Lương chỉ 10 triệu/tháng, với số tiền tích góp cũng chỉ vỏn vẹn 100 triệu đồng, tôi vẫn mua được nhà ở Tp. HCM.
Tôi và chồng đều sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, nhưng không phải thuộc dạng con nhà khá giả. Chỉ hơn mỗi dân nhập cư ở chỗ ba mẹ có căn nhà cấp 4 che nắng mưa. Năm 2009 chúng tôi cưới nhau, do nhà chật, tôi lại còn 1 em trai, còn anh thì còn 2 em gái ở chung với ba mẹ, thấy bất tiện nên vợ chồng dắt díu nhau ra riêng. Chúng tôi ở nhờ 1 phòng trong dãy trọ của chú chồng.
Anh là giáo viên dạy thể dục ở một trường phổ thông, còn tôi làm ở phòng kinh tế tổng hợp của quận. Lương người làm nhà nước thì biết rồi đấy, cả hai đứa chỉ tầm non 10 triệu một tháng. Ngoài thu nhập chính, chúng tôi cũng tranh thủ làm thêm bên ngoài nhưng đa số đều không được lâu bền. Anh nhận dạy môn bơi và võ thuật ở nhà văn hóa, còn tôi nhận dự án, báo cáo, nghiên cứu khoa học về làm thêm tại nhà. Thu nhập trước hết tôi trang trải trong gia đình, còn dư chút đỉnh thì tích góp để đó, hễ gom được vài triệu thì tôi đưa anh đem đầu tư chứng khoán hoặc vàng. Thỉnh thoảng “lướt sóng” bán ra cũng lãi được vài trăm, có khi vài triệu.
Năm 2009, sau khi kết hôn, vợ chồng tôi có khoảng 50 triệu trong tay, bao gồm tiền ba mẹ cho và tiền lãi từ đám cưới. Lúc đấy, ba mẹ cũng có hứa nếu chúng tôi muốn ra riêng sẽ giúp cho ít tiền để mua nhà, nhưng tôi biết ông bà không có nhiều nên cũng không dám trông chờ.
Thấy mua nhà có vẻ không khả thi, chồng tôi bèn đề xuất ý kiến đầu tư đất. Anh và vài người bạn đi xem nhiều khu đất ở ngoại thành như quận 9, Thủ Đức, rồi quận 12… nhưng miếng nào cũng vượt ngoài tầm tay với của chúng tôi. Anh cũng đi xem thêm mấy căn chung cư đã qua sử dụng nhưng thấy thiếu hơn 50% thì thôi luôn.
Thành phố ngày một phát triển, nhiều “ông lớn” trong ngành bất động sản mạnh tay chi tiền cho các dự án chung cư nội thành lẫn ngoại thành kéo theo giá nhà đất ở Sài Gòn tăng lên nhanh chóng. Chị em đồng nghiệp trông ty kháo nhau rằng 3-4 năm nữa giá nhà đất sẽ còn tăng cao, mua nhà ngay lúc này sẽ dễ dàng hơn và cũng có tiềm năng sinh lợi lớn, nếu sau này muốn bán đi thì sẽ có lời.
Nghe họ bàn cũng có lý, thêm nữa là nhìn lại gia đình mình cũng sống cảnh tạm bợ, không gian hạn hẹp, tôi mới quyết tâm mua nhà. Tuy nhiên, từ hồi cưới nhau đến giờ, vốn để dành, vốn đầu tư, tất cả các khoản tiền mà chúng tôi có được chỉ hơn 100 triệu. Nguyên nhân không hẳn là vì thu nhập ít mà một phần trong đó là vì tôi sinh liên tiếp 2 đứa con.
Cuối năm 2014, tôi được giới thiệu chương trình mua nhà ở xã hội với giá chỉ khoảng 14 triệu/m2. Ba mẹ chồng có giục tranh thủ cơ hội mà mua, nếu “kẹt” quá thì ba mẹ sẽ thế chấp nhà để vay ngân hàng cho chúng tôi. Riêng nhà tôi khó khăn hơn, nên chỉ động viên cố gắng.
Đến năm 2015 hồ sơ của tôi được duyệt, chúng tôi chọn căn có diện tích lớn nhất là 60m2 để tiện cho chăm sóc 2 đứa nhỏ cũng như phụng dưỡng cha mẹ (nếu cần) sau này. Tiếp đến, vợ chồng tôi phải đóng trước 20% giá trị căn nhà. Phần này, ba mẹ anh giúp cho 100 triệu, thêm 100 triệu tiền tích góp của riêng hai đứa thì thanh toán xong đợt đầu vẫn dư. Bước đầu tiên coi như “thuận buồm xuôi gió”.
