“Sau 7 tháng tiếp xúc với con dế, tôi thấy mô hình này có tiềm năng và sự đón nhận của mọi người khá tốt nên quyết định gọi điện đến công ty xin dừng công việc để khởi nghiệp cùng dế”, anh Luân chia sẻ.
Sau 3 năm khởi nghiệp, dẫu có lúc thất bại hay chịu áp lực của nhiều lời đàm tiếu bên ngoài nhưng Đặng Đình Luân (29 tuổi, ngụ tại TP. Buôn Mê Thuột, tỉnh Đắk Lắk) vẫn luôn khẳng định rằng quyết định khởi nghiệp với dế của mình là đúng đắn.
Có duyên với con dế
Đình Luân quê gốc ở Nghệ An, sau khi tốt nghiệp Trường CĐ Kỹ thuật công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc ở TP.Vinh, anh có cơ hội sang Nhật. Với công việc làm kỹ sư chuyên về hàn kết cấu, anh Luân dự định sẽ định cư tại đất nước này để tiếp tục sự nghiệp khá rộng mở trong tương lai.
“Nhưng trong một lần nghỉ phép về thăm gia đình thì dịch Covid-19 bùng lên nên tôi phải chờ khi nào có lịch xuất cảnh mới bay đến Nhật được, nhưng tôi đợi mãi từ tháng 12.2019 đến tận tháng 5.2020 vẫn không thấy hồi âm”, Đình Luân kể lại.
Thời gian đó, hầu như không có công việc nào để làm nên Luân hay tìm hiểu các mô hình về vật nuôi, tình cờ anh bắt gặp được điểm thú vị ở mô hình nuôi dế mèn Thái vàng làm thực phẩm.
“Lúc đó, tôi chỉ định vừa làm, vừa chờ đến lúc có lịch xuất cảnh thì quay lại công việc cũ chứ chưa xác định là ở nhà hẳn. Nhưng sau 7 tháng tiếp xúc với con dế, tôi thấy mô hình này có tiềm năng và sự đón nhận của mọi người khá tốt nên quyết định gọi điện đến công ty xin dừng công việc”, anh Luân chia sẻ.
Anh Luân cho biết giá trị dinh dưỡng của dế không hề thua kém những thực phẩm truyền thống như sữa hay các loại thịt vì có hàm lượng protein, chất béo, chất xơ và sắt rất tốt. Vòng đời dế rất ngắn chỉ khoảng 45 ngày và lượng thức ăn dế hấp thu để tạo ra thành phẩm cũng thấp hơn 1/12 so với gia súc và một nửa ở gia cầm. Diện tích nuôi chỉ cần chuồng nhỏ là có thể thả với mật độ dày nên rất tiết kiệm.
Khi được hỏi vì sao lại lựa chọn Đắk Lắk làm nơi khởi nghiệp và quyết định chuyển giao kỹ thuật cho hơn 15 hộ dân, Đình Luân bày tỏ: “Vùng Tây Nguyên là thủ phủ của các loài cây công nghiệp, bà con thì một năm chỉ thu vụ một lần, nếu trong khoảng thời gian chờ vụ mới có thể tạo ra được một nguồn thu nhập khác cho họ thì rất tuyệt vời. Nên tôi mới nghĩ là mình sẽ tập trung vào thương mại sản phẩm này thật tốt sau đó chuyển giao kỹ thuật cho bà con nuôi thì sẽ một công đôi việc, vì mình vừa có thêm nguồn nguyên liệu, vừa tạo ra giá trị cho cộng đồng”.
Nếu thời điểm bắt đầu từ tháng 5.2020 chỉ với mảnh đất rộng 60 mét vuông cùng 65 triệu đồng khởi nghiệp thì sau hai năm rưỡi, Đình Luân đã có thêm trang trại với một văn phòng, một xưởng chế biến đóng gói tổng diện tích 600 mét vuông chuyên về các sản phẩm từ dế như dế tươi, dế sấy, thanh protein và bột dế.
Thị trường ban đầu chỉ bán cho người quen và các quán địa phương nhưng hiện tại đã trải dài từ Bắc vào Nam, có nhiều đại lý phân phối độc quyền ở 15 tỉnh thành. Sản lượng bán ra mỗi tháng tầm 3 tấn dế với doanh thu dao động từ 400 – 700 triệu đồng.
Cố gắng gấp 2, gấp 3 sức lực
Thời điểm bắt đầu với những con dế, Đình Luân gặp vô vàn khó khăn, bởi vì dế không phải nơi nào cũng có thể nuôi được, đây là loài biến nhiệt theo nhiệt độ môi trường, nếu nhiệt độ quá lạnh sẽ ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất của dế. Và đã có lúc mô hình thất bại khiến Đình Luân hầu như mất phương hướng hoàn toàn.
“Năm 2021, trại dế bị dịch bệnɦ lạ khiến dế cɦết sạch mà tôi không biết nguyên nhân chính xác và đến bây giờ vẫn không tìm ra vì không tìm được tài liệu chuyên môn nào. Lúc đó tinh thần tôi vô cùng khủng hoảng, khi ấy thiệt hại tầm 60 triệu đồng khiến tôi thất vọng về niềm tin con đường mình đi, vì nếu chỉ cần thêm 2-3 lứa nữa vẫn như thế thì tôi không thể gồng thêm được”, anh Luân nhớ lại.
Ngoài ra, công việc mà Luân lựa chọn cũng vấp phải rất nhiều sự ngăn cản và định kiến, mọi người bày tỏ sự thất vọng khi anh từ bỏ công việc lương cao để về quê “nuôi thứ không ai nuôi, bán thứ không ai muốn lấy” nên trên hành trình của Luân, anh đều tự đi một mình.
“Khi đối mặt với khó khăn, để không phải chịu những lời dị nghị đó thì mình phải làm sao chứng minh được con đường mình đi là đúng đắn, có tiềm năng và có tương lai. Vậy cách nhanh nhất là cố gắng gấp 2, gấp 3 sức lực, đó chính là cách mà tôi đã cố gắng”, Đình Luân nói.