Trong tương lai, tỉnh này sẽ có quy mô kinh tế và trình độ phát triển trong nhóm dẫn đầu cả nước.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định 489/QĐ-TTg ngày 10/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mục tiêu tổng quát của quy hoạch, đến năm 2030, Hưng Yên phát triển nhanh, bền vững, trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, có quy mô kinh tế và trình độ phát triển trong nhóm dẫn đầu cả nước; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội đồng bộ, hiện đại.
Công nghiệp thuộc nhóm phát triển mạnh của cả nước; phát triển bền vững theo xu hướng chuyển đổi xanh dựa trên phát triển nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh; xã hội phát triển hài hoà với thiên nhiên; bản sắc văn hóa được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng cao; quốc phòng và an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm.
Về kinh tế, tốc độ tăng trưởng GRDP khoảng 9,0%/năm giai đoạn 2021 – 2030; GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 là 278 triệu đồng.
Cơ cấu kinh tế của tỉnh đến năm 2030 với nông nghiệp, thủy sản 3,6%; công nghiệp, xây dựng 64,1%; khu vực dịch vụ 25,4%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp 6,9%.
Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2030 khoảng 60 – 65% và đến năm 2050 khoảng 80%. Kinh tế số chiếm 35% GRDP. Tốc độ tăng năng suất lao động đạt từ 8,5 – 9,0%/năm. Đóng góp bình quân của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng giai đoạn 2021 – 2030 đạt 50 – 55%. Chỉ số phát triển con người (HDI) của tỉnh thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố đứng đầu của cả nước.
Tầm nhìn đến năm 2050, Hưng Yên trở thành thành phố trực thuộc trung ương; thành phố thông minh, giàu đẹp, văn minh, văn hiến, giàu bản sắc văn hóa, phát huy đầy đủ những giá trị cốt lõi của văn hóa Phố Hiến xưa; là nơi đáng sống của vùng đồng bằng sông Hồng; hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; là trung tâm kết nối giữa các địa phương trong vùng và cả nước.
Các hoạt động kinh tế, xã hội và quản trị của chính quyền vận hành chủ yếu theo phương thức của nền kinh tế số, xã hội số. Các ngành sản xuất, dịch vụ phát triển theo phương thức thông minh với các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0”.
Hưng Yên đang phát triển như thế nào?
Hưng Yên là tỉnh đồng bằng không có rừng, núi và biển. Gồm 10 huyện, thị xã, thành phố với 161 xã, phường, thị trấn. Trên địa bàn tỉnh có hệ thống các tuyến giao thông đường bộ quan trọng như Quốc lộ 5, 39, 38, 38B, đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng; tuyến đường nối cao tốc Hà Nôi – Hải Phòng với Cầu Giẽ – Ninh Bình…
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê Hưng Yên, 5 tháng đầu năm 2024, tổng vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 3.975 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh 2.102 tỷ đồng, vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện 1.031 tỷ đồng, vốn ngân sách Nhà nước cấp xã 840,66 tỷ đồng.
Tính đến ngày 20/5/2024, toàn tỉnh có 570 dự án có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký hoạt động, với tổng số vốn đăng ký là 7.444.924 nghìn USD. Trong đó, từ đầu năm đến ngày 20/5/2024, có 22 dự án đăng ký mới với số vốn đăng ký 468.586 nghìn USD.
Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 13.612 tỷ đồng, tăng 7,98% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 1.198 tỷ đồng, tăng 0,02% so với cùng kỳ năm 2023.
Thu ngân sách nhà nước ước đạt 17.441 tỷ đồng, tăng 32,35% so với cùng kỳ năm trước. Tính từ ngày 1/1 – 24/5/2024, chi ngân sách nhà nước địa phương đạt 10.890.654 triệu đồng, đạt 37,92% kế hoạch năm.