Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
87 lượt xem

Bỏ phố về quê: Cuộc hành trình không phải "ai đi cũng đến"

Dịch bệnh đang thúc đẩy sự gia tăng của xu hướng “bỏ phố về quê”.

Không chỉ riêng ở những thành phố đông dân luôn có nguy cơ dịch bệnh tăng cao mà còn diễn ra ở khắp nơi trên thế giới. Là một thành phố đông dân cư, hàng ngày phải đối mặt với ô nhiễm môi trường và dịch bệnh, nhiều người dân Hà Nội đã thực hiện cuộc “dịch chuyển” này, nhưng không phải ai cũng thành công.

Nông nghiệp không phải là con đường trải đầy hoa hồng.

Tất nhiên thành công nào cũng đổi bằng bao mồ hôi, thậm chí là nước mắt. Chị Ánh không nhớ nổi mình đã làm hỏng mất bao nhiêu hoa hồng khi thực hiện ướp trà. Nào là nghiên cứu xem hái hoa ở thời điểm nào thì hoa sẽ thơm trà sẽ đậm, phải sấy trong bao lâu, nhiệt độ nào là tốt nhất. Nhiều mẻ trà ra đời lúc thì cháy, lúc thì khô, lúc lại mốc. Cho đến bây giờ, những vất vả cực nhọc ấy cũng đã cho ra một thành quả khiến chị trân trọng.

Chia sẻ quan điểm riêng về ý tưởng bỏ phố về quê của nhiều người hiện nay, chị Ánh cho biết: “Ở đâu cũng thế, phố có cái khó của phố, quê có cái khó của quê. Khi bỏ phố về quê, các bạn phải xác định đó không phải là một cuộc chơi, không chỉ là việc trồng vài cây hoa, cây ăn quả, nuôi con gà, rồi cứ thế ung dung hưởng thụ. Bạn phải xác định rằng, mỗi một tấc đất đều phải thấm đủ mồ hôi, thậm chí cả nước mắt của bạn, thì đất mới lên xanh tốt, mới cho ra trái ngọt”.

Phải trả “học phí” đắt đỏ

Tuy nhiên, cuộc sống của những người thành công với nông thôn không phải chỉ toàn niềm vui, và thư thả. Nếu chỉ rời bỏ thành phố, ham về quê lập nghiệp chỉ vì muốn trốn chạy áp lực, nhiều người sẽ sớm phải “vỡ mộng”.

Chị Trần Thùy Trang (Hoài Đức, Hà Nội) sau một thời gian lăn lộn ở “phố”, cũng đã giữ một vị trí quan trọng trong một công ty kinh doanh tài chính. Áp lực khiến Thùy Trang cảm thấy mệt mỏi và chán nản, chỉ muốn có một nơi nào đó để “sống chậm”. Sẵn có đất quê của gia đình, chị quyết định rời phố về quê làm nông nghiệp. “Lúc về quê, tôi mang theo bao nhiêu nhiệt huyết. Mảnh vườn gia đình rộng 1ha, tôi hăng hái lên kế hoạch trồng rau, trồng cây ăn quả, trồng cả hoa cây cảnh. Thế nhưng, hết lần này đến lần khác tôi đều thất bại”.

Kể về cuộc hành trình “cày cuốc” của mình trên mảnh đất quê nhà, chị Trang cho biết, bắt đầu trồng một vườn nho bằng phương pháp công nghệ cao, với mong muốn có thể làm giàu bằng việc cho ra sản phẩm nho khô, nho xuất khẩu, nước nho… Nhưng khi bắt tay vào việc, từ việc nghiên cứu tìm giống, đến việc trồng thử nghiệm… đã chiếm của chị hết một số vốn hơn 100 triệu đồng cộng với một năm “không lương”, nhưng kết quả nho “chất lượng cao” của chị chỉ có thể bán được “giá chợ” chứ không như mong muốn. Đã thế, từ một cô gái sống nơi thành thị, ngày ngày mặc váy áo xúng xính đến công sở, rảnh thì vui chơi cùng bè bạn, dạo phố, làm những việc mình thích; giờ khi về quê, lúc nào cũng luộn thuộm với đôi ủng bết đất, đầu tóc rối bù. Còn nữa, đôi khi thèm ly cà phê cũng không có, huống chi là một không gian lãng mạn để cùng bạn bè tán gẫu.

Phải chấp nhận vất vả sớm hôm.

