Báo Lao Động vừa có bài viết phản ánh 3 dự án chợ ở Hà Nội quây tôn 10 năm nay chưa triển khai. Trong số này mới chỉ có dự án chợ Thượng Cát (quận Long Biên) có báo cáo hướng giải quyết, chờ cơ quan có thẩm quyền xử lý, còn 2 dự án chợ Vân Hà (huyện Đông Anh) và chợ Lệ Chi (huyện Gia Lâm) vẫn chưa có bất cứ phương án xử lý nào.
Dự án chợ Thượng Cát xin điều chỉnh 7 nội dung
Làm việc với UBND quận Long Biên về dự án chợ Thượng Cát (phường Thượng Thanh, quận Long Biên, Hà Nội), ông Hoàng Hải – Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Long Biên cho biết, hiện nay, UBND TP Hà Nội đang xử lý dự án đầu tư kinh doanh khai thác chợ Thượng Cát.
Ông Hải cung cấp cho phóng viên báo cáo tóm tắt hồ sơ điều chỉnh dự án này. Theo thông tin ông Hoàng Hải cung cấp, nhà đầu tư dự án là Công ty Cổ phần Hóa chất nhựa, đại diện bởi ông Bùi Tố Minh – Giám đốc công ty – xin điều chỉnh 7 nội dung so với dự án đầu tư đã được UBND TP Hà Nội cấp trước đây.
Các nội dung xin điều chỉnh gồm: Điều chỉnh tên nhà đầu tư để đồng bộ với giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đăng ký thay đổi đã được cấp; điều chỉnh tên dự án để ngắn gọn hơn, vẫn đảm bảo tính chất, mục tiêu đầu tư của dự án.
Bổ sung thêm mục tiêu văn phòng cho thuê; điều chỉnh các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc (tăng tầng cao công trình từ 5 lên 9 tầng nổi, 1 tầng tum và có 2 tầng hầm làm tăng diện tích sàn xây dựng công trình, tăng mật độ xây dựng công trình từ 29,2% lên 45%.
Điều chỉnh diện tích khu đất từ khoảng 2.600m2 thành 2.780,6m2 (theo GCNQSDĐ đã cấp); tăng tổng mức đầu tư lên 9,11 lần (từ 30,717 tỉ đồng thành 279,688 tỉ đồng) và điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án từ 2008-2009 thành quý II/2023-quý II/2025.
Cơ quan chức năng nói gì?
Trên cơ sở đề xuất của Công ty Cổ phần Hóa chất nhựa, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội báo cáo 2 phương án giải quyết:
Phương án 1: Việc điều chỉnh mục tiêu dự án, bổ sung Văn phòng cho thuê thuộc trường hợp điều chỉnh mục đích sử dụng đất từ đất chợ sang đất thương mại, dịch vụ. Từ đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đề xuất UBND TP chấp thuận chủ trương đầu tư.
Phương án 2: Trường hợp xác định không chuyển mục đích sử dụng đất theo ý kiến của Sở Tài nguyên và Môi trường, đề nghị UBND TP giao Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định.
Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết thêm với 2 phương án nêu trên, Sở đề xuất lựa chọn phương án 1 với lý do “để phù hợp với quy định và đảm bảo tính pháp lý chặt chẽ cho dự án”.
Sau khi nhận được 2 phương án của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng UBND TP Hà Nội đã có văn bản tham vấn các sở, ngành và đề nghị như sau:
Trường hợp điều chỉnh dự án thuộc dạng chuyển mục đích sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật về đất đai, Văn phòng UBND TP Hà Nội kiến nghị lãnh đạo UBND TP Hà Nội giao Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp đơn vị liên quan hoàn thiện hồ sơ trình UBND Thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với nhà đầu tư thực hiện dự án.
Trường hợp việc đề xuất điều chỉnh mục tiêu, quy mô đầu tư của dự án không thuộc diện chuyển mục đích sử dụng đất phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiêm túc thực hiện theo đúng thẩm quyền của cơ quan cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, theo quy định của pháp luật liên quan đối với dự án đầu tư không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND TP Hà Nội.
Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động về vấn đề này, lãnh đạo Phòng Kinh tế ngành (Sở Kế hoạch và Đầu tư) cho biết: “Về bản chất, đây không chỉ là dự án chợ, tên gọi như vậy thôi, ngay từ ban đầu, dự án này là dự án hỗn hợp, có chợ, thương mại.
Hiện nhà đầu tư đã thực hiện điều chỉnh nội dung dự án, các sở, ngành cũng đã tham mưu, báo cáo lãnh đạo thành phố. Tuy nhiên, lãnh đạo TP Hà Nội cho rằng dự án này phải xin ý kiến Ban Cán sự theo quy chế làm việc của UBND TP, chúng tôi cũng đang đợi.
3 dự án có tính chất tương tự nhau, chính vì vậy, nếu dự án chợ Thượng Cát được thông qua thì các dự án kia cũng nhanh chóng được triển khai”, lãnh đạo Phòng Kinh tế ngành cho biết.