Khu bể nước tự chảy không ai sử dụng nên nhanh chóng hư hỏng, bị viết vẽ bậy.Như nhiều hộ gia đình khác, ông Triệu Sinh Thành – Phó Trưởng thôn Lơ Bơ bỏ lại ngôi nhà trong khu tái định cư, tới sống ở nương rẫy cách đó chừng 3 km. “Tôi sống ở nương rẫy quen rồi, đất đai rộng rãi có thể nuôi thêm con gà, con heo, chứ ở khu tái định cư không nuôi được. Ở làng cũ đất đai màu mỡ còn trồng được cây cà phê, gia đình cũng tiện trông nom, phơi phóng, bảo quản còn khu tái định cư thì bất tiện lắm” – ông Thành giãi bày.Theo ông Thành, khu tái định cư có 43 hộ song hiện chỉ có khoảng 10 hộ sinh sống. Một số hộ đi cạo nhựa thông ở xa, 1 năm chỉ về đôi lần vào dịp Tết, còn hầu hết đã quay về làng cũ.Trong khi đó, anh Đặng Thắng Hoa cho biết anh mới từ tỉnh Bắc Kạn vào ở huyện Kông Chro không lâu. Chưa có đất đai, nhà cửa nên anh mới xin ở nhờ trong khu tái định cư. “Chủ nhà ở trong làng cũ chứ không ở nhà tái định cư nên giờ chỉ có mình tôi. Họ cho ở miễn phí, chủ yếu để nhà có người trông nom. Gọi là khu tái định cư nhưng ở đây buồn lắm” – anh Hoa chia sẻ.Ông Đinh Xuân Hưởng – Phó Chủ tịch UBND xã Chư Kêy cho rằng khu tái định cư trông vắng vẻ vì đang vào mùa vụ, người dân phần lớn ở lại nơi sản xuất để thu hoạch. Thêm nữa, năm 2022, UBND huyện phân bổ kinh phí cho UBND xã làm 2,6 km đường bê tông nối từ làng Lơ Bơ vào khu sản xuất của làng Dao cũ. Việc đi lại thuận lợi nên nhiều hộ thường xuyên ở làng cũ hơn.Ông Huỳnh Ngọc Ẩn – Phó Chủ tịch UBND huyện Kông Chro, cho biết dự án khu tái định cư vào thời điểm năm 2018 là cấp thiết, có ý nghĩa rất lớn. Dự án không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho công tác giáo dục, y tế, an ninh trật tự mà còn giúp đảm bảo công tác quy hoạch đất đai và bảo vệ môi trường rừng. “Khu vực làng cũ vốn là đất lâm nghiệp không nằm trong khu quy hoạch dân cư nên không thể xây dựng điện, đường, các công trình công cộng. Chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con về sống ổn định ở làng tái định cư” – ông Huỳnh Ngọc Ẩn chia sẻ.