30 tuổi và sắp là tiến sĩ nhưng tôi vẫn không thể thôi ám ánh về tuổi thơ ngập trong đòn roi cùng những lời chửi mắng của cha mẹ.

Xung quanh vấn đề “bạo lực ngôn ngữ”, độc giả Nhiên Trần chia sẻ câu chuyện của chính bản thân khi trải qua một tuổi thơ bị cha mẹ thường xuyên đánh mắng:

“Tôi có một tuổi thơ ngập trong nước mắt. Bố thường say rượu rồi đánh đập, chửi bới cay nghiệt mẹ và tôi, thường xuyên dọa giết. Tôi chẳng có mấy giấc ngủ yên lành và đã muốn chết rất nhiều lần. Cứ mỗi lần như vậy, tôi lại cầm con dao nhọn chui vào một xó nhà, đâm liên tiếp vào góc tường và khóc. Rất nhiều năm như vậy, cho đến năm học lớp 8, tôi tự đi mua xi măng và cát về, trộn và trát lại góc tường đã mục ruỗng, quẳng con dao đã cùn gỉ đi. Tôi tự ôn thi rồi lên thành phố học, xa gia đình rất sớm, vẫn luôn nghĩ đó là cách duy nhất để sống tiếp.

Một, hai năm, tôi mới về nhà một lần vì ở cách xa hàng nghìn km, cũng không nói chuyện với bố nhiều. Tôi cũng nói rằng đã tha thứ cho ông. Ban ngày tôi hay cười nói, thích trêu chọc mọi người, nhưng những ám ảnh ngày bé thỉnh thoảng vẫn len vào mỗi giấc ngủ, và lúc đó tôi vẫn sợ hãi vô cùng.

Giờ ở ngưỡng 30 tuổi và sắp là tiến sĩ, mặc dù đã tha thứ cho bố, và dù tin vào tình yêu, tôi vẫn rất hoang mang về cuộc sống gia đình ngày sau. Tôi sợ lấy phải một người chồng như bố, sợ sẽ sinh ra những đứa con mà không thể bảo vệ nó như mẹ, sợ những đứa trẻ sẽ chịu những tổn thương như mình thời thơ ấu. Ở bên ngoài có thể tôi rất tự tin, hay nói cười, nhưng thực sự lại rất tự ti.

Nói như Alfred Adler: “Người hạnh phúc dùng thời thơ ấu chữa lành vết thương cho cuộc sống của họ, nhưng những người đau khổ dùng tương lai chữa lành vết thương thời thơ ấu”. Tôi không dám có con trước khi có thể chữa lành cho chính bản thân mình. Tôi ước những ông bố bà mẹ có thể lắng nghe con cái nhiều hơn thay vì dùng bạo lực”.

Cũng có cùng hoàn cảnh tuổi thơ như vậy, bạn đọc Longcap94 kể về những ám ảnh trong quá khức với đòn roi và những lời chửi mắng của cha mẹ:

“Tuổi thơ của tôi sống trong một gia đình có người bố nghiện rượu, hay đánh đập vợ con, còn mẹ thì có rất nhiều cuộc gặp gỡ với nhiều người đàn ông. Họ chia tay nhau sau bảy năm kết hôn, đến nay đã được 20 năm. Mặc dù sống với mẹ, nhưng với lối sống đó nên hàng ngày tôi vẫn nghe nhiều lời mắng chửi, trận đòn liên tục. Ngoài ra, tôi cũng chứng kiến nhiều cảnh tượng ám ảnh về những mối QH của bà và nhiều người đàn ông khác. Hệ quả, tôi bị trầm cảm suốt một thời gian dài. Bây giờ, tôi phải sống mà quên đi quá khứ, học cách giao tiếp với bên ngoài bình thường và nghĩ về tương lai”.

“Đến giờ ở tuổi 40, tôi vẫn còn nhớ ba trường mầm non tôi học, hai trường tiểu học, hai trường THCS và hai trường THPT. Những trò chơi thuở nhỏ đến giờ chưa phai nhưng ám ảnh nhất vẫn là những lời mạt sát, chì chiết suốt 22 năm đầu đời. Đúng là giờ tôi đã thêm phần khẳng định tại sao đời tôi lại ra cơ sự này”, độc giả Mạnh Cao Xuân chia sẻ.

Nhận định về sai lầm trong cách dạy con của nhiều người Việt, bạn đọc Greenlight cho rằng:

“May mắn là chúng ta đang được tiếp cận với tri thức, cách thức sống khoa học hiện đại như ngày nay. Ở Việt Nam, việc nuôi con vẫn còn rất tùy tiện. Nuôi con phải có đủ kinh tế lẫn tri thức chứ không phải muốn sinh con lúc nào thì sinh, chưa trang bị gì cả mà sinh con thì chỉ gây thiệt hại lẫn thiệt thòi cho con”.

Đồng quan điểm trên, độc giả T3 bổ sung:

“Những đứa trẻ đứa trẻ hư hỏng hoặc do thiếu sự quan tâm của bố mẹ (do bận công việc), hoặc do bố mẹ thiếu kỹ năng, không tìm hiểu tâm lý, không giao tiếp được với chúng, quan tâm nhưng không đúng cách. Cả hai trường hợp này đều khiến cho trẻ cảm thấy mình không được quan tâm, cô đơn và bị bỏ rơi. Suy cho cùng đó cũng là một dạng bạo hành tâm lý gây hậu quả khủng khiếp”.