Hai mắt không thấy gì nhưng tài lặn biển của ông Chín Liều chẳng kém cạnh ai.

Ông Chín Liều tên thật là Vương Hoài Ân (58 tuổi, ngụ thị trấn Kiên Lương, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang) được người dân xứ biển Ba Hòn đặt cho biệt danh “vua lặn biển”. Mặc dù hai mắt mù lòa chỉ bắt cua, cá… bằng tay không.

Ông cho biết, mấy ngày nay biển động, không ra biển, lòng bồn chồn nhớ nhung. Được hôm trời bớt gió ông nói với người con gái là chị Vương Thị Kim Vui sửa soạn đồ nghề chở ông ra bãi biển cách nhà hơn 2km để bắt hải sản.

Dù gió đã bớt nhưng từng cơn sóng vỗ vào bờ vẫn còn khá dữ, ẩn chứa nhiều hiểm nguy. Trên bờ lúc này, ông Chín Liều đang mang bao tay, cột chiếc thùng nhựa ngang bụng rồi thong thả bước xuống nước, khó ai tin đây lại là bước chân của một ông mù gần 60 tuổi.

Mặc từng đợt sóng nối nhau ào ạt đánh úp vào người nhưng bước chân của ông Chín vẫn rất vững chãi, tiến nhanh về phía biển.

Khi mực nước ngang cổ, ông lấy hơi rồi lặn xuống tìm hang cua, cá. Hơn 30 giây sau ông Chín ngoi lên tay cầm con cá mang ếch cho nhanh vào thùng đựng rồi tiến ra xa hơn tiếp tục săn bắt.

Chừng 20 phút sau khi thấm mệt, ông Chín bơi vào bờ nghỉ ngơi, uống chút nước lấy lại sức, rồi tiếp tục cho những hơi lặn tiếp theo.

Theo ông Chín Liều, năm lên 7 ông bị đau ban nhưng do điều kiện gia đình khi ấy quá khó khăn, không được chữa trị kịp lúc khiến đôi mắt của ông mờ dần, rồi đến năm 20 tuổi thì mù hoàn toàn. Cha mẹ ông sống bằng nghề biển nên từ năm 10 tuổi ông học lặn biển để mò cua, bắt ốc.

“Lúc nhỏ làm cho gia đình nhưng vì nghèo quá không đủ ăn tôi xin đi theo các tàu đánh cá để xẻ cá, muối cá mướn rồi vá lưới, đẩy ruốc… Tuy tôi mù lòa nhưng ông trời cho tôi đôi tai thính để tôi đánh giá đúng phương hướng, làm việc mau lẹ nên các chủ ghe thích lắm”, ông Chín Liều tâm sự.

Mỗi chuyến đi biển của ông nhanh thì 5-7 bữa, có khi đến cả tháng trời lênh đênh ngoài biển khơi. Kỷ niệm mà ông nhớ nhất phải kể đến năm 20 tuổi, trong một lần theo ghe đánh cá lớn thì trúng hang con cá mú rất to, ước chừng con cá nặng hơn trăm kg, 5 người trên tàu xúm lại kéo câu lên chẳng được, khi ấy tài công mới bảo một người nhảy xuống nước bắt cá lên.

“Ai nấy đều từ chối vì chỗ hang cá nằm ngoài khơi thường xuyên có cá mập đã có nhiều người bị cá mập tấn công nên chẳng ai dám lặn xuống. Vì biết tiền công kéo cá lên sẽ được trả cao nên tôi nói với tài công để tôi lặn xuống móc lưỡi câu vào mang cá cho mọi người kéo lên. Từ đó mới có biệt danh Chín Liều”, ông Chín nhớ lại.

Đi ghe khoảng 10 năm, dành dụm được ít tiền ông Chín Liều trở về đất liền mua miếng đất nhỏ cất căn nhà sống cùng người con gái nuôi.

“Từ ngày vô bờ tôi chuyển sang nghề lặn cho tới nay. Ngày trước cá, tôm, cua còn nhiều đi lặn một buổi chừng 3-4 tiếng tôi có thể bắt hơn chục kilogram, nhưng giờ hải sản cạn kiệt lặn biển cả ngày kiếm được 4-5kg là may mắn lắm rồi”, ông Chín Liều buồn bã.

Biển động nên hải sản khó đánh bắt hơn, ông Chín chỉ bắt được con cua, cá và vài con vẹm.

Cơ thể tật nguyền nên ông Chín không dám mơ ước hạnh phúc riêng, ông may mắn nhận được đứa cháu làm con nuôi rồi cả nhà đùm bọc sống cho tới nay. Chị Vương Thị Kim Vui cho biết, cha mẹ chị đã qua đời vì bệnh tật, chị luôn coi ông Chín Liều là người cha thứ hai.

“Vì tôi có bệnh không thể đi lặn biển cùng cha, sáng tôi đưa cha ra bờ rồi về nhà đưa con đi học, lo cơm nước. Canh thời gian cha lặn biển rồi tôi chạy xe ra rước, sau đó mang hải sản ra chợ cân cho bạn hàng. Ngày trúng cũng kiếm được hơn 500.000 đồng, ít hơn cũng hơn 200.000 đồng, ngày biển động thì chẳng có đồng nào”, chị Kim Vui bộc bạch

Cuộc sống còn lắm túng thiếu, bữa đói bữa no khiến ông Chín càng lo âu vì tương lai của cháu ngoại, ông sợ cháu mình sẽ phải nghỉ học.

Năm tháng khiến sức khỏe của ông Chín Liều không còn như xưa, con cái khuyên ông bỏ nghề tìm việc khác mưu sinh nhưng vì tình yêu biển cả quá lớn, ông Chín Liều vẫn chưa thể từ bỏ việc lặn biển. Với ông ngày nào còn được nghe sóng vỗ, bắt được con cua, con cá là ông biết mình vẫn còn giá trị để tồn tại.