Đang có công việc ổn định tại một Đài truyền hình nhưng Nông Chí Khiêm quyết định từ bỏ tất cả đưa vợ con về quê trồng sim.

Anh Nông Chí Khiêm (Bắc Giang) bước chân vào nghề trồng sim đã được 6 năm. Vốn xuất phát điểm là cử nhân điện tử viễn thông, nên khi ra trường, anh xin vào một Đài truyền hình phụ trách kỹ thuật. Đến năm 2014, anh xin nghỉ việc để về quê trồng sim, khởi nghiệp.

Anh Khiêm chia sẻ “Năm 2014 công việc, sức khỏe của cả gia đình đều không thuận lợi, anh quyết định nghỉ việc tại một Đài truyền hình, đưa vợ con về quê. Học theo mẹ vợ mở xưởng thu mua lá tre xuất khẩu hay làm trang trại lợn, gà, bồ câu, thỏ… Nhưng làm gì cũng không thành công”.

Trong dịp Tết Thanh minh, anh về quê nội thấy có rất nhiều cây sim mọc dại trên bờ ruộng nhưng không ai đoái hoài. Trong khi lần anh đi Phú Quốc dạo trước, loài cây này được thu mua với giá 75.000 đồng/kg. Ngay hôm đó, anh tìm cách liên hệ với các nhà máy ở Phú Quốc và được họ xác nhận “bao nhiêu cũng mua”. Từ đây, con đường lập nghiệp của anh bắt đầu, đầy rõ ràng và quyết tâm.

Trước khi bắt đầu, anh tìm đọc nhiều tài liệu. Thông tin về quả sim ít, nhưng quả việt quất tương tự như sim thì có nhiều sản phẩm đa dạng. Anh chia sẻ mình có nguồn cây, quả dồi dào lên các diễn đàn xuất nhập khẩu và hội dược liệu, không ngờ có hàng trăm số điện thoại gọi tới. Không chỉ quả sim, nhiều người hỏi mua rễ, lá, hoa. Yên tâm về đầu ra, chàng trai trẻ chính thức chọn cây sim để “đổi đời”.

Hè 2016, Khiêm vận động anh em trong nhà vào rừng hái sim về bán. Năm đó, anh vừa xuất ra Phú Quốc, vừa bán lẻ được khoảng 35 tấn, giá trung bình 35.000 đồng mỗi kg.

“Những ngày đầu bắt tay vào làm sim quả thực là vô cùng vất vả. Vì chẳng có bất cứ một giáo trình, thông tin gì trên mạng về việc trồng sim. Hơn nữa, lấy sim giống ở đâu cũng là một vấn đề, vì không phải loại sim nào cũng cho chất lượng tốt. Nên tôi đành liều một phen là đào tất cả những gốc sim có ở mọi nơi về trồng, qua quá trình làm sẽ đúc rút ra kinh nghiệm” – anh kể.

Theo anh Khiêm, sim có rất nhiều loại nhưng loại mà bán được cho các nhà máy rượu thường phải là sim nếp. Dòng này có ưu điểm là quả to, thịt dày, có mùi thơm và không chát.

“Thời gian đầu, chúng tôi đi đào sim ở khắp nơi về trồng, ở Bắc Giang không đủ, vợ chồng tôi còn lên tận Lạng Sơn để tìm giống. Nhờ kiên trì trong suốt 2 năm, chúng tôi đã đào được hơn 1.300 gốc sim mang về ươm trồng”, anh cho hay.

Mùa đông, Khiêm và vợ đèo nhau vào rừng tìm những cây sim 2-3 năm tuổi về trồng. Dân bản thấy anh làm vậy, người cười, người coi thường, họ hàng cô bác thì xót xa cho đứa cháu học hành tốt nhất trong nhà nhưng vợ anh thì ủng hộ.

Hè 2017, vườn sim bắt đầu cho những trái đầu tiên. Loài cây này một khi đã sống thì không cần tác động gì thêm nữa.

Từ năm đó, Khiêm tổ chức thu hái quả một cách bài bản. Anh thuê khoảng 30 người dân các bản Nà Cải, Nà Tình, Tình Lùng (xã Chiến Thắng, Chi Lăng) vào rừng hái sim, thu được khoảng 50 tấn. Năm 2019, Khiêm đấu thầu 150 ha và mua thêm hơn 30 ha đất rừng, trên đó sim rừng bạt ngàn. Vụ này anh thu được hơn 100 tấn quả.

Mùa thu hoạch sim thường diễn ra từ rằm tháng 7 tới rằm tháng 8 hàng năm. Sau đó đến mùa mâm xôi (phúc bồn tử). Năm ngoái, Khiêm bắt đầu hái mâm xôi trong khu đất của mình, tổng cộng bán được 20 tấn quả. Nhờ hai mùa quả này và bán cây sim giống, vợ chồng anh thu được 4 tỷ đồng/năm.

Khi lượng quả bắt đầu ổn định, anh Khiêm bàn với vợ, là cần phải nhân giống, giữ lại những cây sim tốt. Thế là, 2 vợ chồng anh lại tự mò mẫm, nghiên cứu, thực hiện các phương pháp ươm hạt, nuôi cây.

“Thời gian để ươm trồng một cây sim con rơi vào khoảng 3 năm. Nhờ được nuôi trồng từ nhỏ, nên cây có bộ rễ tốt, không bị cọc, thoái hóa về sau này. Không những thế, nhà tôi còn có thêm một khoản thu lớn từ việc bán cây giống”, anh kể.

“Đến giờ, tôi nghĩ như mình vẫn nằm mơ, bởi 2 năm đi đào sim với vợ chồng tôi là một hành trình dài. Trên một chiếc xe máy cà tàng đã cũ, chở 2 chiếc sọt như những bà bán rau, nào cuốc, nào xẻng, nào bao bì cứ thế băng băng qua mọi nẻo đường ở Lạng Sơn. Thường thì tôi đảm nhiệm khâu đào gốc, còn bà xã thì phụ trách việc cắt lá, buộc cây. Mỗi chuyến đi như thế, chúng tôi mang cả trăm gốc sim về nhà. Sim sau khi được đào, không trồng ngay mà để nghỉ, giâm trước để tránh thui chột, làm tổn thương đến rễ”, anh nhớ lại.

Với vùng nguyên liệu dồi dào, Khiêm đang hợp tác với một cán bộ nông nghiệp, dự tính năm nay sẽ làm thêm các sản phẩm như tinh bột sim, mật sim, siro sim…