Nuôi cá tầm cung ứng cho thị trường TP Hồ Chí Minh, mỗi năm anh Vũ Mạnh Cường, xã Gung Ré thu về hàng tỷ đồng, mở ra triển vọng phát triển loại cá nước lạnh đối với huyện Di Linh (tỉnh Lâm Đồng).

Dẫn chúng tôi đi thăm mô hình nuôi cá nước lạnh của mình, anh Cường cho hay: Trại nuôi cá tầm này được xây dựng và đi vào hoạt động cách đây 3 năm, anh là hộ nông dân đầu tiên phát triển giống cá nước lạnh ở huyện Di Linh.

Chủ trang trại cho biết, anh gắn bó với nghề nuôi cá tầm từ năm 2014 và từng rơi vào thua lỗ do ảnh hưởng bởi thiên tai. Anh kể, nhiều năm trước, hồ cá ở khu vực xã Đạ Chais (Lạc Dương) của anh chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch thì bị lũ tràn về phá sạch, lỗ mấy tỷ đồng. Để tiếp bước với nghề, anh cùng với anh trai lặn lội đi tìm địa điểm để nuôi cá và cuối cùng chọn được đất dưới chân đồi ở thôn Hàng Hải (xã Gung Ré) để mở trang trại.

Trang trại của anh gồm 14 bể nuôi cá thương phẩm, kinh phí xây dựng trại cá lên đến 2 tỷ đồng. Theo chủ trang trại, có nguồn nước sạch từ con suối Nước Mát đổ về là điều kiện lý tưởng để phát triển cá tầm. Nguồn nước ở đây có độ tinh khiết cao, nhiệt độ luôn trong ngưỡng từ 15-20 độ C. Nước được dẫn từ suối về các bể, từ bể trên chảy xuống bể dưới, rồi lại chảy ra suối. Việc để nước chảy vào bể rồi lại chảy ra suốt ngày đêm như vậy rất quan trọng, bởi không chỉ giúp cho các bể cá luôn có lượng nước trong mát, mà còn tạo ô xy cho đàn cá sinh trưởng và phát triển.

Học Đại học Thuỷ sản Nha Trang, chuyên ngành về chăn nuôi thuỷ sản nên anh Cường thông thạo và nắm bắt kỹ thuật nuôi; đồng thời, để nuôi cá thành công không bị cɦết, anh thường xuyên kiểm tra, theo dõi quá trình sinh trưởng và phát triển của đàn cá ở từng bể nuôi. Anh Cường ví nuôi cá nước lạnh vất vả hơn nuôi con mọn. Loài cá mang danh “quý tộc” này rất đỏng đảnh, chỉ sống ở nước động và sạch, ô xy trong nước phải đạt đúng chỉ số cho phép, chỉ cần một trong các yếu tố trên thay đổi, cá sẽ phơi bụng, lập lờ nổi hết. Khi phát hiện bể dơ là phải vệ sinh ngay, nếu trong bể con cá nào còi cọc, chậm lớn hay có biểu hiện không bình thường là anh lọc ra, cho sang bể khác và có chế độ chăm sóc riêng.

Tại đây, mỗi hồ rộng khoảng 100 m2 và có thể nuôi khoảng 2.000 cá thương phẩm loại 1,5-2 kg và nuôi 1.500 cá thương phẩm loại 5-10 kg. Cá nuôi khoảng 1 năm có thể đạt trọng lượng từ 1,8-2 kg mỗi con. Thức ăn dùng để chăn nuôi là loại cám công nghiệp dành cho cá tầm và chế độ cho ăn được duy trì 4 cữ mỗi ngày gồm sáng, trưa, chiều, tối.

May mắn là từ khi nuôi tới thời điểm hiện tại, các bể cá của anh Cường không bị dịch bệnɦ lần nào. Được cho ăn đủ dinh dưỡng, lại sống trong môi trường sạch sẽ, đàn cá tầm cứ lớn dần theo ngày tháng. Để lúc nào cũng có cá tầm thịt bán ra thị trường, anh Cường nuôi theo kiểu gối đầu, cứ cách từ 3 – 4 tháng, anh lại nhập cá giống về nuôi một lần. Hiện tại, mỗi năm trang trại anh Cường cung cấp cho thị trường TP Hồ Chí Minh gần 20 tấn cá thương phẩm. Với giá bán giao động ở mức 200.000 – 250.000 đồng/kg, mỗi vụ cá, chủ trang trại thu lợi nhuận 1,2 tỷ đồng.

“Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục mở rộng nuôi cá tầm tại địa phương và hướng tới doanh thu 10 tỷ đồng/năm. Qua đó, tạo thêm việc làm cho người lao động, giảm nghèo bền vững”, anh Cường cho biết.

Ông Lê Văn Thanh – Phó Chủ tịch UBND xã Gung Ré cho biết, anh Vũ Mạnh Cường là người đầu tiên phát triển giống cá nước lạnh ở địa phương. Ngoài mang lại thu nhập tiền tỷ mỗi năm cho gia đình anh Cường, mô hình này cũng giúp địa phương đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp.

Cũng theo ông Thanh, tiềm năng nuôi cá tầm trên địa bàn rất lớn bởi lợi thế nguồn nước suối dồi dào, nước lạnh quanh năm. Nếu tận dụng được tài nguyên này thì đây sẽ là hướng đi mới tạo thu nhập cho người dân. Song, do khó khăn về nguồn vốn nên người dân chưa nhân rộng được mô hình nuôi cá nước lạnh tại đây. Địa phương rất cần có thêm những doanh nghiệp quan tâm đầu tư để phát huy tiềm năng sẵn có này.

Báo Lâm Đồng