Có việc lương cao nhưng anh Cao Hữu Việt vẫn quyết định bỏ kỹ sữ công nghệ thông tin, về quê nuôi ốc bươu đen. Việt đã thành công với, có thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng.
Ở xã Bình Đào, huyện Thăng Bình tỉnh Quảng Nam ai cũng biết đến anh Cao Hữu Việt (32 tuổi), một kỹ sư đã thành công khi nuôi loài ốc bươu đen trong hồ lót bạt.
Năm 2014 anh tốt nghiệp đại học với tấm bằng kỹ sư công nghệ thông tin và được nhận vào làm cho một công ty nước ngoài với mức lương khá cao.
Đến năm 2016, với mong muốn trau dồi thêm kiến thức của bản thân, anh quyết định đi Nhật du học. Sau 3 năm ở nước ngoài, anh trở về nước làm việc cho một công ty du lịch. Mặc dù có công việc nhiều người mơ ước, nhưng anh Việt vẫn nuôi hoài bão khởi nghiệp với nghề chăn nuôi.
Trong một lần dẫn khách đi tham quan, anh tình cờ được ăn món ốc bươu đen và thấy rất ngon. Nhưng giá thành của ốc lúc đó cao và khó mua. Ý tưởng đầu tư nuôi ốc bươu đen đã nảy ra trong đầu anh.
“Lúc đó tôi đã lên mạng tìm hiểu rất nhiều về loài ốc bươu đen và nhận thấy loài này ở khu vực Quảng Nam rất ít người nuôi. Vì vậy tôi đã quyết định liều, bỏ ra hơn 10 triệu đồng mua trứng ốc về ấp”, anh Việt nhớ lại.
Thế nhưng trời không chiều lòng người, việc thả nuôi đợt ốc đầu tiên gặp rất nhiều khó khăn, do là “tay ngang” chưa có kinh nghiệm nuôi nên ốc đã chết sạch, khiến anh trắng tay.
Xót của, có những đêm anh không tài nào chợp mắt được. Thế rồi, anh lại mày mò tìm hiểu thêm về kỹ thuật nuôi. Sau nhiều ngày “ăn chực nằm chờ” học hỏi kinh nghiệm trên sách báo, anh đã hiểu được tập tính của ốc.
Cũng nhờ phát hiện được những đặc tính đó, anh đã thay đổi phương pháp nuôi. Tỷ lệ ốc chết, hao hụt vì bệnh tật dần được cải thiện và những đơn hàng ốc đầu tiên đã được anh xuất bán.
Với thành công ban đầu đó, anh đã mạnh dạn mở rộng thêm diện tích nuôi. Đến nay, anh đã xây dựng được một trại ốc sinh sản ở Quảng Nam với 20 ao nuôi và một trại ốc thương phẩm ở Đà Nẵng với 18 ao nuôi.
Theo anh Việt, nuôi ốc bươu đen không tốn nhiều chi phí đầu tư do thức ăn của ốc rất dễ tìm thấy trong tự nhiên như mướp, xơ mít, các loại lá môn, đu đủ… Ốc cũng có sức đề kháng tốt, ít bệnh tật.
Tuy nhiên, người nuôi phải phòng bệnh đường ruột và sưng vòi cho ốc. Phát hiện bệnh kịp thời sẽ hạn chế được tình trạng ốc chết hàng loạt.
Bên cạnh đó, để nuôi thành công loài ốc này thì người nuôi phải có mắt “nhìn nước” để kiểm soát được nồng độ pH cũng như xem nguồn nước có bị ô nhiễm hay không.
“Ốc bươu đen là loài rất nhạy cảm, nước chỉ cần ô nhiễm hoặc độ pH không đạt chuẩn thì sẽ nhiễm bệnh, chậm phát triển và có thể chết. Ngoài ra loài này chịu nóng kém, cần phải thả thêm bèo vào ao để làm mát”, anh Việt giải thích.
Ốc bươu đen chủ yếu đẻ trứng rộ từ tháng 4 đến tháng 10 âm lịch. Những tháng cuối năm là thời gian ốc ngủ đông, đến khoảng giữa tháng 3 âm lịch năm sau ốc mới bắt đầu ngoi lên mặt nước đi tìm thức ăn.
“Muốn ốc đẻ trứng thuận lợi, người nuôi nên tạo bờ đất xung quanh ao để ốc leo lên. Ốc thường có 2 chu kỳ đẻ trong năm, mỗi chu kỳ đẻ 2 lần, mỗi lần cách nhau khoảng 30 ngày. Trung bình, mỗi lần ốc mẹ có thể đẻ 70-150 trứng”, anh Việt tiết lộ.
Trứng sau khi đẻ sẽ được xếp vào thùng xốp để ấp. Khi xếp đủ trứng trên khay thì phủ lớp khăn lên mặt, ngày xịt nước 1-2 lần vào khăn để giữ ẩm.
Khoảng 15 ngày, trứng ốc chuyển từ màu trắng sang màu đen, ốc sẽ nở. Tiếp đó, người nuôi sẽ cho ốc con xuống bể ươm. Nuôi thêm 15 ngày thì ốc to bằng đầu đũa là có thể xuất bán ốc giống.
“Vào mùa cao điểm, một ngày tôi có thể thu 1-1,5kg trứng, bán ra thu được 1-1,5 triệu đồng. Còn ốc thương phẩm một đợt tôi xuất 300-400kg với giá 70.000-85.000 đồng/kg. Trung bình mỗi tháng tôi có thể thu lãi 30-35 triệu đồng”, anh Việt bộc bạch.
Theo Dân Việt