Thấy ốc bươu đen bản địa trước nguy cơ tuyệt chủng vì loại ốc ngoại lai lấn át, gây hại, anh Thái Thanh Trí ra đồng tìm nhặt từng con về nuôi, nhân giống và bất ngờ thành công với việc này.
Cơ duyên đến với ốc bươu đen
Theo anh Thái Thanh Trí (43 tuổi, trú tại xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định), vài năm về trước, loài ốc bươu vàng nhuộm đỏ những cánh đồng lúa, gây hại nghiêm trọng cho cây trồng. Trong khi đó, ốc bươu đen truyền thống có nguy cơ tuyệt chủng. Nhận thấy điều đó, anh Trí suy nghĩ làm sao phải giữ cho được con ốc bươu đen.
Năm 2017, vốn là một lái xe tải đường dài, anh Trí bỏ nghề để bắt đầu hành trình tìm hiểu, nuôi và giữ giống ốc bươu đen. Từ đó, anh Trí đi nhiều khu ruộng đồng của dân để tìm bắt ốc bươu đen để về thả nuôi, gây giống.
Đến nay, anh Trí trở thành điểm sáng làm kinh tế với mô hình nuôi ốc bươu đen thương phẩm kết hợp ươm giống với quy mô lớn nhất huyện Phù Mỹ nói riêng và tỉnh Bình Định nói chung.
Tổng diện tích trang trại của anh Trí hiện khoảng 5.000m2, chưa kể khu trồng cây làm thực phẩm cho ốc.
Theo anh Trí, so với các loài vật khác thì ốc bươu đen thuộc loài rất dễ nuôi, dễ chăm sóc, sức đề kháng rất tốt, ít bị bệnh. Quan trọng nhất vẫn là môi trường nuôi, độ PH phù hợp, thức ăn sạch thì ốc bươu đen sẽ phát triển ổn định.
“Thức ăn của ốc bươu đen khá đa dạng nhưng khoái khẩu vẫn là lá mì (lá sắn), lá bèo”, anh Trí nói.
Anh Trí cũng cho biết, để chủ động nguồn thức ăn của ốc bươu đen, anh trồng 2.500m2 mì lấy lá, củ và khoảng 1.500m2 ao nuôi bèo làm thức ăn cho ốc.
“Ốc bươu đen rất dễ nuôi nhưng không nên thay đổi thức ăn đột ngột bởi như vậy dễ làm ảnh hưởng đến đường ruột của ốc. Khi đó, ốc dễ mắc bệnh, phát triển rất chậm hoặc bị chết”, anh Trí chia sẻ.
Để đảm bảo nguồn nước sạch để ốc bươu đen phát triển, anh Trí bố trí ao nuôi theo quy trình luân chuyển liên tục một chiều. Nước sau khi được lấy từ sông suối, hồ thủy lợi về sẽ vào ao chứa, sau đó, đưa vào ao nuôi, rồi ra ao lắng và rồi thải lại môi trường.
Ngoài ra, để ốc bươu đen phát triển tốt, anh Trí thường xem theo dõi các chỉ tiêu cần thiết của môi trường nước, bổ sung khoáng chất, vôi giúp cho ốc bươu đen có đủ can xi.
Giúp nông dân cùng làm giàu
Theo anh Trí, ốc bươu đen từ khi sinh sản đến khi xuất bán mất khoảng 7-8 tháng. Ốc bươu đen được tiêu thụ rất mạnh với giá bán dao động 110.000-120.000 đồng/kg.
Hiện nay, mỗi ngày anh Trí xuất bán 10 – 20kg ốc bươu đen thương phẩm, tùy khách hàng đặt. Mỗi năm, anh xuất bán khoảng 5 tấn ốc, sau khi trừ chi phí, thu lãi 500-600 triệu đồng.
Không chỉ chú trọng ốc bươu thương phẩm, anh Trí còn rất chú trọng việc tuyển chọn con giống để nhân giống. Nhờ vậy, không chỉ sản lượng ốc giống năm sau luôn cao hơn năm trước mà chất lượng cũng tốt hơn.
Năm 2020, anh Trí nhân được 1 triệu con ốc giống thì đến năm 2021, con số đã tăng lên 1,5 triệu. “Ngoài ốc con giữ lại nuôi, mỗi năm, tôi xuất bán hàng trăm nghìn con giống theo đơn đặt hàng”, anh Trí nói.
Mới đây, sản phẩm ốc bươu đen thương phẩm của gia đình anh đã được chứng nhận là sản phẩm OCOP 3 sao của huyện Phù Mỹ. Ngoài ra, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cũng đã cấp chứng nhận thương hiệu cho cơ sở sản xuất ốc bươu đen của anh Trí.
Theo ông Hồ Ngọc Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ (tỉnh Bình Định), mô hình nuôi ốc bươu đen của anh Thái Thanh Trí không cần nhiều vốn đầu tư, kỹ thuật nuôi cũng không quá phức tạp, rất phù hợp với điều kiện nguồn nước, khí hậu ở địa phương mà hiệu quả kinh tế lại cao.
“Nhiều nông dân trong huyện đã tham quan, học hỏi kinh nghiệm nuôi ốc bươu để nhân rộng mô hình này. Việc ốc bươu đen thương phẩm của hộ anh Trí được công nhận là sản phẩm OCOP, được Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận thương hiệu có ý nghĩa động viên rất lớn, khuyến khích bà con tính tới việc nuôi ốc bươu đen để cải thiện kinh tế gia đình”, ông Hồ Ngọc Chánh nói.