Sau khi con yêu chào đời, một trong những điều mà bố mẹ mong chờ nhất là được sớm nghe con cất tiếng gọi bố mẹ, nhất là khi bé còn bi bô thì mỗi tiếng con gọi đều khiến bố mẹ chan chứa vui mừng.
Khi đó, nhiều bậc cha mẹ còn tìm cách cho bé học ngôn ngữ sớm, chẳng hạn như mua một số thẻ để dẫn dắt bé làm quen với chúng, hoặc cố tình dạy bé lặp đi lặp lại một số từ.
Tuy nhiên, khi bé mới bắt đầu học nói cũng có một số điều bố mẹ cứ tưởng là tốt nhưng thực chất lại không phải, cụ thể là 3 điều dưới đây không những không giúp bé thông thạo ngôn ngữ mà còn cản trở bé.
1. Đóng vai trò là người phiên dịch của bé, bé mới chỉ thực hiện động tác, bố mẹ đã có thể hiểu và đáp ứng mà không cần đợi bé nói.
Cha mẹ dành nhiều thời gian nhất cho con, họ thường để ý đến từng cử động của con và nhanh chóng hiểu chúng muốn gì chỉ bằng cách nhìn vào ánh mắt hoặc ngón tay của trẻ. Ví dụ, trẻ thích một món đồ chơi con vịt nhỏ, và khi bé đang ngâm nga điều mình muốn, bố mẹ liền sốt sắng nói luôn “con có muốn con vịt nhỏ này không?/ Con muốn con vịt nhỏ này đúng không?”, sau đó mang ngay cho bé.
Trên thực tế, cách làm này tương đương với việc “tước đi” cơ hội nói của bé, vì nhiều từ được bố mẹ nói trước khi bé có thời gian nói. Khi bé bước vào giai đoạn tập nói, mẹ phải từ từ chờ đợi nhu cầu của bé và hướng dẫn bé tự nói, dù chỉ là một hai từ đơn giản, cộng với sự khen ngợi của bố mẹ cũng sẽ khiến bé rất hào hứng.
Sự phát triển ngôn ngữ của trẻ sơ sinh sẽ trải qua một quá trình, ban đầu bé chỉ nói đơn giản một hoặc hai từ, sau đó cha mẹ sẽ phán đoán nghĩa hoàn chỉnh của hai từ này, và dần dần bé sẽ nói được một vài từ duy nhất rồi nói thành từng câu hoàn chỉnh. Bố mẹ nên hướng dẫn bé hoàn thành quá trình chuyển đổi càng sớm càng tốt.
2. Đồng thuận với thói quen ngôn ngữ của trẻ
Ở giai đoạn đầu, khả năng ngôn ngữ của bé còn hạn chế, việc miêu tả sự vật bằng lời nói thường bị khuyết, bị thiếu. Chẳng hạn, bé rất thích thú khi đối diện một sự vật gì đó nhưng chỉ có thể bi bô như: Hoa, chó, quả… Nhiều bậc cha mẹ cho rằng điều này rất dễ thương và có thể chấp nhận được nên thường sử dụng rất nhiều từ ngữ tương tự như một kiểu đồng thuận và “thích nghi” với thói quen ngôn ngữ của bé.
Nhưng trên thực tế, cách làm này sẽ kéo dài quá mức giai đoạn bé nói từ một từ đến cả câu, không có lợi cho sự phát triển ngôn ngữ của bé. Vì vậy, khi nói chuyện với bé mới tập nói, bố mẹ hãy nhớ “mở rộng” ngôn ngữ của bé càng nhiều càng tốt khi diễn đạt, chẳng hạn như “con chó rất dễ thương”, “bông hoa rất đẹp”, “Trái cây rất ngon” …
3. Bắt chước bé nói sai, nói ngọng
Ngoài ra, khi bé mới tập nói, cách phát âm của bé sẽ hơi thiếu chính xác, nói lơ lớ, nói ngọng nhưng người lớn lại cảm thấy nghe rất thú vị và có phần đáng yêu. Ví dụ: “em hóc (khóc)”, “con ăn tam tơ (cam cơ)”, “con thích đi cô cượng cơ (tô tượng)”…. Điều này là do các cơ quan thanh âm của trẻ chưa phát triển hoàn thiện và nó sẽ biến mất khi trẻ lớn lên.
Thế nhưng nhiều bậc cha mẹ thấy con mình phát âm buồn cười nên thường cười đùa khi con phát âm sai và thi thoảng còn bắt chước theo trẻ. Điều này có thể khiến bé lầm tưởng rằng mình đang phát âm đúng và cứ thế tiếp tục, nếu kéo dài các phát âm sai càng lâu thì càng khó thay đổi. Vì vậy trước tình trạng bé phát âm chưa chuẩn, việc cha mẹ phải làm là từ từ sửa lại, nhắc lại cách nói chuẩn sau mỗi câu nói sai của bé để giúp bé dần phát âm chuẩn hơn.
Việc làm chủ “kỹ năng” ngôn ngữ của bé không thể tách rời sự hướng dẫn của cha mẹ, nhưng nếu làm sai phương pháp lại có tác dụng ngược, vì vậy chúng ta phải chú ý tránh những hành vi kiểu này.