Phong trào nuôi ếch thịt đã và đang phát triển khá mạnh tại vùng Đồng Tháp Mười, trong đó có tỉnh Long An, nhiều nông dân đã làm giàu nhờ nghề nuôi ếch thương phẩm.
Lượng ếch giống chất lượng ngày càng khan hiếm, trong khi nguồn ếch giống vận chuyển xa thường không khỏe mạnh, ảnh hưởng đến hiệu quả nuôi. Vì vậy, một số hộ nông dân ở Long An đã mạnh dạn đầu tư sản xuất ếch giống, nhằm cung ứng con giống tại chỗ cho người nuôi ếch.
Điển hình là ông Nguyễn Văn Khuôl ở ấp Hoàng Mai, xã Hâu Thạnh Đông, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An với 10 năm kinh nghiệm nuôi ếch thương phẩm, cùng với việc học tập các tiến bộ kỹ thuật. Ông đã tự trang bị cho mình quy trình nuôi ếch thương phẩm hiệu quả và giới thiệu cho nhiều người trong vùng cùng áp dụng.
Nhận thấy nhu cầu nuôi ếch ở địa phương ngày càng lớn, nguồn ếch giống không đủ để đáp ứng thị trường, ông Khuôl đã mạnh dạn tìm hiểu và bắt đầu chuyển đổi sang mô hình nuôi ếch sinh sản. Bằng những kinh nghiệm đã có trong quá trình nuôi ếch thịt, việc chuyển sang nuôi ếch sinh sản là không quá khó với người đàn ông này.
Ông Nguyễn Văn Khuôl cho biết: “Hiện tại, tôi có 20 bể ương ếch giống và 100.000 cặp ếch bố mẹ. Để ếch sinh sản tốt thì khâu chọn ếch bố mẹ là quan trọng nhất. Trong đàn ếch thương phẩm, lựa chọn những cá thể ếch bố mẹ đạt chuẩn, khỏe mạnh và tiến hành nuôi riêng cỡ 6 tháng. Ếch bố mẹ sau đó tiếp tục đưa vào mùng bạt, có máy che tối nuôi 2 tháng nữa để ếch làm trứng, chuẩn bị bố trí đẻ”.
Bồn đẻ được ông Khuôl thiết kế là bể bạt với kích cỡ 4m x 12m x 0.5m. Trước khi bố trí sinh sản, ông cấp nước vào bể từ 10 – 15 cm, sau đó bố trí ếch đực và cái vào bể với tỉ lệ 1:1. Mỗi bể bố trí 30 – 50 cặp ếch bố mẹ. Sau 1 ngày ếch đẻ xong thì tách riêng ếch bố mẹ ra để tiếp tục nuôi vỗ cho sinh sản đợt sau.
Trứng ếch được vớt ra và cho vào bể ấp. Khi ếch nở 3 ngày thì tiến hành cho ăn bằng thức ăn mảnh. Sau 20 – 25 ngày cho giá thể vào bể để ếch mọc chân lên trú.
Sau khi ương từ 30 – 35 ngày, trứng ếch chuyển thành ếch giống thì có thể xuất bán. Trong quá trình ương nuôi phải thường xuyên diệt khuẩn trong nước ở bể bằng iodine và muối hột để phòng bệnh và giúp ếch luôn khỏe mạnh.
“Với giá ếch giống dao động từ 600 – 1.000 đồng/con như hiện nay, hàng năm tôi thu lãi trên 200 triệu đồng từ nguồn ếch giống” – ông Nguyễn Văn Khuôl cho biết.
Để tạo ra đàn ếch giống có chất lượng phục vụ nhu cầu nuôi ếch thương phẩm không quá khó, nhưng cũng đòi hỏi nhiều kỹ thuật và kinh nghiệm thực tế – ông chia sẻ.
Gần đây, phong trào này đã và đang phát triển lan rộng ra các hộ xung quanh, bước đầu đã đáp ứng một phần nhu cầu của người nuôi ếch thịt. Với sự phát triển này, hy vọng trong thời gian tới, nguồn ếch giống tại chỗ sẽ đáp ứng nhu cầu người nuôi như hiện nay.
- Mẹ chồng chia cho mảnh đất tiền tỷ để xây nhà, con dâu chỉ muốn ly hôn khi tìm ra một bí mật
- Mất bao nhiêu tiền để nuôi một chiếc ôtô?
- Đất quê bỗng dưng “dậy sóng”, người dân vừa mừng vừa lo
- Hệ thống thoát nước chắp vá, Hà Nội đầu tư hàng nghìn tỉ phố vẫn thành sông
- Bà Rịa-Vũng Tàu: Trồng loại cây “chơi” dưới đầm, bán tất tần tật từ củ tới lá, chị nông dân đếm tiền mỏi tay