Ba tháng sau, chúng tôi phải đóng tiếp 10% nữa. Lúc này chúng tôi đã cạn tiền, chỉ còn một khoản nhỏ đang đầu tư cổ phiếu nhưng ngay lúc rớt giá, bán ra chẳng những không có lời mà còn mất tiền. Đồng nghiệp của chồng thấy thế bèn đề nghị cho chúng tôi vay tiền. Vay anh ấy 50 triệu, và xin được trả chậm, số còn lại tôi bán vàng hồi môn và vay thêm cô bạn thân cũng vừa đủ. Hai tháng sau, cổ phiếu lên giá lại, tôi bán ra trả tiền cho cô bạn và anh đồng nghiệp. Tuy có chút chông chênh nhưng cửa ải này xem như cũng vượt qua được.
Lần đóng tiền thứ ba, 10% nữa, tôi không còn tiền vàng dự phòng, bố mẹ cũng không còn tiền trợ giúp, đành phải đánh liều đi hỏi mọi người quen. Thật ra thì lúc hỏi mượn, tôi cũng đã dự trù nếu không đủ thì sẽ làm thủ tục vay ngân hàng. May mà hỏi mượn 10 người thì cũng được 4 người đồng ý cho mượn, với tổng số tiền là 80 triệu. Lần mượn tiền này tôi cũng có nói là sẽ trả hơi lâu vì đang gặp đôi chút khó khăn, mọi người cũng thông cảm.
Ban đầu, theo kế hoạch thì giữa 2016 chúng tôi sẽ nhận nhà nhưng vì công trình chậm tiến độ nên mãi sang năm 2017 chúng tôi mới được về nhà mới. Trong cái rủi có cái may, nhờ đó mà vợ chồng tôi cũng được giãn tiến độ đóng tiền và vay mượn cũng dễ hơn.
Từ mua nhà cho đến lúc nhận nhà và đóng 95% giá trị nhà cho chủ đầu tư (5% sẽ đóng luôn khi nhận sổ đỏ), vợ chồng tôi chỉ phải vay ngân hàng 120 triệu đồng dạng vay tín chấp. Cùng với đó là hai đứa vay hơn 20 người là họ hàng, bạn bè. Để có thể kiểm soát tốt nợ, tôi ghi lại từng khoản vào sổ theo thứ tự trước sau rồi phân ra cái nào cần ưu tiên trả trước. Được cái mỗi người chúng tôi chỉ vay một ít nên cũng không cần trả gấp, cũng không gây phiền toái gì cho họ. Thêm nữa, vì khoản vay chủ yếu từ 10-20 triệu nên chẳng ai lấy lãi, cho vay vì cái tình cái nghĩa là chính.
Cuối năm 2017, sau khi trả hết tiền nhà cho chủ đầu tư, vợ chồng tôi tập trung trả hết nợ nần bên ngoài. Chồng tôi lên chiến lược cụ thể rằng tiền ngân hàng và chủ nợ đòi gấp sẽ ưu tiên trả trước, tiếp đến là người cho mình vay số tiền ít (vì sẽ dễ trả hơn), rồi sau cùng là người cho vay số tiền lớn.
Đến thời điểm hiện tại, vợ chồng tôi đã trả hết nợ ngân hàng và chỉ còn nợ người quen khoảng 100 triệu đồng. Thật ra thì chúng tôi cũng không phải quá o ép gia đình, chủ yếu là tiết kiệm và chi tiêu một cách khoa học thôi. Chẳng hạn như nấu ăn mang theo đi làm cho tiết kiệm, mời bạn bè về nhà chơi thay vì tụ tập hàng quán, ăn sáng ở nhà… Mùa hè thì gửi các con cho ông bà chăm đỡ tiền học, đi giả ngoại thay cho đi du lịch…
Đã trót thiếu nợ thì cũng sẽ không thiếu những cuộc gọi, nhưng rồi vay đầu này đắp đầu kia riết cũng qua. Có lúc cũng cảm thấy mệt mỏi nhưng vì may mắn có nhiều người đồng hành nên chúng tôi không cho phép bản thân gục ngã. Đặc biệt hơn cả là nếu không mua nhà thời điểm ấy, đến giờ với giá cả bất động sản tăng vọt thì e khó mà có nhà…