Thấy thái độ cưng chiều con của người mẹ, hiệu trưởng đã nói thẳng: Giáo viên không phải là bảo mẫu để chăm sóc con cho chị.

Lúc trước khi cho con đi học mẫu giáo, em cứ nghĩ con ở nhà còn nhỏ chưa có kỹ năng chăm sóc bản thân nhưng đến khi đi học mẫu giáo chắc chắn sẽ được các cô ở trường rèn luyện cho con. Tuy nhiên sáng nay em đọc được bài viết trên Sohu chia sẻ về câu chuyện hiệu trưởng cho bé trai 4 tuổi nghỉ học vì cho mọi việc từ đi vệ sinh đến ăn uống đều phải phụ thuộc vào giáo viên mà thấy lo lắng cho con mình ghê luôn các mẹ ạ. Nói gì thì nói chứ dù ai cũng nghĩ rằng chỉ cần có tiền thì muốn cho con học ở đâu cũng được, tuy nhiên với lý do cô hiệu trưởng trên đưa ra em thấy cũng có phần hợp lý các mẹ ạ.

Theo như lời hiệu trưởng chia sẻ thì cách đây 2 tháng, chị Trương có gửi con trai 4 tuổi đi học mẫu giáo. Tuy nhiên sau hơn một tuần thích nghi, bé trai này vẫn không biết tự đi vệ sinh, không biết tự xúc cơm ăn… dù kỹ năng này một đứa trẻ 4 tuổi cùng lứa đều rất thành thạo. Bên cạnh đó, cậu bé cũng không hòa đồng mà còn thường xuyên gây sự, kiếm chuyện với các bạn khác.

Thấy tình hình không ổn sau 1 tháng các giáo viên tập trung “huấn luyện” cháu, nhà trường đã nói chuyện với chị Trương để mong nhận được sự hợp tác từ phụ huynh bằng cách tập cho cậu bé cách chăm sóc cá nhân cơ bản khi ở nhà. Tuy nhiên gia đình chị Trương vẫn chiều chuộng con với lý do: “cháu nó còn nhỏ chưa biết làm gì đâu” hoặc “ở nhà có ông bà ngoại ở chung nên để ông bà chăm sóc hết”…

Đến khi cảm thấy không chịu được nữa, nhà trường quyết định cho cậu bé 4 tuổi nghỉ học. Chị Trương bức xúc cho rằng số tiền chị bỏ ra cho con học cũng không phải ít nên nhà trường phải đáp ứng tất cả nhu cầu của con trai mình.

Thấy thái độ cưng chiều con của người mẹ, hiệu trưởng đã nói thẳng: “Giáo viên không phải là bảo mẫu để chăm sóc con cho chị”.

Thấy cách hành xử của hiệu trưởng có phần thẳng tay nên chị Trương đã chia sẻ trên các diễn đàn về câu chuyện của mình.Tuy nhiên phần đông dư luận đều cho rằng hiệu trưởng cũng có cái lý của riêng mình, đành rằng trường mẫu giáo là nơi giúp trẻ tự lập hơn nhưng trước đó, cha mẹ phải tập cho con một số kỹ năng cơ bản như:

Tập cho trẻ tự ăn

Từ tháng 8 đến tháng 9, khả năng cầm tay của trẻ đã được cải thiện, đây chính là thời điểm thích hợp để mẹ tập cho trẻ tự ăn.

Mẹ có thể chuẩn bị một số món có thể cầm nắm bằng tay như viên rau củ hấp, mì luộc… để trẻ có thể tự cầm ăn bằng tay trước.

Khi trẻ hứng thú với đồ ăn, cha mẹ có thể đưa cho trẻ một chiếc muỗng để con làm quen với vật dụng này. Có thể trong thời gian đầu, bé sẽ bị dơ, mặt mày nhem nhuốc, đồ ăn đổ vương vãi thì ba mẹ phải kiên nhẫn, tuyệt đối không la mắng. Như vậy ba mẹ chỉ chịu cực dọn dẹp vài tháng để tập cho bé ăn nhưng sẽ đỡ vất vả những năm sau này vì không những bé có thể tự ăn mà còn có thói quen ăn uống và tự lập tốt.

Huấn luyện trẻ cách sử dụng nhà vệ sinh

Mẹ có thể huấn luyện cho con tự đi vệ sinh khoảng 2 tuổi. Lúc này, trẻ đã có mức độ tự chủ nhất định, việc rèn luyện sẽ dễ dàng hơn.

Đầu tiên, mẹ cho con tập ngồi bô, hướng dẫn trẻ cách sử dụng. Mẹ chỉ nên khuyến khích chứ đừng ép buộc bé dùng bô. Nếu bé nhổm dậy ngay tức khắc, mẹ hãy đề nghị bé ngồi lâu hơn một chút bằng việc kiếm cho bé một món đồ chơi hay một cuốn sách ảnh, thậm chí bật nhạc cho bé. Nếu bé không có “nhu cầu”, mẹ hãy cho bé đứng dậy tiếp tục chơi. Khi bé đã thực sự sử dụng bô, mẹ hãy luôn khen bé vì đã biết sử dụng bô rất ngoan.

Bên cạnh đó, ngoài việc ăn uống, đi vệ sinh, để trẻ hòa nhập vào nhà trẻ, cha mẹ cũng nên tập cho trẻ thói quen đi tất, mặc quần áo, cũng có thể đưa trẻ đi giao lưu với các trẻ cùng trang lứa để con dễ hòa nhập hơn.

Có thể nhiều phụ huynh thấy những việc này hơi nhỏ nhặt, hoặc không quan trọng, nhưng với giáo viên thì đây là một bước tiến lớn. Chúng giúp các con tự tin hơn và giáo viên cũng sẽ thích một đứa trẻ tự lập sẵn sàng bước vào lớp học. Không những thế, thành thạo những kỹ năng dạy trẻ này khiến bé có cảm giác về sự thành công và tinh thần lãnh đạo.