Gần 50 năm sau ngày bỏ lại đứa con trai mồ côi cha cho mẹ già và chị gái chăm sóc giúp, khi người chị gái mất chưa lâu, thì người đàn bà ấy đã đâm đơn khởi kiện đòi chia thừa kế phần di sản của người chị ruột.
Đau lòng hơn, khối di sản đó hiện do chính người con trai mồ côi bị bà ta “bỏ rơi” năm xưa quản lý để dùng vào việc thờ cúng những người đã cưu mang nó.
Câu chuyện 50 năm trước…
Bà Nguyễn Thị Gái (80 tuổi, nguyên đơn của vụ án) sinh ra anh Huỳnh Văn Tâm (52 tuổi, bị đơn trong vụ án) với người chồng đầu tiên. Năm 1965, Tâm lên 2 tuổi thì người chồng hy sinh, bà Gái đã gửi con cho mẹ đẻ chăm sóc để “đi bước nữa”.
Mải vui duyên mới, bận rộn chăm lo tổ ấm riêng nên bà Gái ít quan tâm đến đứa con côi cút, cả về tình cảm lẫn vật chất, phó mặc cho mẹ già và người chị gái là bà Nguyễn Thị Phúc khi đó vẫn chưa xây dựng gia đình.
Anh Tâm lớn lên trong tình yêu thương và sự chăm sóc chu đáo, tận tình của bà ngoại và người bác ruột nên thực sự tuổi thơ của anh không hề có mặc cảm thân phận của đứa trẻ mồ côi bị mẹ bỏ lại bên lề cuộc đời. Trong đôi mắt trong veo của Tâm, bà Phúc chính là người mẹ ruột. Ban ngày bà Phúc đi làm ruộng thì Tâm tha thẩn chơi trong cái thúng để dưới bóng mát đầu bờ, đêm đêm trọn giấc bình yên trong vòng tay bà Phúc.
Có lẽ ban đầu khi nhận nuôi đứa con côi cút giúp người em gái, bà Phúc cũng không ngờ cuộc đời mình lại gắn bó trọn vẹn với đứa trẻ này, đến nỗi lỡ dở cả tuổi thanh xuân. Bù lại, Tâm lớn lên khoẻ mạnh, thông minh và hiếu thảo. 13 tuổi Tâm đã ra dáng thằng con trai lớn trong nhà, đỡ đần bà ngoại và “mẹ Phúc” những việc lớn như đào ao, vượt thổ, lợp lại mái nhà bị dột, dựng chuồng bò…
Năm 19 tuổi, Tâm chiều theo ý bà Phúc cưới vợ để nhà có thêm người làm, để bà ngoại sớm có cháu bồng. Cưới xong vợ chồng anh Tâm “sản xuất” một đàn con đông đúc, 4 đứa trai gái đủ cả, đứa nào cũng bụ bẫm, kháu khỉnh khiến bà Phúc cứ quay như chong chóng vì “đánh vật” với việc chăm nuôi lũ trẻ. Ai nhìn thấy thế cũng khen bà Phúc tốt số, mát tay, con đàn cháu đống, trai thảo dâu hiền khiến bà Phúc vô cùng mãn nguyện.
Năm 1990, bà ngoại anh Tâm qua đời, bà Phúc cùng vợ chồng anh đứng ra lo ma chay tươm tất. Đến năm 1999, khu đất gia đình anh đang ở được xét cấp sổ đỏ cho hộ gia đình bà Nguyễn Thị Phúc, gồm 7 nhân khẩu theo hộ khẩu (bà Phúc, vợ chồng anh Tâm và 4 người con của anh Tâm). Sau này, để lo xin việc, học hành cho các con anh Tâm, bà Phúc đã ký giấy bán đi một lần diện tích đất vườn.
Sau này, vì anh Tâm là con duy nhất của cha anh là liệt sỹ nên vợ chồng anh phải chuyển đến quê nội ở để tiện việc thờ cúng liệt sĩ. Tuy vậy, hai người con của anh Tâm vẫn ở lại ngôi nhà cũ để tiện chăm sóc, phụng dưỡng bà Phúc. Đến năm 2010, bà Phúc mất không để lại di chúc, vợ chồng anh Tâm đứng chủ tang lo mai táng và cúng giỗ.
Đạo nghĩa và lòng tham
Lại nói về người mẹ đẻ của anh Tâm. Sau khi bỏ lại con trai 3 tuổi cho mẹ già và chị gái nuôi dưỡng, bà Gái đi lấy chồng, sinh con đẻ cái cho người chồng mới nhưng gia cảnh khá bần hàn. Thêm vào đó, nỗi ẩn ức vì anh Tâm là con đẻ của mình lại gọi là Phúc là mẹ, hết lòng hiếu thảo với bà Phúc trong khi anh này lại dửng dưng với mẹ ruột khiến bà Gái sinh lòng thù tức. Một phần vì cuộc sống khó khăn, phần vì hiềm khích nên sau khi chị gái mất chưa lâu, bà Gái kiện con trai ruột ra toà đòi chia thừa kế mảnh đất mà bà cho rằng do mẹ đẻ và người chị ruột để lại.
Tại phiên toà sơ thẩm mới đây, mặc dù anh Tâm không đưa ra được chứng cứ pháp lý khẳng định mình là con nuôi bà Phúc để được hưởng di sản với tư cách người duy nhất thuộc hàng thừa kế thứ nhất nhưng dư luận lại hoàn toàn ủng hộ anh này.
Việc bà Phúc nuôi anh Tâm khôn lớn, hết lòng hết sức chăm sóc cho anh và gia đình anh, điều đó ai cũng biết. Tại phiên toà, nhiều người bức xúc phẫn nộ trước cách hành xử của nguyên đơn, đã bỏ mặc con đi mưu cầu hạnh phúc mới, phó mặc gánh nặng nuôi con cho chị ruột khiến người chị phải hy sinh cả tuổi thanh xuân, liệu còn mặt mũi nào quay về kiện con đẻ của mình vì mấy vuông đất mà người con đang dùng để thờ cúng những người cả đời hy sinh cho nó?
Tuy vậy, Toà án cấp sơ thẩm đã chấp nhận đơn khởi kiện, chia cho bà Gái một nửa diện tích đất, anh Tâm một nửa diện tích gọi là công quản lý di sản, công nuôi dưỡng, chăm sóc và mai táng phí, cúng giỗ… trong mấy chục năm qua; mỗi phần đất trị giá 200 triệu đồng. Cả hai bên đương sự đều tỏ ra không hài lòng và cho biết sẽ tiếp tục kháng cáo. Chẳng biết vụ kiện bao giờ mới kết thúc, nhưng có một điều đau lòng là sợi dây tình cảm mẹ con họ từ lâu vốn đã lỏng lẻo, sau phiên toà này thực sự đã không còn tồn tại…
(Tên các nhân vật đã thay đổi)
- Nên bán nhà hay vay tiền để mua đất đầu tư
- Chiêm ngưỡng ngôi làng cổ ở được ví như “bảo tàng sống về văn hóa Việt Nam"
- Thanh Hoá: Nuôi “cá tàu ngầm” xưa dùng tiến vua, giờ là đặc sản hiếm có giá tới 650.000 đồng/kg
- Mua đất cho em trai ở riêng, nhưng bố mẹ không chịu sang tên sổ đỏ cho vợ chồng tôi
- Cha mẹ phải rũ bỏ 4 điều này nếu muốn làm bạn cùng con