Không phải ai cũng có điều kiện để mua ngay nhà nội đô ngay lần đầu. Gia chủ dưới đây biết tài chính gia đình không mua nổi giá nhà trung tâm nên đã có kế hoạch “đi đường vòng”.
Chia sẻ cụ thể như sau:
“Tôi là dân văn phòng, ra trường đi làm, “cày cuốc” bảy năm thì mua được căn chung cư đầu tiên ở ngoại thành, khu vực Cát Lái, Quận 2 vào năm 2015. Hai năm sau, tôi dọn vào ở. Năm 2020, tôi bán căn nhà đầu tiên đó. Đến giờ, tôi đang sở hữu hai căn chung cư, một căn ở Gò Vấp để ở tiện đi làm và con cái học hành, căn còn lại ở vùng ven để đầu tư cho thuê lấy tiền hàng tháng. Thực ra, tôi cũng rất thích ở nhà mặt đất để ít phải chung đụng hơn, nhưng nhà đất để ưng ý thì giá phải đến 6-7 tỷ đồng trở lên, cá nhân tôi không đủ điều kiện để theo được.
Nhà ở không chỉ gói gọn trong mỗi nhà mặt đất, mà còn bao gồm cả chung cư. Nhà đất không chỉ có nhà phố mà bao gồm cả nhà hẻm, nhà liền kề, nhà sổ chung… Tại trung tâm thành phố, bao gồm Quận 1, Quận 3, Quận 4, một phần Quận 2, Quận Bình Thạnh hay các quận nội thành vùng lõi như Phú Nhuận, Quận 5, Quận 10, Quận Tân Bình thì ngay cả những người có thu nhập khá cũng khó mua được chung cư chứ chưa nói đến nhà đất. Các quận nội thành còn lại như Gò Vấp, Tân Phú, Quận 7 may ra mới có giá mềm hơn một chút.
Với một đô thị 14 triệu dân như TP HCM, đất chật người đông, mỗi năm mỗi tăng dân số, quỹ đất ngày càng ít dần, việc cạnh tranh gay gắt để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho đại bộ phận cư dân ở các quận trung tâm, nội thành là điều không thể, cho dù thành phố có xây bao nhiêu cái chung cư đi nữa. Thế nên, rất khó để đòi hỏi giá nhà đất, chung cư ở đây rẻ được.
Thay vì mãi chăm chăm tìm cách lao vào trung tâm để rồi than thở giá bất động sản quá cao, tại sao tầng lớp trung lưu, dân văn phòng, bình dân không định hướng mua nhà ở vùng ngoại thành, vùng ven, phụ cận thành phố? Giá đất, giá nhà, chung cư ở những nơi này mới thực sự phù hợp cho mức thu nhập phổ thông.
Vấn đề quan trọng nhất để mỗi người có thể mua được nhà thành phố đó là phải “liệu cơm gắp mắm”, bắt đầu mua dần từ ngoài vào trong, thay vì ngồi chờ đợi tích lũy hay chờ giá nhà hạ nhiệt để mua ngay lập tức căn nhà trong nội thành. Lời khuyên của tôi là hãy mua căn nhà đầu tiên ở ngoại thành, vùng ven, sau đó chờ cơ hội, cố gắng, cộng thêm một ít may mắn để từng bước dịch chuyển vào nội thành, trung tâm khi tài chính mạnh hơn.
Nói thêm về quá trình mua nhà của mình, tôi mua căn nhà đầu tiên năm 2015 với giá 900 triệu đồng ở ngoại thành khi trong tay chỉ có vỏn vẹn 100 triệu đồng. Tôi vay bố mẹ thêm 25% giá trị căn hộ, cộng thêm may mắn vay được gói 30.000 USD lãi suất 5%. Sau bảy năm tôi đã bán căn nhà đầu tiên (có lãi) và mua hai căn mới (một ở nội thành, một ngoại thành). Vậy là tiến thêm một bước vào trung tâm thành phố.
Nói chung, để thực hiện giấc mơ mua nhà, tôi cho rằng mỗi người phải cố gắng hết sức có thể, chứ ngồi than thở và chờ đợi thì rốt cuộc cũng không được gì hết. Nếu nhà đất ở Sài Gòn, Hà Nội vẫn quá sức, bạn không đủ tiền mua thì lựa chọn ở thuê, lấy tiền mua đất, xây nhà ở quê cũng không phải là một ý tồi. Hoặc bạn có thể ra vùng ven mua nhà. Như ở Bình Dương, chung cư giá 1.5 tỷ đồng quay đầu không hề ít. Cớ sao cứ phải chen chúc vào đất Sài thành đắt đỏ để rồi than giá nhà cao? Bạn có muốn mua rẻ cũng chẳng có ai chịu bán. “Đếm cua trong lỗ” thì khi nào mới mua được nhà?
Kết luận lại, hãy dám liều lĩnh (trong khả năng), cộng thêm một chút may mắn, kết hợp với nỗ lực kiếm tiền, bạn sẽ có được thành quả như ý. Chúc các bạn thành công”.
- Cận cảnh ngôi nhà 4 mặt tiền độc nhất Hà Nội trên phố Đại La
- 6 kiểu hành xử của người lớn khiến trẻ tổn thương nhất
- Hành vi che biển số ôtô: Công an dùng biện pháp để không xử oan
- Tiền Giang: Nuôi con vật tuần cho ăn 1 lần, chàng trai miền Tây thu lãi hơn nửa tỷ/năm
- 6 kiểu ngoại tình dễ gặp nhất, loại thứ 3 đa số đàn ông thú nhận đã từng dính phải