Không phải lúc nào khiêm tốn, lịch sự cũng là tốt
Mỗi bậc cha mẹ đều mong muốn nuôi dạy con cái có giáo dưỡng, sợ bị người khác nói con mình “không có gia giáo”. Nhiều bố mẹ khi gặp người khác thường bắt ép con chào hỏi, khoe tài năng, nhường nhịn người khác. Khi được khen ngợi, họ lại vội nói: “Không có gì đâu, đừng khen quá, cháu lại kiêu đấy!”
Đây không chỉ là “tiết mục” thường gặp trong các buổi tụ họp gia đình mà còn là ký ức tuổi thơ không mấy vui vẻ của nhiều người. Thực tế, có 4 kiểu “lễ phép” thực ra có thể đang hủy hoại con bạn.
1. Quá mức nhường nhịn
Một cô bé 13 tuổi kể, em có một em gái rất bướng bỉnh và hay bắt nạt chị. Nhưng mỗi khi xảy ra tranh cãi, bố mẹ chỉ mắng người chị: “Con là chị, sao lại tính toán với em được!”.
Em gái nói dối, bố lập tức tin; em gái đánh người, bố vờ như không thấy. Dần dần, cảm giác ấm ức tích tụ trong lòng cô chị. Nhưng khi đứa con gái lớn giãi bày, người bố lại khuyên con phải nhường nhịn em vì đó là đức tính tốt.
Lúc này, cô bé không nhịn được, uất ức chất vấn: “Chịu thiệt là con, bị mắng oan cũng là con, bị coi thường vẫn là con, vì sao vậy chứ? Chỉ vì con lớn hơn em?”. Người cha sau đo vẫn không nhìn ra vấn đề!
Cha mẹ không nhận ra rằng khi cứ mãi bao che, không chỉ “anh chị” trong nhà bị tổn thương mà cả những “em út” được chiều chuộng cũng sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực. Những đứa em có thể ngày càng tự cao, cho rằng ai cũng phải nhường nhịn mình, dẫn đến việc anh chị xa lánh và bạn bè cùng trang lứa cũng không ai muốn chơi cùng.
Sau khi trưởng thành và bước vào xã hội, những đứa con út phải trải qua không ít khó khăn mới nhận ra rằng, ngoài cha mẹ ra, không ai muốn bao bọc mình vô điều kiện.
Nhường nhịn là phẩm chất tốt, nhưng việc nhường nhịn không nguyên tắc lại gây ra những hiểu lầm tai hại cho trẻ.
Việc anh chị em nhường nhịn nhau là tốt nhưng việc nhường nhịn nên xuất phát từ ý muốn của trẻ, không phải là sự áp đặt đạo đức từ người lớn. Câu nói “Anh em thuận hòa, kính trên nhường dưới” trong văn hóa truyền thống nhằm tạo nên sự tương tác lành mạnh trong gia đình. Nhưng một khi cha mẹ can thiệp quá đà, sự tương tác này có thể biến thành tổn thương.
2. Khiêm tốn thay con
Một người đàn ông kể, khi tình cờ thấy bức vẽ của đứa cháu, anh đã buột miệng khen: “Không ngờ, mới học cấp hai mà cháu đã vẽ đẹp thế này!”. Nghe được lời khen, cậu bé hào hứng định chia sẻ về bức tranh, nhưng chị họ lập tức cắt ngang: “Đừng khen nó, con trai chị nghe khen là kiêu ngạo ngay”. Nghe mẹ nói vậy, cậu bé như quả bóng xì hơi, buồn bã quay vào phòng.
Khiêm tốn là đức tính tốt, nhưng sự khiêm tốn mang tính lễ nghi mà không cân nhắc đến lòng tự trọng và tình huống thực tế lại là một gáo nước lạnh dội vào lòng tự tin mong manh của trẻ.
Trẻ không phức tạp như người lớn, thế giới của trẻ chỉ có đúng và sai, tốt và xấu. Khi trẻ nghe cha mẹ khiêm tốn thay mình, trẻ sẽ không thấy đó là giáo dưỡng, mà chỉ thấy mình không xứng đáng được khen.
