Cô gái trẻ “nhất định không nhường ghế” dù người mẹ đã nói tài xế nhắc mọi người phải ưu tiên cho người già, trẻ em và phụ nữ có bầu hoặc người lớn bế em bé.
Không nhường ghế là vô cảm, lạnh lùng?
Ngày 28/2, mạng xã hội xôn xao bài viết của một phụ nữ với tựa đề “Xinh gái mà ý thức kém”. Trong bài viết, người phụ nữ kể về việc con trai mình đi xe buýt nhưng không được cô gái trẻ nhường ghế.
Theo chia sẻ, con trai chị là bạn nhỏ mặc áo màu xanh. Cả nhà chị lên xe buýt thì đã hết chỗ. Thấy cô gái áo trắng có ghế ngồi, chị đã nhờ cô nhường chỗ cho con trai nhưng cô gái “nhất định không nhường”.
Người mẹ cũng nói với cô gái rằng, tài xế có nhắc mọi người phải ưu tiên cho người già, trẻ em và phụ nữ có bầu hoặc người lớn bế em bé. Tuy nhiên, cô gái trẻ vẫn không chịu đứng dậy.
Sau sự việc, người mẹ đã chụp ảnh cô gái và đăng lên Facebook với những lời lẽ thể hiện sự bức xúc, không hài lòng.
Bài viết ngay lập tức gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Một số ý kiến cho rằng, cô gái nên nhường ghế cho trẻ nhỏ vì đây là hành động văn minh giữa chốn đông người.
Tuy nhiên một số người lại nêu quan điểm, việc nhường ghế không phải trách nhiệm hay nghĩa vụ. Đó là quyền của mỗi người. Trong trường hợp cô gái không nhường ghế thì người mẹ không nên quá bức xúc.
Anh V. A. T chia sẻ: “Nếu là mình, mình sẽ đứng cùng con. Lớn rồi không phải là không thể đứng được, cũng là để giải thích cho con hiểu rằng cuộc sống này có tôn ti trật tự, khi tham gia dịch vụ công cộng không thể đến sau mà bắt người ta phải ưu ái cho mình. Còn ai chủ động nhường ghế thì dạy con trân trọng và cảm ơn người ấy”.
Tài khoản Đ. T cho hay, thanh niên Mỹ khi đi xe buýt ai cũng đứng dù còn ghế, lý do bởi họ thích đứng. Các cậu bé cũng được dạy nên nhường ghế cho phụ nữ. Người mẹ trong câu chuyện hơi lạm dụng chuyện về ý thức và xâm phạm đời tư của cô gái khi chụp ảnh đăng lên mạng. Cô gái hoàn toàn có thể kiện ngược lại.
“Biết đâu cô gái kia đang có vấn đề gì về sức khỏe hay mệt mỏi hoặc đang mang bầu? Việc nhường ghế hay không là sự tự nguyện chứ không phải trách nhiệm hay nghĩa vụ của ai. Không thể vì thế mà kết luận người ta vô cảm”, tài khoản H. A nói.
Tự ý đăng ảnh người khác lên mạng có vi phạm pháp luật?
Luật sư Nguyễn Đức Hoàng, Văn phòng Phan Law Vietnam từng chia sẻ trên Dân trí: Khoản 1 Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về Quyền của cá nhân đối với hình ảnh có nêu rõ: Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.
Ngoài ra, khoản 1 và 2 Điều 38 quy định về Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình: Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Và việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý.
Như vậy, việc chụp ảnh, quay phim người khác thì phải có sự người đó. Hành vi quay lén, chụp lén là hành vi vi phạm quy định của pháp luật, cụ thể là vi phạm về quyền nhân thân và quyền bí mật đời tư của cá nhân.
Pháp luật Việt Nam cũng quy định một số trường hợp được sử dụng hình ảnh của người khác nhưng không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ: Được sử dụng vì lợi ích của quốc gia, của dân tộc, của lợi ích công cộng; lấy hình ảnh từ các hoạt động công cộng như hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật… mà không gây ra tổn hại đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của những người có hình ảnh.
Trong trường hợp tự ý sử dụng hình ảnh của người khác mà không được họ đồng ý, hoặc hình ảnh không phải lấy hình ảnh từ các hoạt động công cộng thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác.
Dân trí