Nhiều dãy biệt thự hàng chục căn nhưng lượng người về ở rất thưa thớt, hay có khu nhà liền kề bỏ hoang suốt hơn 10 năm. Trong khi đó, giá nhà đất ở Hà Nội đã tăng 400 lần sau hơn 30 năm.
Đáng chú ý, tại các quận Hà Đông, Nam Từ Liêm, huyện Hoài Đức, Thanh Trì (Hà Nội) có nhiều khu nhà phố, biệt thự bỏ hoang vẫn đang được môi giới bất động sản rao bán với giá cả triệu đô. Theo chuyên gia quy hoạch đô thị, nhà đất bỏ hoang đã khiến bộ mặt đô thị ven đô nhếch nhác.
Theo nghiên cứu của chuyên gia kinh tế, từ năm 1990 đến nay, các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM giá nhà đất đã tăng khoảng 400 lần. Những tỉnh ở miền núi hay cách xa trung tâm cũng tăng khoảng 100 lần. Điều này cho thấy giá nhà đất đã vượt rất xa thu nhập bình quân của đại bộ phận người dân.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, giáo sư Đặng Hùng Võ – nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường – cho biết ở những nước như Mỹ, Canada, Úc, hay một số nước Tây Âu như Hà Lan, Thụy Sĩ… có thị trường bất động sản phát triển rất tốt.
Theo ông Võ, nhiều quốc gia quan niệm để thị trường nhà đất phát triển được hay không là do thuế bất động sản. Vậy nên để thị trường bất động sản lành mạnh, phát triển ổn định thì cần phải có sắc thuế bất động sản hợp lý.
“Mặc dù đã có 3 nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng nói về chuyện phải đổi mới thuế bất động sản nhưng đến nay chúng ta vẫn chưa thực hiện được như mong muốn”, ông Võ nói.
Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa – thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia – cho rằng cần phải hướng tới đánh thuế nhà đất bỏ hoang.
“Những khu nhà biệt thự triệu đô được rao mà để hoang chắc chắn là đầu cơ, mua đi bán lại, không tạo ra giá trị sử dụng, làm lãng phí tài nguyên, bộ mặt đô thị bị bôi bẩn, đồng thời gây nhiễu loạn thị trường bất động sản”, ông Nghĩa nói.