anh-1-16-1636504321860250088961

100% xe buýt Hà Nội sẽ là xe điện

Theo kế hoạch, toàn bộ xe buýt tại Thủ đô Hà Nội và TP.HCM sẽ được thay thế bằng xe xanh.

100% xe buýt Hà Nội sẽ là xe điện

Tại COP26, Việt Nam đã cam kết đạt phát thải ròng (Net Zero) vào năm 2050. Đây là một mục tiêu không dễ dàng, và để thực hiện được việc đó thì Việt Nam sẽ cần lên kế hoạch và sớm thực hiện một số hạng mục.

Trong số những việc cần làm, xanh hóa hệ thống phương tiện di chuyển công cộng dường như đang được ưu tiên thực hiện. Theo kế hoạch, Hà Nội và TP.HCM sẽ chuyển đổi hệ thống xe buýt công cộng sang loại xe xanh.

100% xe buýt tại Hà Nội sẽ là xe điện- Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Tại Hà Nội, Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí mê-tan của ngành Giao thông Vận tải đã được phê duyệt. Với giao thông đô thị, chương trình đề ra kế hoạch chuyển đổi dần hệ thống xe buýt công cộng thành xe buýt điện.

Theo đó, toàn bộ xe buýt thay thế hay xe buýt đầu tư mới sẽ đều là xe buýt điện hoặc xe buýt sử dụng năng lượng xanh từ năm 2025; từ năm 2030 có tối thiểu 50% phương tiện sử dụng điện và năng lượng xanh, và 100% xe taxi thay thế hay đầu tư mới đều là xe chạy điện hoặc sử dụng năng lượng xanh. Tới năm 2050, toàn bộ xe buýt và xe taxi sẽ phải là xe điện hoặc sử dụng năng lượng xanh.

100% xe buýt tại Hà Nội sẽ là xe điện- Ảnh 2.

Hà Nội có 3 tuyến buýt CNG từ năm 2018.

Theo Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông công cộng (Sở GTVT Hà Nội) – ông Thái Hồ Phương, 100% xe buýt tại Hà Nội có thể chuyển đổi thành xe buýt điện từ năm 2040.

Cụ thể hơn, lộ trình chuyển đổi sẽ theo 3 kịch bản dự kiến:

– Kịch bản 1: 100% xe buýt điện, tương đương 2.433 xe sau chuyển đổi

– Kịch bản 2: 70% xe buýt điện, 30% xe buýt chạy LNG (khí hóa lỏng) hoặc CNG (khí thiên nhiên nén), tương đương 2.212 xe sau chuyển đổi (gồm 1.592 xe buýt điện và 620 xe chạy LNG/CNG)

– Kịch bản 3: 50% xe buýt điện, 50% xe buýt LNG/CNG, tương đương 2.076 xe sau chuyển đổi (gồm 1.100 xe điện và 976 xe chạy LNG/CNG)

Tùy theo tình hình thực tế, thành phố đang đề xuất thực hiện kịch bản 3, sẽ chuyển sang kịch bản 2 khi điều kiện cho phép, và sau năm 2040 sẽ thực hiện kịch bản 1.

100% xe buýt tại Hà Nội sẽ là xe điện- Ảnh 3.

Xe buýt xanh tại TP.HCM.

Tại TP.HCM, trong giai đoạn từ năm 2025 đến năm 2029, chuyển đổi xe buýt sang loại xe buýt điện sẽ là ưu tiên của thành phố. Tuy nhiên, thành phố cũng xác định rằng có thể đầu tư xe buýt sử dụng CNG trong giai đoạn quá độ sang xe buýt điện đối với các tuyến đang vận hành.

Song, việc chuyển đổi sẽ cần tiến tới mục tiêu là từ năm 2030, toàn bộ xe buýt tại TP.HCM sẽ là xe sử dụng năng lượng xanh.

Hiện nay, TP.HCM đang có 2.209 xe buýt trên 120 tuyến; trong số đó, có 546 xe buýt xanh (gồm cả xe điện và xe CNG), 581 xe đã sử dụng dưới 8 năm, và 1.628 xe đã sử dụng trên 8 năm. Như vậy, xe buýt xanh đang chiếm gần 25% số xe tại thành phố.

Thông tin trên do Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Thành phố Hồ Chí Minh, ông Lê Hoàn, cung cấp.

Trạm sạc – một trong các bài toán cần giải

Tuy nhiên, để thực hiện được kế hoạch này thì thành phố cần tính toán nhiều giải pháp để có thể hiện thực hóa kế hoạch.

Trong đó, vốn đầu tư được xem là một trong những vấn đề quan trọng, bởi chi phí đầu tư xe khá cao: 1 xe chạy năng lượng xanh có thể mua được 2,4 chiếc xe chạy diesel. Đó là chưa kể khi chuyển đổi xe chạy loại năng lượng khác thì sẽ cần tính đến hạ tầng trạm sạc/trạm nhiên liệu, hay cả chiến lược cung cấp năng lượng.

100% xe buýt tại Hà Nội sẽ là xe điện- Ảnh 4.

Vinbus là đơn vị duy nhất có trạm sạc cho xe buýt điện tại Hà Nội.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội, ông Nguyễn Hoàng Hải, cho rằng phát triển xe buýt xanh gặp phải 3 trở ngại, đó lần lượt là: Cơ chế chính sách, nguồn lực để chuyển đổi phương tiện, và hạ tầng.

Nếu chuyển đổi sang xe điện, quy hoạch của ngành điện về hạ tầng điện dành cho loại xe này cũng cần được đưa vào quy hoạch để có thể đảm bảo cho nhu cầu của hệ thống xe này cũng như các loại phương tiện cá nhân khác.

Hiện nay, hệ thống trạm sạc dành riêng cho xe buýt điện tại Hà Nội vẫn chỉ có 2 trạm, tất cả đều đặt tại vị trí của Vinbus, phục vụ xe của đơn vị này. Trạm của Vinbus có lần lượt 32 và 39 trụ, có công suất từ 120 kWh đến 150 kWh do StarCharge cung cấp.

Vinbus cũng là đơn vị xe buýt điện duy nhất và lớn nhất đang hoạt động tại Hà Nội. Đơn vị này đang vận hành 10 tuyến tại Hà Nội, sử dụng xe do VinFast sản xuất. Xe buýt điện của Vinbus có tối đa 67 chỗ (28 chỗ ngồi và 39 tay nắm cho khách đứng); xe có thể đi được tối đa 260km với pack pin 281 kWh, có thể sạc đầy trong 2 tiếng tại trạm của đơn vị.

100% xe buýt tại Hà Nội sẽ là xe điện- Ảnh 5.

Xe buýt điện do Vinbus vận hành.

Ở thời điểm hiện tại, Hà Nội cũng đang có 1.905 xe buýt được trợ giá, gồm 139 xe chạy CNG, 142 xe chạy điện, và trên 1.200 xe buýt được chứng nhận đạt tiêu chuẩn Euro 4 trở lên.

Mỗi năm, Hà Nội đang dành ra khoảng 2.300 tỷ đồng để trợ giá cho xe buýt. Hà Nội sẽ cần sắp xếp thêm ngân sách khoảng 8.300 tỷ đồng cho giai đoạn từ năm 2024 đến năm 2033 để thực hiện kế hoạch chuyển đổi sang sử dụng xe buýt điện / xe năng lượng xanh; mức ngân sách này tương đương khoảng hơn 830 tỷ đồng/năm.