Nhà tâm lý học William James từng nói: “Nhu cầu sâu thẳm nhất của con người là mong muốn được người khác tán thưởng và ngợi khen”. Đặc biệt là ở trẻ, khi trẻ chưa có khả năng tự đánh giá, phản hồi từ bên ngoài chính là cách duy nhất để trẻ nhận thức về bản thân.
Nhà văn Sanmao, trong cuốn Gửi Bạn Một Con Ngựa , từng kể về câu chuyện của chính mình. Từ nhỏ đến lớn, dù cô có xuất sắc thế nào trong các bài viết, cha cô cũng chưa bao giờ công nhận, thậm chí khi có người khen ngợi cũng chỉ nói: “Viết chẳng tốt, cần cố gắng thêm”.
Năm 1983, khi Sanmao đăng bài Mặt trời mọc vì ai trên báo United Daily News và nhận được nhiều lời khen ngợi, lần đầu tiên cha cô đã phá lệ khen ngợi cô trước mặt bạn bè.
Không ngờ, hành động nhỏ này của cha đã khiến Sanmao xúc động đến bật khóc. Cô nghẹn ngào nói: “Con đợi lời này của cha, cả đời”.
Hoá ra, trong khi cha mẹ chờ đợi con cái thành công, con cái lại đang chờ đợi một lời công nhận từ cha mẹ.
Nếu con bạn xứng đáng nhận một lời khen, thì đừng khiêm tốn thay con, hãy công nhận và ghi nhận một cách tự nhiên. Điều này không khó với cha mẹ, nhưng lại rất quý giá đối với trẻ.
3. Ép trẻ chào hỏi
“Chào cô chú đi con, không chào là mất lịch sự đấy”. “Không chào = không lễ phép” là quy tắc xã giao mà không ít cha mẹ tin tưởng.
Trong thang máy gặp hàng xóm, cha mẹ thúc giục trẻ: “Chào chú dì đi con”. Gặp người quen trên đường, cha mẹ vội đẩy trẻ về phía trước, nói: “Chào bà đi con, không chào là bất lịch sự”.
Những đứa trẻ nhút nhát có thể sẽ nép sau lưng cha mẹ, trong khi những đứa lớn hơn sẽ lẩm bẩm một tiếng chào một cách gượng ép. Thấy con lúng túng, cha mẹ không kiềm chế được, trách mắng: “Gặp người lớn mà không dám chào, sau này làm sao sống trong xã hội?”.
Đúng vậy, cha mẹ nào chẳng muốn con mình biết cách ứng xử như người lớn.
Nhưng thế giới này có người hướng ngoại, cũng có người hướng nội. Không phải tất cả trẻ đều giống nhau, không thể bắt một đứa trẻ nhút nhát thành người sôi nổi, cũng như không thể ép một đứa sôi nổi phải im lặng.
Trong cuốn Năng lực cạnh tranh của tính cách hướng nội , có một nghiên cứu cho biết: Dù là nam hay nữ, từ một phần ba đến một nửa dân số trên toàn cầu đều có xu hướng hướng nội.
Tác giả Susan Cain giải thích thêm rằng: “Trong cuộc sống, người hướng ngoại thường được xem là hình mẫu học tập, nhưng người hướng nội cũng có thể rất tuyệt vời”.
Không phải đang nói rằng trẻ hướng nội không nên chào hỏi người khác. Điều đáng nói là khi cha mẹ dạy trẻ chào hỏi, hãy cân nhắc đến tính cách của trẻ, sử dụng phương pháp hướng dẫn phù hợp.
Ví dụ, khi con quá nhút nhát, bạn có thể dẫn dắt trẻ chào hỏi cùng mình: “Con, đây là bà hàng xóm, chúng ta cùng chào bà nhé”. Có thể ban đầu trẻ sẽ ngượng ngùng, nhưng cha mẹ hãy kiên nhẫn, hãy tự nhủ: “Hãy để con từ từ thích nghi, tin rằng con sẽ làm tốt”.
4. Cố ép trẻ phải tha thứ
Nhiều bà mẹ thường nghe con kể lể: “Hôm nay con cãi nhau với bạn A vì bạn ấy làm hỏng đồng hồ điện thoại của con”; “Bạn trong lớp nói xấu con, con tức quá ném tập vào mặt bạn ấy!”; “Mẹ ơi, con không muốn đi học, bạn trong lớp lúc nào cũng giành đồ chơi của con”.
