Đến những bô lão trong làng cũng không thể biết được cây đa cùng chiếc cổng làng rêu phong cổ kính ấy đã có từ bao giờ. Cổng làng không chỉ là niềm tự hào của người dân trong thôn mà còn là cánh cửa bảo vệ dân làng trong những thời điểm nguy hiểm cận kề.

Chiếc cổng làng siêu cổ kính ‘độc nhất vô nhị’


Tìm đến thôn Yên Cố, xã Hồng Phong (Chương Mỹ, Hà Nội), nơi đây khác xa với sự ồn ào, náo nhiệt của Thủ đô. Ngôi làng cổ đã có từ lâu đời giờ đây cũng đã hoà nhập với xu thế phát triển của xã hội nhưng vẫn giữ được những nét bình yên, đặc biệt là cây đa “ôm trọn” chiếc cổng làng cổ nơi đầu làng.

Trong làng, nhiều ngôi nhà cao tầng với lối kiến trúc hiện đại được dựng lên. Thế nhưng, với những người con được sinh ra và lớn lên ở Yên Cốc, hình ảnh in đậm trong ký ức của họ chính là cây đa và chiếc cổng làng cổ kính.

Những người duy nhất am hiểu về cây đa, chiếc cổng cổ kính ấy là những bậc bô lão, cao niên trong làng. Theo các bô lão, xưa kia mỗi làng, mỗi xã đều xây dựng hai chiếc cổng. Các tục lệ tại nhiều làng quan niệm rằng, cổng tiền đề đón khách vào làng, cổng hậu thường để đưa tang người đã khuất về nơi an nghỉ.

Theo năm tháng, phong tục xưa kia ấy dần biến mất các cổng làng cũng dần mất theo thời gian. Giờ dây, cổng làng Yên Cốc là một trong những chiếc cổng làng cổ, cực hiếm, từ xa xưa vẫn còn sót lại, được gốc đa cổ thụ bên cạnh “ôm trọn” bảo vệ, che chắn.

Chiếc cổng cổ đến mức, các bô lão trong làng cũng chỉ biết lắc đầu khi nhắc đến số tuổi chính xác: “Không thể biết được, siêu cổ kính”.

Họ chỉ biết rằng chiếc cổng cổ kính này là cổng trước (cổng tiền), từ khi họ sinh ra và lớn lên đã thấy cây đa siêu lớn và chiếc cổng, thậm chí ở thời bố mẹ họ cũng chẳng biết nó được xây dựng và có từ bao giờ.

Theo cụ Phạm Thị Nhậm (81 tuổi, hay còn gọi là bà Hùng) người thường trông coi ngôi miếu nhỏ dưới gốc đa, hàng ngày quét dọn, chăm sóc cho gốc đa: “Cổng làng và gốc đa là linh hồn của người dân Yên Cốc”.

Dù đi xa luôn nhớ đến chiếc cổng làng cổ nơi quê nhà

Cụ Nhấm cũng chẳng biết rõ chiếc cổng làng và cây đa có từ bao giờ, từ ngày bà còn bé đã thấy bộ rễ cây đa lớn ôm trọn lấy cổng làng, cho đến bây giờ đã ở tuổi xưa nay hiếm, chiếc cổng làng ngày ấy vẫn vậy.

Từ khi còn trẻ, cụ Nhấm đã cùng đám bạn vui chơi dưới gốc đa, chiếc cổng ấy: “Đời tôi, đời con tôi, cháu tôi đều nô đùa ở đây. Gốc đa là nơi lưu giữ kỷ niệm cho bao thế hệ người dân làng Yên Cốc, thậm chí còn bảo vệ dân làng trong những lúc khó khăn”, bà Nhấm chia sẻ.

Theo các cao niên trong làng, dù nhìn bề ngoài cổng làng vẫn rõ phần bê tông, nhưng thực chất qua những lần kiểm tra cho thấy phía trong tường cổng làng hầu hết là rễ của cây đa đã ôm trọn các lớp bê tông.

Có lẽ cũng chính vì sự hòa quyện độc đáo ấy, trải qua bao thăng trầm, chiếc cổng làng cổ kính vẫn hiên ngang vượt qua thời gian, bão táp, bom đạn thời chiến tranh.

Giờ đây, người dân trong làng vẫn hàng ngày đi qua chiếc cổng, gốc đa ấy. Xã hội vẫn đang không ngừng phát triển, mọi người hướng đến công nghệ hiện đại, vươn ra thế giới.

Thế nhưng, dù có đi xa đến đâu, công nghệ hiện đại tới mức nào thì mỗi người đều vẫn mong muốn có những khoảng thời gian yên bình trở về nơi làng quê một thời.

Dưới cây đa, giếng nước, sân đình và những chiếc cổng làng siêu cổ kính luôn chứa đựng những ký ức êm đềm của tuổi thơ, tuổi trẻ mà hầu như ai cũng luôn ao ước được “xin một vé” trở về.

Ngồi dưới tán cây đa, ngắm chiếc cổng làng cổ kính, những câu chuyện, ký ức của các bậc bô lão cứ thế ùa về kể mãi không hết. Họ chỉ mong chiếc cổng làng Yên Cốc và cây đa tồn tại mãi để luôn che chở, bảo vệ cho dân làng..