Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
143 lượt xem

"Bỏ phố về quê làm nông dân sẽ thất bại"

‘Hăm hở mua một khu đất ở Củ Chi để làm nông, ôm mộng làm giàu, nhưng chỉ sau ba bữa cày cuốc, tôi đã bỏ của chạy lấy người’.

“Tôi sinh ra ở quê nhưng đi học đến lớn lại lập nghiệp ở TP HCM. Tôi cũng hay nhớ về quê nhà nên thích làm vườn, chăn nuôi này kia. Rồi tôi cũng hăm hở mua một khu đất ở Củ Chi lập nghiệp. Nhưng chỉ cày cuốc được ba bữa là tôi bỏ của chạy lấy người, bán đất không kịp. Vậy mới nói, từ suy nghĩ đến thực tế khác nhau rất xa. Giờ đây, tôi xác đinh tập trung đi làm chăm chỉ, kiếm tiền, khi nào có dư sẽ mua nhà cho thuê, rồi muốn tiêu gì cứ lấy tiền đó mà mua sắm cho nhanh gọn”.

Đó là chia sẻ của độc giả Thúy Hiền xung quanh câu chuyện “Trang trại ‘bỏ phố về quê’ 50.000 m2 khiến tôi stress”. Theo các chuyên gia, bỏ phố về quê là xu hướng tất yếu, cũng là đặc trưng quá trình phát triển đô thị. Dịch bệnh đang thúc đẩy sự gia tăng của xu hướng này. Xu hướng bỏ phố về quê mùa dịch diễn ra ở khắp trên thế giới, không chỉ riêng ở nước ta. Sự dịch chuyển này cũng mang tới nhiều cơ hội cùng thách thức mới. Tuy nhiên, không phải ai cũng trang bị đủ kiến thức, kinh nghiệm và khả năng để thực hiện hóa giấc mơ làm giàu từ nông nghiệp.

Nói về xu hướng bỏ phố về quê làm nông dân của nhiều người trẻ, bạn đọc Lê Lương Thùy Dung cho rằng: “Theo quan điểm cá nhân tôi, tư tưởng bỏ phố về quê không phải là về làm nông dân, lao động chân tay quần quật. Ví dụ, bạn có thể làm một ha trồng cà phê thì đầu ra của bạn phải là sản lượng của 10 ha. Bạn phải có chiến lược, kết hợp khéo léo giữa làm nông và kinh doanh, quan trọng là phải bán được sản phẩm với giá tốt nhất. Như vậy, mảng kinh doanh của bạn mới chiếm ưu thế hơn phần làm nông.

Nói theo cách khác, là người nông dân thế hệ mới, bạn cần hạn chế đến mức thấp nhất khả năng để bản thân rơi vào thế bị động, không bán được sản phẩm tươi thì phải bán khô, đông lạnh… Nếu không làm được như vậy thì tốt nhất bạn nên từ bỏ ý định về quê lập nghiệp hoặc nên rèn luyện lối sống tối giản để tránh trường hợp bị sốc khi môi trường không phù hợp”.

Đồng quan điểm, độc giả Cr7 cho biết: “Bỏ phố về quê để kinh doanh là một phương án tốt vì sự cạnh tranh sẽ ít hơn ở thành phố, trong khi nhu cầu hàng hóa ngày càng tăng. Ở quê bây giờ, người ta xài không thiếu thứ gì, nên nhu cầu hàng hóa cũng không nhỏ. Còn nếu bỏ phố về quê làm nông, muốn thành công, bạn phải là người có chí lớn, phải nhận lấy nhiều thất bại lớn mới mong thắng được. Nhiều người thất bại nhưng lại không chịu thay đổi, nâng cao kiến thức, chuyển đổi mô hình… nên nhanh chóng nản chí. Trong một xã hội, ra phố hay về quê cũng đều có tỷ lệ thành công chỉ khoảng 20-30% mà thôi”.