“Lúc đó, tôi thấy mình vất vả quá, lúc nào cũng lo canh vườn nho, chờ đợi cây lớn lên, lo sâu bệnh, lo úng nước, lo quả không ngọt,… đến nỗi chẳng còn thời gian để sống chậm như mình mong muốn. Vậy là mục đích đầu tiên khi bỏ phố về quê đã bất thành. Tiếp sau đó là việc “đâm lao theo lao”, số vốn bỏ ra thì nhiều mà thu về chẳng được bao nhiêu, khiến cho ước mơ làm giàu ngày càng xa vời. Sau hai năm lăn lộn chuyển đổi từ trồng nho sang trồng rau, từ trồng rau sang trồng hoa cây cảnh… đều ngốn một số vốn không ít, cuối cùng tôi đành phải chào thua. Một phần sự thất bại chính là tôi mong muốn được sống thanh thản, nhưng lại phải đầy đủ như phố. Chính vì thế, tôi không tập trung vào công việc nhà nông”, chị Trang cho biết.

Không “bỏ của chạy lấy người” như chị Thùy Trang, anh Trần Duy Anh (Gia Lâm, Hà Nội) đã phải mất đến 5 năm để “ổn định” cả tinh thần và kinh tế khi bỏ phố về quê.

Sau một thơi gian bươn trải ở Hà Nội, anh Duy Anh quyết định cầm theo một sấp bằng cấp để về quê trong sự phản đối kịch liệt của bạn bè, người thân. Kiên định với dự tính của bản thân, anh đi vay mượn bạn bè, anh chị em trong nhà được hơn 200 triệu để đầu tư trên mảnh đất quê rộng 500 mét mà bố mẹ cho từ trước đó. Anh bắt đầu kinh doanh trồng hoa cây cảnh. Chỉ có điều, bao nhiêu tính toán kỹ lưỡng của anh đều là “trên giấy” khi công việc này đòi hỏi sự tỉ mỉ và lâu dài, cộng với đó là phải có “đầu ra” và số vốn không hề nhỏ.

Ban đầu anh mua hạt giống về gieo trồng trên đất, rồi bứng ra các chậu với hy vọng sẽ bán được mấy trăm chậu hoa “trong nháy mắt”. Trước đó khi còn ở phố, anh thấy nhà nhà treo hoa, người người treo hoa cho nên nghĩ thị trường này sẽ “béo bở” lắm. Không ngờ, chật vật gieo giống trồng hoa, do không tìm hiểu kỹ về kỹ thuật, hoa chẳng ra mà lá thì xum xuê, khách không mua, hoa ế, cứ phải chăm, tưới, rồi hoa tàn, héo lại bỏ đi.

Cuộc sống leo lắt dần khi vốn cạn, hàng khó bán, anh phải “học lại từ đầu” cách chọn giống, phân bón, đất đai, cắt tỉa,… cho đến khi cho ra những loại hoa đẹp như ý. Sau đó là việc tìm “đầu ra” cho sản phẩm…

“Hiểu” được tiếng nói của cỏ cây.

Anh Trần Duy Anh chia sẻ: “Hai năm đầu tôi phải dành một góc vườn để trồng rau ăn, bởi thu nhập từ hoa chưa có, cuộc sống eo hẹp, vay mượn thì ngại, nên cứ leo lắt theo đuổi ước mơ của mình. Đôi lúc tôi muốn vứt bỏ tất cả để quay lại phố, làm anh xe ôm công nghệ cũng được, nhưng rồi cứ cố mãi. Một phần vì tôi muốn thành công, một phần vì chứng minh cho gia đình thấy sự lựa chọn của mình là đúng. Cuối cùng tôi cũng làm được nhưng cái giá phải trả là 5 năm lăn lộn vất vả. Thú thật, tôi còn không dám bày tỏ tình cảm với cô đồng nghiệp cũ, bởi… mặc cảm mình là anh nông dân, đã thế còn không nuôi nổi bản thân. Tôi đã bỏ lỡ mối tình của mình như thế, thật sự đó là điều rất đáng tiếc khi lựa chọn bỏ phố về quê”.

Theo anh Duy Anh, làm nông nghiệp sẽ không có nhiều thời gian để đi ăn, đi chơi, sẽ rất ít có cơ hội tiếp xúc với con gái khi kinh tế chưa dư dả. Vì thế, nếu ai muốn bỏ phố về quê thì đừng vì “cảm hứng” hoặc một chút áp lực mà làm liều, và quan trọng là phải hoạch định một cách nghiêm túc, nếu không sẽ thực sự “vỡ mộng”.

“Nông nghiệp là một cuộc chơi, càng chơi càng nghiện. Nếu bạn về vườn làm nông nghiệp để coi đó là công việc kiếm tiền thoát khỏi xô bồ của thành thị thì tốt nhất hãy trang bị đầy đủ kiến thức rồi hãy về. Muốn về quê làm trước hết phải suy nghĩ xem mình về làm gì, trong thời gian đó mình thu nhập từ đâu, mình nên trồng cây gì để đổi mới hay chăn nuôi con vật gì để lấy ngắn nuôi dài…”, Duy Anh chia sẻ thêm.

