Mỗi năm, đến vụ thu hoạch vú sữa, gia đình ông Lý Văn Truyền luôn ung dung vì không lo đầu ra. Bốn năm gắn bó với cây vú sữa lò rèn, tuyệt chiêu của ông Truyền là điều chỉnh vú sữa chín muộn.

Những trái cú sữa to, căng mọng không lo dội chợ, luôn được thương lái đặt cọc trước rồi thu mua tại vườn, mỗi vụ gia đình ông Truyền thu lãi gần trăm triệu đồng.

Ông Lý Văn Truyền (ấp Long An A, thị trấn Cái Tắc, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang)  bắt đầu trồng 0,2 ha vú sữa Lò Rèn từ năm 2017 trên đất vườn nhà, sau 4 năm chăm sóc thì vườn vú sữa của ông đã cho thu hoạch. Đến nay vườn vú sữa đã mang lại cho gia đình nguồn thu nhập ổn định.

Theo ông Truyền, với 50 gốc vú sữa của gia đình ông năm nay cho thu hoạch vào đầu tháng 2 dương lịch (muộn hơn chính vụ gần 1 tháng).

Mỗi đợt thu hoạch khoảng 600 – 700 kg trái vú sữa Lò Rèn với giá thu mua tại vườn 17.000 đồng/kg. Hiện tại do thời điểm này đa số các vườn vú sữa khác đã thu hoạch hết nên nguồn cung giảm nên giá vú sữa sẽ còn tăng vào các lần thu hoạch sau.

Ông Truyền chia sẻ: Trước khi trồng cây vú sữa Lò Rèn giống, cần xử lý đất bằng vôi bột trong khoảng nửa tháng, sau đó bón lót phân hữu cơ để cung cấp chất dinh dưỡng cho cây phát triển. Khi bón phân đạm, lân, kali cho cây vú sữa nên tưới liên tục trong giai đoạn đầu để phân thấm đều vào gốc cây, hạn chế thất thoát.

Sau mỗi vụ thu hoạch quả, cây vú sữa cần phải cắt tỉa bớt nhánh, xử lý đúng kỹ thuật để giúp cây phát tán đều, nhận đủ ánh sáng để mùa sau trái sai, to và có chất lượng hơn. Bên cạnh đó, chú ý phun thuốc để ngừa ruồi và sâu đục trái, đây là 2 loại sâu gây hại nặng nhất đối với trái vú sữa.

Vú sữa nói chung và vú sữa lò rèn nói riêng là loại trái cây đặc trưng của vùng đất Nam bộ. Khi thưởng thức hương vị ngọt ngào của dòng sữa trắng đục tiết ra từ bầu trái căng tròn chín mọng.

Đến nay, vú sữa lò rèn là loại trái cây “độc quyền” và chỉ có duy nhất ở Việt Nam, được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học – công nghệ) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa vào năm 2005. Loại trái cây này cũng được nhân rộng ra các tỉnh thành trong cả nước để tạo sinh kế cho người dân vươn lên làm giàu.

Mô hình trồng vú sữa lò rèn của ông Truyền được đánh giá là một trong những mô hình kinh tế nông nghiệp hiệu quả trên địa bàn thị trấn Cái Tắc và là nơi để bà con nông dân xung quanh đến tham quan, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình canh tác. Nhờ bí quyết chăm sóc trái vú sữa to, căng mọng và chín muộn nên luôn được mùa, được giá đem lại lợi nhuận cao cho nhà vườn.