Theo các chuyên gia bất động, sản đề xuất thời hạn sử dụng chung cư chỉ từ 50-70 năm thay vì lâu dài như từ trước đến nay có tác động rất mạnh đến thị trường bất động sản, có thể khiến phân khúc này đi xuống và tạo ra những cơn sốt đất mới.
Trong đề cương Luật Nhà ở (sửa đổi), Bộ Xây dựng đã đề xuất thời hạn sử dụng chung cư chỉ từ 50-70 năm thay vì lâu dài như từ trước đến nay. Theo đó, có 2 phương án được đề xuất, là sổ hồng cấp cho căn hộ chung cư sẽ có thời hạn lâu dài như hiện nay, hoặc sẽ có thời hạn 50 năm hay 70 năm.
Bộ Xây dựng cho biết, lý do đưa ra đề xuất này là, theo các quy định hiện hành, thời hạn sử dụng của công trình được xác định theo hồ sơ thiết kế xây dựng công trình hoặc theo thời hạn sử dụng thực tế.
Sau đề xuất này đã có nhiều ý kiến trái chiều, GS.TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, đề xuất này rất cần thiết để giải quyết dứt điểm tình trạng chung cư cũ đã xuống cấp, nhưng rất khó để cải tạo lại do người dân không chấp nhận mức đền bù mà chủ đầu tư đưa ra.
“Sở hữu chung cư có thời hạn sẽ giải quyết được nhiều mâu thuẫn. Tuy nhiên, giá trị của các chung cư hiện nay không chỉ có công trình căn hộ chung cư mà còn bao gồm cả giá trị của khu đất. Đất xây dựng chung cư là đất ở ổn định lâu dài giống như đất xây dựng nhà phố, cần có phương án tính toán giá đất đối với những tòa chung cư có thời hạn” – GS. Đặng Hùng Võ nói.
Hạn sử dụng mỗi chung cư chỉ nên 50 – 70 năm tùy theo chất lượng xây dựng của từng công trình, có cả loại hình nhà ở dài hạn và có thời hạn từ 50 – 70 năm. Mỗi loại nhà dựa theo thời gian sở hữu sẽ có mức đóng thuế, giá đất khác nhau. Sở hữu nhà lâu dài sẽ có mức thuế và tiền đất cao nhất, GS. Đặng Hùng Võ phân tích thêm.
Trái ngược với ý kiến của GS. Đặng Hùng Võ, một lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản cho rằng thời điểm hiện nay chưa nên áp dụng việc chung cư có thời hạn.
“Tâm lý của đại đa số người Việt đều mong muốn sở hữu nhà ở lâu dài và để thay đổi điều này không dễ, cần thời gian cho phát triển thị trường căn hộ cho thuê lâu dài đáp ứng nhu cầu của người dân. Đề xuất này có thể khiến thị trường chung cư bị đi xuống, thậm chí người dân quay lưng với thị trường căn hộ chung cư mà chỉ tập trung vào đất ở lâu dài” – vị lãnh đạo doanh nghiệp phân tích.
Nếu áp dụng đề xuất chung cư sở hữu có thời hạn thì điều đầu tiên dễ nhận thấy nhất là tâm lý người mua sẽ chững lại. Khi đó, chung cư trở thành một tài sản tiêu dùng, chứ không còn là của để dành và người mua chung cư sẽ đắn đo.
Bất động sản luôn được coi là tài sản có giá trị gia tăng trong tương lai. Nếu đề xuất này được áp dụng, trong tương lai có khả năng dẫn đến xu hướng người dân sẽ không chọn chung cư mà chuyển sang mua nhà phố hoặc các đơn nguyên ở ngoài để đảm bảo giá trị lâu dài của tài sản. Điều này sẽ khiến tính thanh khoản của thị trường căn hộ sẽ bị ảnh hưởng và giá bán căn hộ sẽ bị chững lại.
Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội cho rằng, văn hóa chung của người Việt, nhà ở không chỉ là nơi ở mà còn có giá trị thừa kế. Hiện tại trừ hai đô thị lớn nhất là Hà Nội và TP.HCM thì người dân nhìn chung chưa có thói quen ở chung cư. 61 tỉnh, thành còn lại rất khó bán được căn hộ chung cư, ngoại trừ khu vực lõi các đô thị trung tâm.
“Nếu chọn chính sách chung cư sở hữu có thời hạn 50 năm sẽ rất khó đạt được mục tiêu của Chính phủ là khuyến khích thói quen, tập quán ở nhà chung cư. Thậm chí người dân sẽ thêm hoang mang với loại hình nhà ở này dù giá nhà sẽ rẻ xuống, tuy nhiên dù rẻ cũng chưa chắc là sự lựa chọn của người dân. Đây là chính sách vĩ mô liên quan đến toàn xã hội, cho nên, để làm được điều này, chúng ta cần phải nghiên cứu rất kĩ và xin ý kiến của các chuyên gia, những người bị ảnh hưởng” – ông Nguyễn Thế Điệp nói./.