Khi phát hiện một người đàn ông nằm im trên bờ biển Đà Nẵng, người dân nghĩ nạn nhân đã tử vong nên đắp chiếu.
Anh Đặng Ngọc Tiến, Trưởng Đội SOS Đà Nẵng, cho hay, đội nhận được thông tin anh Đặng Huy Hùng (31 tuổi, trú tại quận Sơn Trà) mất liên lạc vào tối 13/10. Sau đó các thành viên của đội đã đi bộ dọc bờ kè đá, dùng xuồng hơi ra khu vực biển ở cửa sông Hàn tìm kiếm nhưng không có kết quả.
Theo anh Tiến, thời điểm tìm kiếm, trời mưa lớn nên có thể luồng nước đẩy nạn nhân đi xa.
Đến 5h ngày 15/10, nhận được tin báo của người dân về việc phát hiện anh Hùng trôi dạt vào bờ biển Nguyễn Tất Thành, đội đã cùng người thân anh Hùng đến hiện trường.
Theo anh Tiến, ban đầu người dân thấy anh Hùng nằm im trên cát, nghĩ nạn nhân đã tử vong nên đắp chiếu và liên hệ tìm thân nhân đến nhận dạng.
Sau đó, có người phát hiện nạn nhân cử động ngón tay nên một số người đã dùng các biện pháp sơ cứu ban đầu, ủ ấm cho nạn nhân và gọi xe cấp cứu của Bệnh viện Đà Nẵng.
Khi thành viên của Đội SOS Đà Nẵng đến, anh Hùng đã có dấu hiệu tỉnh nhưng vẫn chưa cử động được và đang được đưa lên xe cấp cứu trong tình trạng run vì lạnh. Theo anh Tiến, nạn nhân đã sống sót kỳ diệu sau khi bị trôi dạt trên biển suốt 32 giờ.
Chị Lê Thị Diệp (26 tuổi, bạn gái anh Hùng) cho hay, hơn 19h ngày 13/10, anh rời nhà ở quận Sơn Trà và nói sẽ về lúc 23h.
Khoảng 20h30 cùng ngày, chị Diệp nhận được tin nhắn gửi hình ảnh vị trí mà anh Hùng đang ngồi câu cá. Đến khoảng 21h, chị gọi điện cho bạn trai nhưng mất liên lạc.
Đến 4h ngày hôm sau (14/10) vẫn không thấy người yêu về, chị Diệp đi tìm chỉ thấy xe máy anh Hùng trên bờ nên báo công an.
Đến 5h ngày 15/10 thì anh Hùng được phát hiện trôi dạt vào bờ biển Nguyễn Tất Thành và được cứu.
Theo chị Diệp, người dân tìm thấy khi anh Hùng nằm bất động, tím ngắt nên đắp chiếu cho anh vì nghĩ anh đã tử vong. Lúc đó, anh Hùng vẫn trong tư thế hai tay ôm chiếc ba lô trước ngực.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Hà Sơn Bình (Bệnh viện Đà Nẵng) cho biết, bệnh nhân kể lại khi bị ngã xuống biển, anh đã kêu cứu nhưng không được vì không gian biển quá rộng lớn. Khi bị nước cuốn, bệnh nhân đã cố bơi nhưng không đủ sức để vào bờ.
Bệnh nhân cũng rất may mắn vì nhờ vào phao cứu sinh là chiếc ba lô đựng dụng cụ câu cá. Khi ngã xuống biển, chiếc ba lô nổi trên mặt nước và anh bám vào được.
Bác sĩ Bình khuyến cáo, trong trường hợp tương tự, người dân khi phát hiện nạn nhân bất tỉnh cần xem xét kỹ hơn, đề phòng bỏ qua cơ hội sống của nạn nhân.
“Khi phát hiện, nạn nhân lạnh cứng và bị cát bám đầy nên mọi người nghĩ rằng đã tử vong. May mắn có người phát hiện nạn nhân cử động ngón tay út. Sau đó, những người đi biển đã kịp thời sơ cấp cứu tuần hoàn giúp tình trạng của bệnh nhân được cải thiện”, bác sĩ Bình chia sẻ.