Chấp nhận quy luật của thất bại – thành công.

Cuộc sống nông thôn có đẹp như thơ?

Một điều dễ thấy rằng trong những video và hình ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội của những người bỏ phố về quê thành công, tất cả đều rất đẹp. Những chia sẻ trên mạng dễ khiến người ta mơ mộng về một cuộc sống nhàn tản, sáng thức dậy với tiếng chim hót véo von trước hiên nhà, trong căn vườn rộng ngập tràn hoa trái, đọc sách, chuyện trò; trưa ra vườn hái rau, câu cá, chiều đi dạo trong hoàng hôn lãng mạn, tối nhẹ nhàng chìm vào giấc ngủ thanh bình… Và rồi khi dịch Covid-19 đến khiến cho phố thị liên tục phải thực hiện những đợt giãn cách xã hội, nhiều người sôi sục ới ý tưởng được vứt bỏ hết công việc căng thẳng ở thành phố để về quê mình nuôi cá, thả gà, trồng rau. Nếu như cuộc sống ở nông thôn đẹp như vần thơ, thì còn đâu những thanh niên bỏ quê ra phố lăn lộn kiếm sống? vì sao họ vẫn chọn cuộc sống mưu sinh ở thành thị hơn là chọn làm nông?

Thạc sĩ nông nghiệp Phạm Văn Giảng cho biết, dịch bệnh Covid-19 đã phần nào làm tăng lên nhu cầu “bỏ phố về quê” của người dân Hà Nội trong hai năm gần đây. Tuy nhiên, đa số đều không suy tính, hoạch định kỹ càng kế hoạch lập nghiệp, sinh sống trong môi trường nông thôn, mà chỉ với tư tưởng “tránh dịch”, cần một nơi bình yên, thư giãn, tránh xa xô bồ phố thị. Chính vì vậy, ngoài số ít những người thành công, thì đa số đều rơi vào “bế tắc”.

“Bỏ phố về quê không phải là một ý tưởng tồi, nhưng thực hiện ý tưởng thế nào thì không phải là một cuộc dạo chơi, mà thực sự là một cuộc “khởi nghiệp”. Đã khởi nghiệp thì phải xác định “vạn sự khởi đầu nan””, ông Phạm Văn Giảng cho biết.

Kiên trì chờ đợi ngày ra hoa, kết trái.

Cũng theo ông, đã xác định làm nông, quan trọng nhất là có tiền hoặc có đất. Nếu có cả hai thì khả năng thành công sẽ cao hơn. Tiếp đó thì phải chấp nhận đến với thế giới của sự “thiếu thốn” bởi những thứ không có sẵn, không đầy đủ mà cuộc sống nông thôn mang lại và quên đi những thói quen “nhận ship tận cửa”, “dùng công nghệ cả ngày”, sẵn sàng bước vào cuộc chiến với cái cuốc ngoài đồng gần như suốt 8 tiếng một ngày. Nếu ai làm chăn nuôi thì chuẩn bị sẵn tâm thế thức cùng gia súc, gia cầm… Cần mẫn chăm chỉ từ 6 tháng đến 1 năm, may mắn, có thể có thu hoạch ban đầu. Nếu không cần mẫn, thì vẫn mãi ở vạch suất phát và số tiền chuẩn bị cho cuộc sống trước khi “khai hoa nở nhụy” sẽ cạn kiệt, tiệm cận với hoàn cảnh bế tắc, eo hẹp.

Vì vậy, để “bỏ phố về quê” thành công, trước tiên phải nhận biết trước những khó khăn phải đối mặt; phải chuẩn bị khối kiến thức khổng lồ về nông thôn, nông nghiệp để chọn phương pháp canh tác phù hợp, hiểu về đất đai, nguồn nước, không khí, thời tiết, sâu bệnh…; chuẩn bị một khoản tiền đủ để sống và thực hiện ước mơ lâu dài; phải tính toán chi li có kế hoạch để đầu tư có ích, hạn chế thâm hụt, tìm đầu ra cho sản phẩm.

Nhiều người cũng có ý định về quê không phải làm giầu mà chỉ để có cuộc sống tự cung tự cấp, thì phải am hiểu cuộc sống nông thôn và một số kỹ năng tự xử lý như lúc con ốm đau, ngã, bị côn trùng đốt… Và hơn hết, để sống vui vẻ, hạnh phúc ở nông thôn, cần nhất là phải có sức khỏe dẻo dai, cả thể chất lẫn tinh thần.

 

Bài viết cùng chủ đề: