Gỗ của loài cây báu vật này cực kỳ thơm, chống được mối mọt, cong vênh.
Chúng ta đang nói đến cây thủy tùng – loài cây được mệnh danh là “báu vật của rừng” vì độ quý hiếm cùng chất lượng gỗ cực kỳ vượt trội của nó.
Cây thủy tùng có tên khoa học là Glyptostrobus pensilis. Loài cây này có nhiều tên gọi khác nhau như thông nước, bách đầm lầy Trung Quốc. Thủy tùng thuộc họ Hoàng đàn, chi Glyptostrobus, kiểu cây lá kim. Đây là một loài cây hùng vĩ và quý hiếm, có thể cao tới 30 mét với đường kính thân cây lên tới 1 mét.
Nhờ những đặc tính vượt trội như thớ gỗ mịn, có mùi thơm dễ chịu, không bị cong vênh, chịu được mối mọt, càng ngâm dưới nước vân gỗ càng sắc nét và sáng bóng… nên thủy tùng trước đây bị săn lùng quá mức dẫn đến nguy cơ biến mất hoàn toàn trong tự nhiên.
Thủy tùng chỉ còn mọc ở 3 quốc gia, bên bờ vực tuyệt chủng hoàn toàn
Cây thủy tùng hiện đang bên bờ vực tuyệt chủng hoàn toàn trong tự nhiên. Theo tài liệu của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN), cây thủy tùng chỉ còn được phát hiện tại 3 quốc gia là Việt Nam, Lào và Trung Quốc. Loài cây này gần như tuyệt chủng do bị chặt phá quá nhiều.
Hiện, Sách Đỏ của IUCN xếp thủy tùng vào loại Cực kỳ nguy cấp theo tiêu chí C – Có khả năng tuyệt chủng trong tự nhiên trong tương lai gần. Do đó, ‘báu vật’ này được bảo vệ rất nghiêm ngặt tới mức nhiều người ví rằng có cả ‘núi tiền’ cũng không mua được thủy tùng.
Ở Việt Nam, thủy tùng chỉ mọc duy nhất tại tỉnh Đắk Lắk, trong Khu bảo tồn cây thủy tùng tại xã Ea Rah, huyện Ea H’leo với số lượng chưa đến 200 cây thủy tùng nguyên sinh. Tại khu bảo tồn này, có cây thủy tùng có tuổi đời 700 năm, số khác hơn 100 năm tuổi. Đối với Việt Nam, những cây thủy tùng này là báu vật vô giá, được bảo vệ cực kỳ nghiêm ngặt.
Ở Lào, thủy tùng lần đầu tiên được các nhân viên lâm nghiệp Việt Nam phát hiện và báo cáo vào đầu những năm 1990 khi họ tham gia khai thác gỗ trên Cao nguyên Nakai trước khi xây dựng nhà máy thủy điện. Năm 2006, một nhóm các nhà sinh thái học khảo sát các địa điểm đất ngập nước tiềm năng đã ghi nhận được quần thể đầu tiên gồm 200–300 cây. Kể từ đó, một số quần thể nhỏ hơn với 10–40 cây đã được tìm thấy trên cao nguyên này.
Ở Trung Quốc, thủy tùng được trồng rộng rãi, đặc biệt là ở các tỉnh phía đông nam nước này. Các ghi chép lịch sử cho thấy rằng, thủy tùng có ý nghĩa phong thủy rất lớn nên được trồng rộng rãi để làm quà biếu khi cây còn non.
Về môi trường sống, ở cả Việt Nam và Lào, thủy tùng chỉ mọc ở các khu vực ngập nước theo mùa trong các khu rừng thường xanh (evergreen forest), dọc theo các dòng nước nhỏ và xung quanh các rìa đầm lầy trên các cao nguyên có độ cao trung bình (500–700 mét so với mực nước biển). Ở Trung Quốc, loài này chủ yếu là loài ở vùng đất thấp được tìm thấy trên các đồng bằng ngập lụt ven sông và ở các đồng bằng châu thổ.
Thủy tùng – Báu vật của thời gian, xuất hiện từ kỷ Đệ Tam
Thủy tùng Glyptostrobus pensilis là loài cây di tích điển hình của kỷ Đệ Tam (Tertiary). Trước đây, cây phân bố rộng rãi ở các khu vực rộng lớn của Bắc bán cầu, bao gồm cả vùng Bắc Cực cao, nơi nó hình thành các khu rừng nhiệt đới và cận nhiệt đới.
Đến trước và trong Kỷ Băng hà, loài này đã dần bị thu hẹp phạm vi phân bố. Vào những năm của kỷ nguyên của chúng ta, các quần thể di tích nhỏ lẻ tẻ của thủy tùng đã sống sót ở các vùng đất thấp và vùng đầm lầy ẩm ướt trên đồi ở miền đông nam Trung Quốc, miền trung Việt Nam và đông Lào.
Dần dần, loài này đã biến mất ở hầu hết các nơi trú ẩn tự nhiên trong những thế kỷ trước do nạn phá rừng do con người gây ra, săn tìm gỗ quý, tình trạng thoát nước, cải tạo đất và chuyển đổi cảnh quan nông nghiệp.
Riêng tại Trung Quốc và Việt Nam, mất môi trường sống do canh tác thâm canh là nguyên nhân chính gây ra sự suy giảm quần thể thủy tùng. Các quần thể phụ ở Việt Nam nằm trong các đồn điền cà phê, do mực nước ngầm đã bị thay đổi nên cây không còn tạo ra hạt giống màu mỡ nữa.
Tại Lào, các quần thể thủy tùng đều bị ảnh hưởng ở các mức độ khác nhau do hoạt động khai thác gỗ, xây dựng ao cá và khai hoang để trồng cây lương thực.