Trong một lần chở lươn cho khách từ miền Tây lên Sài Gòn, anh Đạo tò mò tìm hiểu rồi nghỉ hẳn nghề lái xe chuyển sang nuôi lươn…
Sau gần bốn năm nuôi lươn, anh Trần Quang Đạo (53 tuổi) ở phường 12, TP Vũng Tàu (Bà Rịa – Vũng Tàu) đã làm chủ được quy trinh nuôi lươn trong bể lót bạt, các đợt nuôi có tỷ lệ sống ổn định luôn ở mức trên 70%.
Cơ sở nuôi lươn trong bể bạt của anh Đạo nằm sâu trong con hẻm nhỏ, đường 2/9, thành phố Vũng Tàu. Vừa làm vệ sinh cho các bể nuôi lươn, anh vừa kể lúc này nuôi lươn đã thành một nghề làm kinh tế chính của gia đình.
Trước khi bắt tay vào đầu tư nuôi lươn, hầu như anh không biết gì về kỹ thuật nuôi lươn trong bể bạt. Làm nghề lái xe lâu năm nhưng cuộc sống vẫn hoài khó khăn. Tình cờ nhận chở một chuyến xe lươn thương phẩm từ miền Tây về Sài Gòn, qua trao đổi với chủ hàng, anh cảm thấy nghề nuôi lươn có vẻ phù hợp với bản thân, rồi anh lên mạng tìm hiểu kỹ thuật nuôi lươn trong bể bạt, tìm số điện thoại gọi nhờ tư vấn kỹ thuật từ các chủ trang trại cung cấp giống…
Đầu năm 2019, anh Đạo thống nhất với gia đình tạm gác nghề lái xe, xây dựng cơ sở nuôi lươn với 3 bể, mỗi bể có diện tích 6m2. Bước đầu vào nghề không dám mạo hiểm, anh chỉ đặt mua 3.000 con lươn giống (cỡ giống 500 con/kg), giá mỗi con 4.000 đồng về thả nuôi trong một bể. Vừa nuôi, anh vừa học hỏi, rút kinh nghiệm chăm sóc. Sau 2 tháng, đàn lươn phát triển tốt, anh phân cỡ và san ra nuôi ba bể. Thấy lươn lớn nhanh, không hao hụt, anh quyết định mở rộng số lượng bể nuôi.
Nhà ở thành phố, diện tích đất không có nhiều nên ngoài phần đất xây căn nhà, phần diện tích còn lại khoảng 120m2 anh thiết kế khung sắt, lót bạt chia thành 22 bể nuôi. Mỗi bể có diện tích từ 3 – 6m2, có mái che bằng tôn. “Bể nuôi làm bằng khung sắt lót bạt nên chi phí thấp hơn nhiều so với bể xây lót gạch men”, anh Đạo chia sẻ.
Về kinh nghiệm nuôi lươn, anh Đạo cho biết nguồn nước nuôi tại cơ sở sử dụng nước ngầm (có pH từ 7,2 – 7,5 ổn định quanh năm), bơm vào bể lọc (có đá, cát và đá nâng pH), chảy vào bể lắng, sau đó chuyển về các bể nuôi. Con giống thả nuôi được mua từ các tỉnh Vĩnh Long, Hậu Giang, rõ nguồn gốc, đúng cỡ, biết ăn thức ăn công nghiệp dạng viên.
Giai đoạn đầu, ngày cho lươn ăn 2 – 3 lần, thức ăn có độ đạm 45%. Khi lươn đạt cỡ 20 – 30 con/kg, ngày cho ăn 1 lần. Lúc này sử thức ăn có độ đạm 35%. Ngoài thức ăn, định kỳ sử dụng vitamin C, men tiêu hóa, các loại khoáng để tăng sức đề kháng và ổn định đường ruột cho lươn. Khi lươn sắp đến kỳ thu hoạch (khoảng 2 tháng cuối), sử dụng thức ăn viên của Lái Thiêu (Bình Dương) chuyên dùng cho cá trê vàng để tạo màu cho lươn.
Để lươn phát triển tốt và không xảy ra dịch bệnh, hàng ngày thay nước 2 lần. Một lần vào buổi sáng và một lần buổi chiều sau khi cho lươn ăn khoảng 1 giờ. Luôn giữ cho lươn ổn định nằm quần đàn trong giá thể. Khi lươn đạt trọng lượng 50 – 70 con/kg thì tiến hành phân cỡ, tách đàn, tránh lươn cắn nhau và cạnh tranh thức ăn.
“Thời gian này giá lươn đang thấp, khoảng 120.000đ/kg (trước đây giá lươn có lúc lên đến 160.000đ/kg), với giá này, sau khi trừ chi phí mua con giống, thức ăn và các chi phí khác, mỗi tấn lươn thu lãi khoảng 50 triệu đồng. Một năm cơ sở thu được khoảng 10 tấn lươn thương phẩm, lợi nhuận tương đương 500 triệu đồng. Nuôi lươn thương phẩm không phải lo đầu ra, chỉ cần lên mạng tham gia kết bạn với hội nuôi lươn. Khi có lươn đúng cỡ tiêu thụ, mình thông báo chia sẻ là có thương lái tìm hỏi đưa xe đến tận nơi tiêu thụ” anh Đạo chia sẻ thêm.
- Quận, huyện ở Hà Nội công bố tên phường, xã dự kiến sau sáp nhập
- Thực hư thông tin cô gái làm ở Samsung lây truyền HIV cho 16 người ở Thái Nguyên
- Tôi bị lừa khi mua nhà đất của “người quen” bằng giấy tờ viết tay
- 3 loại ‘”tài sản” nếu biết đầu tư đúng hương, cả đời bạn sẽ sống sung tức chẳng cần dựa vào ai
- 5 chung cư cũ ở quận Ba Đình trước đề xuất thành cao ốc 24 tầng