Quận Đống Đa (Hà Nội) dự kiến sáp nhập hai phường trên địa bàn thành phường mới có tên gọi Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Nhiều đơn vị cấp phường, xã của Hà Nội cũng sẽ có tên gọi mới sau khi sáp nhập.
Theo phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025, quận Đống Đa (Hà Nội) cho biết địa phương sẽ sáp nhập 6 phường thành 4 phường trong giai đoạn tới.
Cụ thể, hai phường Khâm Thiên và Trung Phụng sáp nhập thành phường Khâm Thiên; một phần phường Ngã Tư Sở nhập vào Khương Thượng và phần còn lại vào phường Thịnh Quang, được giữ tên gọi của hai phường Khương Thượng và Thịnh Quang.
Đồng thời một phần phường Trung Tự nhập vào phường Phương Liên thành phường Phương Liên – Trung Tự, phần còn lại của phường Trung Tự nhập vào Kim Liên được giữ tên phường Kim Liên.
Đáng lưu ý, quận có hai phường thuộc diện khuyến khích sắp xếp là Quốc Tử Giám và Văn Miếu. Địa phương lên kế hoạch sáp nhập hai phường này thành phường mới Văn Miếu – Quốc Tử Giám ngay giai đoạn này.
Sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, quận Đống Đa giảm từ 21 phường xuống còn 17 phường.
Phường Quốc Tử Giám và phường Văn Miếu (quận Đống Đa, Hà Nội) có cụm Di tích Quốc gia đặc biệt khu Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Ảnh: Hữu Nghị).
Quảng cáo của DTads
Ngoài quận Đống Đa, nhiều địa phương tại Hà Nội công bố cụ thể phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025.
Tại quận Hai Bà Trưng, địa phương sắp xếp 7 phường thành 4 phường, giảm 3 phường.
Trong đó, hai phường Đồng Nhân và Đống Mác sau khi sáp nhập có tên là Đồng Nhân. Một phần phường Cầu Dền sáp nhập vào phường Bách Khoa có tên mới là phường Bách Khoa, phần còn lại vào phường Thanh Nhàn. Hai phường Quỳnh Lôi và Bạch Mai sau khi sáp nhập lấy tên phường Bạch Mai.
Tại quận Long Biên, một phần phường Sài Đồng vào phường Phúc Đồng và phần còn lại vào phường Phúc Lợi, giữ tên gọi của hai phường Phúc Đồng và Phúc Lợi.
Quận Thanh Xuân, địa phương sáp nhập phường Thanh Xuân Nam vào Thanh Xuân Bắc, giữ tên gọi của phường mới là Thanh Xuân Bắc. Hai phường Kim Giang và Hạ Đình sau khi sáp nhập có tên gọi là phường Hạ Đình.
Quận Hà Đông có ba phường được sáp nhập là Yết Kiêu, Nguyễn Trãi, Quang Trung sẽ thành đơn vị hành chính mới dự kiến tên là phường Quang Trung. Nơi đặt trụ sở làm việc mới tại UBND phường Quang Trung và Nguyễn Trãi hiện tại.
Thị xã Sơn Tây cũng có ba phường được sáp nhập là Lê Lợi, Quang Trung và Ngô Quyền. Sau khi sắp xếp, phường mới có tên là Ngô Quyền. Địa phương lý giải lấy tên gọi này vì liên quan yếu tố lịch sử, vua Ngô Quyền sinh ra tại xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây.
Các địa phương cho biết sau khi sáp nhập, việc giữ lại một trong các tên gọi cũ cũng nhằm giảm thiểu công tác điều chỉnh, đính chính lại nội dung giấy tờ, văn bản hành chính, tư pháp của cá nhân, tổ chức có liên quan.
Tại huyện Mê Linh, xã Vạn Yên sáp nhập vào xã Liên Mạc, giữ tên xã Liên Mạc.
Với huyện Phúc Thọ, xã Thọ Lộc và xã Tích Giang được sáp nhập lấy tên xã mới là Tích Lộc; xã Thượng Cốc sáp nhập vào Long Xuyên có tên mới là xã Long Thượng; xã Vân Hà sáp nhập vào xã Vân Nam thành xã Nam Hà. Đồng thời, xã Phúc Hòa sẽ sáp nhập vào thị trấn Phúc Thọ và giữ nguyên tên thị trấn.
Tại huyện Ứng Hòa, 14 xã dự kiến được sắp xếp lại thành 5 xã. Trong đó, các xã Viên Nội, Viên An, Hoa Sơn được sáp nhập thành tên gọi mới là xã Hoa Viên; 3 xã Cao Thành, Sơn Công, Đồng Tiến thành xã Cao Sơn Tiến; xã Hòa Xá, Vạn thái, Hòa Nam thành xã Thái Hòa; xã Lưu Hoàng, Hồng Quang, Đội Bình thành xã Bình Lưu Quang; xã Trầm Lộng, Hòa Lâm thành xã Trầm Lộng.
Tại huyện Thạch Thất, xã Dị Nậu và Canh Nậu sáp nhập thành tên mới là xã Lam Sơn; xã Chàng Sơn sáp nhập với Thạch Xá giữ tên gọi cho xã mới là Thạch Xá; hai xã Hữu Bằng và Bình Phú thành xã mới tên Quang Trung.
Huyện Chương Mỹ, xã Đồng Phú sáp nhập với xã Hồng Phong thành tên mới là xã Hồng Phú; hai xã Phú Nam An và Hòa Chính sau khi sáp nhập có tên gọi mới là xã Hòa Phú.
Với các huyện là Hoài Đức, Đan Phượng và Gia Lâm, UBND TP Hà Nội cho biết các địa phương này dự kiến lên quận nên được ủy quyền lập hồ sơ đề án thành lập quận và các phường thuộc quận. Phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã cũng được các huyện trình trong đề án này.
Hiện, nhiều quận, huyện đã hoàn thành việc lấy ý kiến cử tri về phương án sắp xếp trên.
Theo lộ trình, các địa phương sẽ lấy ý kiến cử tri về đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp phường xong trước ngày 10/4. Sau đó, Sở Nội vụ Hà Nội tổng hợp, lập hồ sơ đề án để báo cáo UBND TP xin ý kiến Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy và trình HĐND TP Hà Nội cho ý kiến, thông qua.
Hồ sơ hoàn chỉnh sau đó sẽ được gửi Bộ Nội vụ, thời gian trước ngày 31/5.
Hà Nội hiện có 30 đơn vị hành chính cấp huyện, 579 đơn vị hành chính cấp xã. Trong giai đoạn 2023-2025, qua rà soát và đối chiếu với các tiêu chí, thành phố dự kiến có 173 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp.