Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
133 lượt xem

Bạn đã bao giờ xin lỗi con chưa? Làm cha mẹ đôi lúc giống như một cuộc hành trình “ngoài tầm kiểm soát”.

Chúng ta không có sách cẩm nang hướng dẫn toàn tập, không biết làm thế nào thì mới thật sự là đúng.

Mỗi đứa trẻ lại khác nhau, mỗi đứa lại có những rắc rối và vấn đề riêng mà chẳng có cuốn cẩm nang nào giải thích đủ cả. Chúng có thể ăn vạ hàng trăm lần vì hàng trăm lí do khác nhau, chúng có thể đùng đùng nổi giận mà chúng ta chẳng hiểu vì sao cả… Chúng ta chỉ có thể căn cứ trên những lí thuyết chung – và tình yêu, bản năng để hành động. Chính vì thế, đôi khi, chúng ta làm cha mẹ như kiểu đang bơi giữa biển và hi vọng những điều chúng ta đang làm là đúng đắn.

Đến những bậc cha mẹ đọc nhiều sách nhất, có vẻ am hiểu về con trẻ nhất cũng có lúc vò đầu bứt tai không hiểu vì sao. Có những bậc cha mẹ đôi khi cảm thấy như tất cả những cách thức mà các sách đề cập đến đều không hiệu quả với con mình. Và vì thế, thi thoảng, chúng ta làm những việc khiến chúng ta ân hận.

Nhưng đừng chìm đắm trong cảm giác tội lỗi, tất cả mọi người đều có thể mắc sai lầm, kể cả những bậc cha mẹ thành công nhất, long lanh nhất, hoàn hảo nhất trên Facebook. Vấn đề là họ có bao giờ dám nói ra sai lầm của mình không mà thôi. Như chị Thu Hà đã từng thừa nhận: “Tôi chỉ là một bà mẹ từng mắc rất nhiều sai lầm”. Có rất nhiều cha mẹ khác lại thường hét lên với con, ra lệnh cho con như “Đi giày ngay”, “Ăn nhanh lên”…. Có những người đã một hai lần phát vào mông con vì quá tức giận và bất lực.

Những đứa trẻ học hỏi thông qua quan sát. Chúng học bằng cách bắt chước những gì chúng thấy xung quanh chúng. Làm sao chúng ta có thể hi vọng chúng không la hét vào mặt người khác nếu chúng thấy chúng ta la hét vào mặt chúng bất kì khi nào chúng ta bực mình?

Chính vì thế, chúng ta cần phải điều chỉnh. Nếu quá khó để có thể kiểm soát bản thân mình không bao giờ hét lên với con, không bao giờ phạm sai lầm khi nuôi dạy con thì hãy xin lỗi trẻ khi bạn nhận ra mình đã sai, dù lúc đó đã muộn màng đến thế nào, dù lúc đó con là một đứa trẻ sơ sinh hay đã là một người trưởng thành.

Tất cả chúng ta đều mắc sai lầm. TẤT CẢ CHÚNG TA. Kể cả những bà mẹ đã viết rất nhiều bài viết về chăm sóc, nuôi dạy con mà các bạn cảm thấy rất đúng đắn cũng đã từng phạm sai lầm.

Trẻ cần hiểu rằng bố mẹ chúng không phải là những người hoàn hảo, chúng ta có thể thất bại nhưng chúng ta luôn cố gắng. Chúng ta vẫn không ngừng đọc những bài viết trên Facebook của các bà mẹ khác, chúng ta vẫn không ngừng đọc sách, không ngừng tìm kiếm thông tin…để có thể nuôi dạy con tốt hơn.

Bạn không cần phải tỏ ra quá hối hận. Bạn chỉ cần ôm con vào lòng và nói: “Mẹ xin lỗi. Mẹ không định làm con hoảng sợ. Mẹ chỉ muốn con nhanh lên vì chúng ta muộn mất rồi. Mẹ không nên hét lên như thế”.

Khi chúng ta xin lỗi trẻ, trẻ sẽ hiểu một điều đơn giản rằng chúng ta không thể luôn luôn làm đúng, việc thi thoảng phạm sai lầm là bình thường. Nhưng chúng ta phải xin lỗi và khắc phục hậu quả, dám nhận trách nhiệm về phía mình. Cho dù là bố mẹ, cho dù là sếp, cho dù là lãnh đạo… Chúng ta là con người, chúng ta đều có thể thi thoảng mắc sai lầm nhưng người thành công là những người dám nhân lỗi. Và chúng ta hi vọng sau này trong cuộc đời, chúng cũng sẽ sẵn sàng đứng ra nhận lỗi khi mắc sai lầm và sửa đổi, không bao giờ né tránh trách nhiệm.

Nhưng liệu việc chúng ta xin lỗi trẻ có khiến chúng ta mất uy với trẻ, khiến chúng không nghe lời chúng ta không? Câu trả lời là ngược lại. Khi trẻ hiểu bố mẹ cũng có lúc sai lầm, trẻ sẽ cảm thấy bố mẹ gần gũi hơn, thông cảm với bố mẹ hơn và có thể cảm giác tức giận lúc bị bố mẹ la mắng sẽ không còn. Nếu trẻ làm theo lời bạn đơn giản chỉ vì sợ mà không cảm thấy thuyết phục, sau này khi không có bạn ở bên, không sợ bị trừng phạt, trẻ có thể sẽ làm ngược lại.

Những bậc cha mẹ thành công nhất không phải những người không bao giờ phạm sai lầm mà là những người không bao giờ ngừng học hỏi và cố gắng. Nuôi dạy con là một con đường dài và rất khó, đừng chìm đắm trong những hối hận, hãy ôm con vào lòng, nói xin lỗi con và tiếp tục học hỏi, sửa đổi.

Bài viết cùng chủ đề: