Mặc dù việc làm mỳ tương đối vất vả vì phải thức khuya, dậy sớm nhưng theo chị Huệ so với một số công việc khác như làm ruộng hay làm công ty thì thu nhập ổn định hơn.
Nhận thấy công việc làm mỳ gạo mang lại thu nhập ổn định, chị Đỗ Thị Huệ (huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) đã quyết định nghỉ công việc làm công nhân để về nhà đầu tư máy móc sản xuất… sau 4 năm đi vào hoạt động, trung bình mỗi ngày vợ chồng chị có thu nhập trên dưới 1 triệu đồng.
Những ngày giữa tháng 4/2023, đến thăm cơ sở sản xuất mỳ gạo của vợ chồng chị Đỗ Thị Huệ ở Tổ dân phố Đoàn Kết, xã Hương Sơn, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên khi anh chị đang tất bật với công việc cắt, rửa và phơi mỳ.
Đôi tay thoăn thoắt đưa những sợi mỳ lên phơi, chị Huệ hồ hởi chia sẻ: “Trước đây, tôi đi làm công nhân ở Khu công nghiệp trên địa bàn huyện. Sau này thấy công việc này thu nhập không cao mà lại đi từ sáng đến tối nên tôi đã quyết định nghỉ ở nhà. Qua quá trình đi tìm hiểu ở một số nơi như Bắc Giang cũng như các hộ xung quanh đã có nhiều năm kinh nghiệm làm mỳ, thấy công việc làm mỳ mang lại nguồn thu nhập tương đối ổn định nên vợ chồng tôi đã bàn nhau mua máy móc về để sản xuất”.
“Công việc làm mỳ gạo cũng tương đối vất vả vì ngày nào cũng phải dậy sớm từ 3, 4 giờ sáng rồi làm đến tận tối mới được nghỉ, nhưng có thời gian ở nhà để chăm sóc con cái”, chị Huệ tâm sự thêm.
Để làm được một mẻ mỳ gạo ngon, gia đình chị chọn nguyên liệu là loại khang dân vì gạo này làm mỳ vừa ngon, không bị dính, dễ rửa mà giá thành lại không cao như một số loại gạo nhiều cơ sở sản xuất mỳ hiện nay…nên thành phẩm làm ra dễ tiêu thụ hơn bởi phù hợp với túi tiền của nhiều người dân.
Các công đoạn làm mỳ gạo mất khá nhiều thời gian, thông thường để làm được một mẻ mỳ phải mất hơn 1 ngày. Gạo làm mỳ phải được đãi, vo sạch và ngâm trong khoảng thời gian 3 tiếng đồng hồ.
Trước khi đưa gạo vào máy nghiền bột, gạo sẽ được vo lại một lần nữa cho sạch hẳn. Sau đó, bột gạo được cho vào túi vải, đưa lên máy ép khô rồi cho vào máy đùn để đùn ra mỳ. Đến công đoạn này, mỳ sẽ được ủ trong khoảng 10 tiếng rồi mang rửa sạch và phơi khô.
“Việc làm mỳ còn phụ thuộc vào thời tiết, nếu trời nắng ráo thì thời gian làm mỳ sẽ nhanh hơn, đồng thời mỳ cũng sẽ ngon hơn. Còn những ngày thời tiết mưa ẩm thì phải đưa mỳ vào phòng sấy trong khoảng 8 tiếng đồng hồ. Việc này sẽ khiến chi phí sản xuất mỳ tăng lên”, chị Huệ chia sẻ kinh nghiệm.
Theo chia sẻ của vợ chồng chị Huệ, mỳ gạo của gia đình anh chị được làm 100% từ nguyên liệu gạo, không pha trộn bất cứ nguyên liệu gì, do đó khi ăn có thể hoàn toàn yên tâm về chất lượng.
Hiện nay, thị trường đầu ra đối với sản phẩm mỳ gạo của gia đình chị Huệ rất ổn định. Trung bình mỗi ngày, gia đình chị làm ra khoảng 2 – 3 tạ mỳ, mỳ làm ra đến đâu bán hết đến đó vì chủ yếu bán sỉ và làm theo đơn đặt hàng của khách. Với sản lượng đó, bình quân mỗi ngày gia đình chị thu nhập khoảng trên dưới 1 triệu đồng. Ngoài nhân công là 2 vợ chồng, chị còn thuê thêm một người làm với mức tiền công 35 nghìn đồng/tiếng.
Mặc dù việc làm mỳ tương đối vất vả vì phải thức khuya, dậy sớm nhưng theo chị Huệ so với một số công việc khác như làm ruộng hay làm công ty thì thu nhập ổn định hơn. Mỳ được gia đình chị giao sỉ với giá 18 nghìn đồng/kg và 20 nghìn đồng/kg đối với giá bán lẻ.
“Nhờ làm mỳ, gia đình tôi có thu nhập ổn định và trở nên khấm khá hơn. Vì thế, gia đình sẽ tiếp tục gắn bó lâu dài với công việc này. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm để đưa ra thị trường những sản phẩm ngon được nhiều người tiêu dùng đón nhận. Bên cạnh đó, vợ chồng tôi cũng sẽ thuê thêm lao động để tăng sản lượng làm ra mỗi ngày, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho nhiều người”, chị Huệ chia sẻ về hướng phát triển trong thời gian tới.