Anh ta bắt chồng tôi phải đập bỏ hàng rào chạy dài 30m trả lại đất. Chồng tôi không chịu và mang dao ra uy hiếp người ta.

Bên cạnh nhà tôi có vợ chồng hàng xóm già từng rất thân thiết với gia đình tôi. Mỗi dịp Tết đến, các con của ông bà Phúc về quê chơi thường mang rất nhiều quà cáp biếu bố mẹ. Ra Tết các con đi hết, bánh kẹo và bia đầy nhà không dùng tới, ông bà già cũng ít nhu cầu nên mang sang cho gia đình tôi.

Những lúc tôi thiếu tiền là đều qua nhà bà Phúc vay, khi nào có thì trả. Vợ chồng tôi đều làm công nhân, đi sớm về muộn, việc đi học của các con đều nhờ xe đưa rước. Không dám giao chìa khóa cho 2 con nhỏ, buổi chiều khi các con về học, tôi nhờ bà Phúc trông coi giúp.

Thương bọn nhỏ đi học về đói khát thế là có gì ông bà đều lấy ra cho các cháu ăn hết. Người ta thường bảo “bán anh em xa mua láng giềng gần” rất đúng với trường hợp của gia đình tôi. Chúng tôi coi ông bà Phúc như là người thân thiết, thậm chí như bố mẹ vậy.

Đáp lại lòng tốt của ông bà, vợ chồng tôi cũng nhiệt tình giúp đỡ những khi 2 người ốm đau. Lúc ông Phúc đi bệnh viện, chồng tôi nghỉ làm để đưa đi. Khi bà Phúc nằm viện, tôi túc trực cả tuần trong bệnh viện. Những khi ông bà ốm, vợ chồng tôi chăm sóc rất chu đáo, các con của ông bà chỉ việc gửi tiền về là đủ.

Ngày ông mất, các con muốn đưa bà Phúc đi chăm sóc phụng dưỡng nhưng bà không chịu. Bà bảo ở quê không khí trong lành mát mẻ, bà con hàng xóm tắt lửa có nhau. Còn ra phố sống cả ngày bị giam trong 4 bức tường, con cháu bận rộn chẳng ai quan tâm. Với lại bà cũng không muốn bản thân làm phiền đến cuộc sống yên ổn của các con cháu. Bà khuyên các con cứ yên tâm làm việc, những lúc ốm đau đã có vợ chồng tôi lo.

Lúc sức khỏe bà Phúc yếu, không thể đi lại được nữa, phải phụ thuộc vào sự chăm sóc của vợ chồng tôi. Các con của bà Phúc ai cũng bận rộn công việc không thể về phụng dưỡng được mà phó thác cho chúng tôi. Hàng tháng họ cũng trả lương chăm sóc bà cho vợ chồng tôi.

Sau 1 năm ốm liệt giường thì bà Phúc mất, từ đó ngôi nhà để hoang đến nay được 4 năm. Chồng tôi cho rằng các con bà Phúc sẽ không ai về sống nữa nên anh đã xây lấn tường rào qua nhà hàng xóm khoảng 10 phân.

Lúc biết chồng làm điều sai trái, tôi khuyên can đủ lời. Tôi bảo đất của ai người ấy xây, dù hiện tại hàng xóm không có ai nhưng vài năm nữa họ về và phát hiện đất bị hao hụt sẽ kiện và đòi lại mặt bằng. Khi đó bao nhiêu công sức bỏ ra xây bờ rào là công cốc sao. Chồng bảo đã đối xử tốt với ông bà Phúc, thế nên con cháu họ cho rằng tường đã lỡ xây rồi và sẽ bỏ qua hết tất cả.

Tôi bảo tấc đất tấc vàng, tham thì thâm, đất nhà mình đến đâu xây đến đó, đừng lấn chiếm. Nói như thế rồi mà chồng vẫn ngang bướng lấn qua đất hàng xóm.

Tuần vừa rồi, con trai ông Phúc tên Quyền về nhà xây quây đất thì phát hiện nhà tôi xây lấn sang. Anh ta bắt chồng tôi phải đập bỏ hàng rào chạy dài 30m trả lại đất. Chồng tôi không chịu và mang dao ra uy hiếp người ta.

Nhưng anh Quyền không hề nao núng mà đứng nguyên xem chồng tôi dám làm gì. Nhìn việc làm của chồng mà tôi hoảng quá vội can ngăn, kéo anh về bên nhà mà trách. Tôi bảo chồng đã sai lại còn mang vũ khí đe dọa người ta, anh mà làm xước chút da của người ta thôi cũng có thể đi tù.

Anh Quyền lớn tiếng nói nếu chúng tôi mà không trả lại đất cho gia đình thì sẽ đưa ra pháp luật. Khi đó vợ chồng tôi vừa mất thêm tiền phí, tiền phạt mà vẫn phải phá bỏ hàng rào.

Chồng tôi vẫn chưa chịu thua, anh kể công chăm sóc bố mẹ anh Quyền trong những năm cuối đời. Thế mà không được lời cảm ơn, bây giờ xây lấn có chút đất mà cũng đòi, đúng là những con người vô ơn. Anh Quyền bảo đã trả công đầy đủ cho chúng tôi nên không có ơn huệ gì ở đây cả.

Bị đuối lý nhưng chồng tôi vẫn già mồm cãi. Dù cho vợ khuyên thế nào chồng cũng không chịu đập bỏ tường rào trả lại nguyên hiện trạng ban đầu cho người ta. Theo mọi người, tôi phải làm sao đây?