Cả người mua và người bán bất động sản hiện nay đều có tâm lý ngại môi giới vì sợ mua đắt, bán rẻ.
Tôi nhớ câu nói rất nổi tiếng của một doanh nhân của nước Mỹ: môi giới là người bán cơ hội.
Nghề môi giới hiện nay về số lượng rất đông đảo. Mọi lứa tuổi, thành phần xã hội, từ anh chạy xe ôm, chị bán nước, nhân viên văn phòng… đều có thể làm được công việc môi giới bất động sản.
Nhưng chính vì đa dạng người hoạt động dẫn đến nhiều bất cập, khó khăn, cản trở, ảnh hưởng uy tín, gây tâm lý hoang mang của bên mua, bên bán… làm cho giao dịch đi sai hướng dẫn đến hậu quả rất nghiêm trọng cho các bên.
Nhưng thường bên được hưởng lợi nhất vẫn là môi giới có được tiền hoa hồng và tiền chênh lệch. Bên mua thì “bị mua hớ”, bên bán thì “bị bán hố”. Cũng có trường hợp môi giới gặp phải bên mua và bên bán bắt tay nhau “luồng” tiền hoa hồng, và rất nhiều trường hợp khác trong thực tế xảy ra hiện nay.
Nút thắt lớn nhất ảnh hưởng đến kết quả của một giao dịch bất động sản không nằm ở giá bán, giá mua hay tiền hoa hồng, phương thức giao dịch… mà chính là tâm lý của các bên:
– Bên bán nhà có tâm lý rằng tự bán thì mất thời gian rất lâu, ký gửi môi giới thì sợ ép giá nhưng đổi lại bán nhanh được nhanh hơn.
– Bên mua nhà lại có tâm lý mua qua môi giới thì sợ nâng giá. Nhưng tự mua bất động sản đầu tư thì mất nhiều thời gian và công sức để tìm hiểu toàn bộ thông tin. Người có nhiều tiền thích được phục vụ hơn là tự đi phục vụ.
– Bên môi giới thì lại lo sợ rằng sẽ bị mất tiền hoa hồng khi cung cấp toàn bộ thông tin của bất động sản đó cho bên mua. Người mua sẽ tự tìm đến chủ nhà để đàm phán giá trực tiếp. Khi đó sẽ có sự thỏa thuận giữa hai bên bởi vì bên bán chằng muốn tốn tiền hoa hồng, bên mua thì lại được giảm giá phần đó. Trường hợp này rất phổ biến gây tâm lý cho người môi giới cảm thấy bất an khi hành nghề.
Hiếm khi người môi giới gặp được chủ nhà và bên mua hành xử có đạo đức và chuyên nghiệp đúng cái tầm của nhà đầu tư và chủ một bất động sản có giá trị lớn. Cũng có những môi giới vì tiền hoa hồng hấp dẫn mà bất chấp dùng mọi cách, chiêu trò, che ém thông tin gây bất lợi cho bất động sản mình đang bán.
Giải pháp gỡ nút thắt tâm lý trên của các bên thì cần có một người môi giới chuyên nghiệp. Vai trò của người môi giới hiện chất xúc tác, là người kết nối, là cầu nối cho bên mua, bên bán gặp nhau thực hiện giao dịch.
Như đã nói người môi giới là người bán cơ hội. Công việc của một môi giới chuyên nghiệp thì không đơn giản chút nào, phải trải nghiệm thực tế, kiến thức chuyên sâu về bất động sản, nắm được một số kiến thức về phong thủy, có khả năng nhìn nhận và dự báo vấn đề, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng đàm phán, nghiệp vụ thẩm định giá… và đặc biệt là phải có tầm nhìn, dự báo trong tương lai của một bất động sản cần giao dịch.
Một người môi giới chuyên nghiệp còn phải trải qua những khóa đào tạo cơ bản và chuyên sâu về bất động sản.
Những người môi giới chữ tâm được đặt lên hàng đầu khi hành nghề môi giới bất động sản bởi giao dịch một bất động sản có giá trị cao. Do đó, những người đang làm công việc này cần có một thái độ và nhận thức rõ công việc này là một nghề chứ không đơn thuần là công việc bình thường như bao việc khác, đúng tầm là một Broker (người môi giới).