Hóa ra, thế giới của trẻ cũng chẳng yên bình, đầy những tranh cãi và mâu thuẫn.
Vậy cha mẹ sẽ làm gì khi đó? Có lẽ nhiều phụ huynh sẽ chọn cách dĩ hòa vi quý, an ủi trẻ: “Chuyện nhỏ mà con, không cần chấp nhất làm gì”. Có người còn dặn dò trẻ: “Nhớ nói không sao, đừng làm mọi chuyện rối lên, phải biết hòa đồng với các bạn”.
Chúng ta lo con không hợp tác, bị cô lập, luôn muốn con sống hòa thuận, nhẫn nhịn. Nhưng những chuyện chúng ta xem là “nhỏ nhặt” có thể là “chuyện lớn” với trẻ.
Nếu giờ đây bạn dạy trẻ từ bỏ việc bảo vệ bản thân, thì khi bước vào xã hội, trẻ có phải cũng sẽ dễ dàng nhường nhịn khi đối mặt với lợi ích cá nhân không?
Bạn sẽ nghi ngờ rằng, vậy có phải nên khuyến khích trẻ đánh nhau, tranh giành? Nếu không, mọi chuyện sẽ tồi tệ hơn.
Thực ra, chỉ cần dạy trẻ biết cân nhắc hai mối quan hệ: “Quan hệ với chính mình” và “Quan hệ với người khác”, nhiều vấn đề sẽ được giải quyết dễ dàng.
– Quan hệ với chính mình: Hãy dạy trẻ biết cách nói không, khuyến khích trẻ mạnh dạn từ chối. Nói với trẻ rằng từ chối là một điều bình thường.
Trong quá trình lớn lên, trẻ sẽ luôn gặp phải những tình huống khó xử và bối rối, nên hãy giúp trẻ nhận ra bản thân muốn gì, không muốn gì; Chỉ khi trẻ hiểu rõ bản thân, trẻ sẽ biết điều gì nên chấp nhận, điều gì nên từ chối.
– Quan hệ với người khác: Dạy trẻ biết cách tìm sự giúp đỡ, chẳng hạn từ thầy cô, bạn bè.
Khi trẻ không tự giải quyết được vấn đề, hãy chỉ cho trẻ biết cách nhờ đến sự giúp đỡ từ bên ngoài để bảo vệ bản thân.
Mỗi trẻ đều có thế giới riêng, rồi cũng sẽ đến lúc bước ra khỏi ngôi nhà. Có những lúc, cha mẹ không thể can thiệp vào mọi vấn đề của trẻ, lúc đó hãy giúp trẻ biết cách tìm kiếm sự hỗ trợ.
Cuối cùng, hãy rõ ràng nói với con rằng: được mọi người yêu quý thì tốt, nhưng đừng vì làm hài lòng người khác mà chịu thiệt thòi.
Trong tâm lý học, có khái niệm “người quan trọng”.
Với trẻ, cha mẹ chính là “người quan trọng” đầu tiên trong đời. Nói cách khác, cha mẹ đóng vai trò quan trọng trong sự trưởng thành của trẻ, sự hướng dẫn của cha mẹ sẽ ảnh hưởng đến tương lai của trẻ.
Chúng ta mong muốn con cái trưởng thành và có giáo dưỡng, nhưng mọi thứ đều cần có chừng mực, quá có giáo dưỡng sẽ dễ làm trẻ tổn thương.
- Đàn ông bất tài mở miệng là thích nói 4 câu sau: Câu đầu tiên nhiều như cơm bữa
- Thông tin mới vụ mặt đường cao tốc 11.000 tỷ vừa thông xe đã bong bật
- Toàn cảnh 2 bệnh viện nghìn tỷ sắp hoàn thành ở ngoại thành Hà Nội
- Loạn giá "nhà trong ngõ": Cùng một căn, môi giới báo chênh nửa tỷ đồng
- So với ‘Anh Yêu Em’, phụ nữ thích nghe 5 câu này hơn rất nhiều, nhất là câu số 3