trong tự nhiên.

Ở tỉnh Phú Yên, cá chình thường được đánh bắt ở cửa Sông Ba (TP Tuy Hòa), Sông Bàn Thạch (Đông Hòa), đập Tam Giang (Tuy An). Riêng nguồn giống hiện nay anh đang nuôi lấy từ Công ty TNHH nuôi trồng thủy sản Vạn Xuân ở Khánh Hòa, Anh Phú cho biết ngoài việc hướng dẫn kỹ thuật nuôi, công ty này đã cam kết rõ ràng trong hợp đồng sẽ thống nhất bao tiêu sản phẩm đầu ra cho người mua giống.

Về kỹ thuật nuôi, anh mạnh dạn ứng dụng công nghệ nuôi cá chình với hệ thống nuôi tuần hoàn khép kín. Anh sử dụng oxy nguyên chất, giúp kiểm soát môi trường, hạn chế được dịch bệnh, tăng tỷ lệ sống. Nguồn nước trong ao nuôi nhìn lúc nào cũng trong vắt, giúp dễ dàng quan sát khi cho ăn và nắm bắt được hoạt động của chình…

Nhờ mạnh dạn áp dụng công nghệ tiên tiến đưa đến thành công, điểm nuôi cá chình bông của anh Nguyễn Trọng Phú trở thành địa chỉ đáng tin cậy để nhiều nông dân trong xã cũng như trong tỉnh Phú Yên đến thăm quan, học tập kinh nghiệm.