Cuộc sống của những người trẻ thành công với nông thôn không phải chỉ toàn niềm vui, và thư thả. Muốn giống họ, bạn cần một bản lĩnh và trí tuệ, một sự dũng cảm thực thụ để tự lên kế hoạch và “cày ải” dự án đời mình. Nếu chỉ rời bỏ thành phố, ham về quê lập nghiệp chỉ vì muốn trốn chạy áp lực, bạn sẽ sớm phải vỡ mộng.

Bạn đọc Tiến sỹ Gàn chia sẻ: “Trường hợp thành công khi về quê như Lý Tử Thất thực tế là nhờ rất nhiều người cùng nhau lên kế hoạch, vạch phương án kinh doanh rõ ràng. Lý Tử Thất cũng là đại diện cho một doanh nghiệp kinh doanh chứ không phải cá nhân. Muốn được như Lý Tử Thất, các bạn phải biết chọn người hợp tác, hùn vốn, xây dựng kế hoạch tỉ mỉ. Nhưng để làm được thế không phải dễ, nhiều người đã làm nhưng không cất cánh nổi.

Còn nếu về quê làm kinh tế hộ cá thể, làm trang trại, sẽ phải tùy thuộc vào mỗi vùng quê, con người mà chọn lựa cho phù hợp. Theo tôi, các bạn thích làm nông hãy chuẩn bị tinh thần, vốn liếng để trả học phí cho đôi ba lần thất bại. Số đông đều thế. Người ở quê từ đầu, muốn làm giàu cũng phải ngã sấp ngửa mãi mới đến lúc tìm ra công thức, bắt đúng cơ hội cho bản thân để gặt hái thành công. Trong đôi ba năm đầu, việc bạn hòa vốn hoặc tạm đủ để tái đầu tư cũng đã là thắng lợi rồi”.

Nói về câu chuyện thành công khi làm nông nghiệp, độc giả Dqmtrieu cho rằng: “Làm nông nghiệp mà không biết sử dụng máy móc, thuê nhân lực thì chắc chắn làm không xuể nếu diện tích canh tác lớn. Còn nếu diện tích đất nhỏ thì không thu được bao nhiêu tiền. Cách đây sáu tháng, gia đình tôi dọn tới mảnh vườn sát vườn, diện tích gần 2.000 m2, sát TP HCM. Lúc đầu, tôi không biết lượng sức, bày ra tự mình làm hết cả mảnh đất. Sau hai tháng, vì quá đuối nên tôi đành thu nhỏ lại. Bây giờ, dù chỉ còn gói gọn 400 m2, nhưng tôi vẫn còn thấy mệt. Làm nông, muốn khá giả, giàu có, bạn phải biết kết hợp công nông nghiệp, chứ làm theo kiểu ‘bán mặt cho đất, bán lưng cho trời’ thì chắc chắn không nổi”.

Bạn đọc Nguyen Xuan Quyet chốt lại: “Tôi đã đọc rất nhiều bài viết liên quan đến việc ‘bỏ phố về quê’ hay ‘bỏ quê lên phố’. Người cho rằng ‘bỏ quê lên phố là đúng’, người lại phản biện ‘bỏ phố về quê mới không sai’. Thực ra, các bạn phải hiểu rằng, đúng với người khác nhưng không có nghĩa là đúng với mình. Để hiểu bạn là người nên làm việc ở thành phố hay nên về quê để lập nghiệp, các bạn phải xác định được mình là ai, đang làm công việc gì, có thuận lợi và khó khăn ra sao…?

Tôi xin đưa ra ví dụ để các bạn tự xác định mình nên làm như thế nào? Nếu các bạn có kinh nghiệm, kiến thức, đang làm việc trong lĩnh vực sản xuất, chăn nuôi hay nông nghiệp thì có lẽ lựa chọn về quê lập nghiệp là hợp lý nhất. Bởi khi đó, những chi phí liên quan đến đất đai, nhân công ở quê sẽ rất thuận lợi cho bạn. Còn nếu các bạn đang làm trong lĩnh vực dịch vụ, buôn bán hoặc những công việc khác như công nghệ, kỹ thuật thì việc chọn lựa bỏ quê lên phố lập nghiệp mới là đúng đắn bà hợp lý hơn”.

Bài viết cùng chủ đề: