Đang ăn tối tại một nhà hàng, người đàn ông bất ngờ choáng, ngã quỵ xuống đất, mất ý thức. Ngồi bàn bên cạnh, nữ điều dưỡng Bệnh viện Bạch Mai đã kịp thời tiếp cận, ép tim cấp cứu người bệnh.
Ngày 26/3, Bệnh viện Bạch Mai thông tin về trường hợp nữ nhân viên y tế Trung tâm Cấp Cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu thành công một bệnh nhân người ngoại quốc ngừng tim tại một nhà hàng ở Đà Nẵng.
Theo đó, khoảng 20h ngày 24/3, chị Đặng Thị Hạ, điều dưỡng viên của Trung tâm Cấp Cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội đang ngồi ăn tối với 4 người bạn tại một nhà hàng ở quận Sơn Trà, Đà Nẵng.
Ngay bàn bên cạnh là người đàn ông ngoại quốc đang ăn tối cùng vợ thì đứng lên, di chuyển và bất ngờ choáng, đi lại loạng choạng, ngã quỵ xuống đất, mất ý thức, vệ sinh không tự chủ.
Vừa nhìn thấy người đàn ông loạng choạng, chị Hạ đã di chuyển nhanh ra cùng vợ người đàn ông này đỡ người bệnh. Khi thấy ông bất tỉnh, chị Hạ đã đỡ ông nằm xuống sàn cứng, kiểm tra mạch cảnh, tri hô nhân viên nhà hàng xung quanh gọi cấp cứu 115 hỗ trợ, đồng thời tiến hành cấp cứu ép tim ngoài lồng ng*c cho nạn nhân.
Sau khoảng vài chục lần ép tim ngoài lồng ng*c theo chu kỳ thì bệnh nhân có ý thức trở lại, ổn định chức năng sống và được xe Cấp cứu 115 Đà Nẵng vận chuyển đến cấp cứu tại một bệnh viện lớn ở địa phương.
Lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai cho biết, thông tin về người bệnh sau đó được xác nhận là bệnh nhân Narinder (Ấn Độ) đi du lịch cùng vợ tại Đà Nẵng. Ông có tiền sử bệnh lý mạch vành, đã phải phẫu thuật bắc cầu nối chủ vành.
Nữ điều dưỡng Đặng Thị Hạ cũng đang trong kỳ nghỉ phép đi du lịch cùng gia đình. Lãnh đạo bệnh viện cho biết đã kịp thời khen thưởng cô.
Trước thời điểm xảy ra ngừng tim 2 ngày, bệnh nhân bị rối loạn tiêu hóa.
Theo các bác sĩ, nguyên nhân phổ biến gây ngừng tuần hoàn là rối loạn nhịp tim, bệnh lý mạch vành gây nhồi máu cơ tim cấp.
Khi xảy ra ngừng tim, nếu không được cấp cứu kịp thời, nguy cơ tử vong rất cao. Bởi dự trữ oxy và đường của não bộ chỉ có 4 phút.
Trên thực tế, có rất nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra khi không được phát hiện và cấp cứu ngừng tim kịp thời.
Theo thống kê tại Hoa Kỳ, số ca ngưng tim ngoài cộng đồng là 450.000 ca/năm, trong đó tỷ lệ cấp cứu ngừng tuần hoàn thành công chỉ 1-6% mặc dù Hoa Kỳ là một đất nước phát triển có nền y học tiên tiến.
Theo các chuyên gia, việc truyền thông, giáo dục cộng đồng trong việc cấp cứu ngừng tuần hoàn là rất quan trọng. Nhiều người dân vẫn còn e ngại do chưa được đào tạo và hướng dẫn do chưa biết cách tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn, hoặc cấp cứu chưa được hiệu quả.
Việc phổ biến và đào tạo các kỹ thuật cấp cứu ban đầu đối với cộng đồng là rất cần thiết để cấp cứu trong những tình huống nguy cấp có thể xảy ra.