Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết dự thảo Luật PPP được đề xuất nhiều điểm mới đối với hợp đồng BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao).
Thông tin trên có tại tờ trình dự thảo lấy ý kiến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo đối tác công tư (PPP) và Luật Đấu thầu.
Lý do bổ sung BOT trên đường hiện hữu
Theo nghị quyết số 437 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành năm 2017, các dự án đường bộ đầu tư theo hợp đồng BOT chỉ áp dụng đối với các tuyến đường mới để bảo đảm quyền lựa chọn cho người dân, không đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường độc đạo hiện hữu.
Trên cơ sở đó, Luật PPP (có hiệu lực năm 2021) quy định không áp dụng loại hợp đồng thu phí trực tiếp từ người sử dụng (hợp đồng BOT) đối với dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng đường hiện hữu.
Đề xuất miễn phí qua BOT Phú Hữu cho xe rác, xe đưa rước…
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thực tiễn triển khai ở một số địa phương cho thấy nhiều tuyến đường trục chính, cửa ngõ, kết nối vùng cần mở rộng để góp phần phát triển kinh tế – xã hội.
Tuy nhiên, ngân sách địa phương không đảm bảo được nhu cầu huy động đầu tư mở rộng các tuyến đường này.
Trong khi đó, hiện nay nghị quyết số 98 đã cho phép TP.HCM áp dụng hợp đồng BOT đối với dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng đường bộ hiện hữu, phù hợp theo quy hoạch được phê duyệt đối với loại đường phố chính đô thị, đường trên cao.
Chính sách này cũng được quy định tại Luật Đường bộ năm 2024. Trong đó, cho phép áp dụng loại hợp đồng BOT đối với các dự án đường bộ cao tốc hiện hữu hoặc đường bộ đang khai thác được cải tạo, nâng cấp thành đường cao tốc nhưng phải bảo đảm quyền lựa chọn của người sử dụng.
Do vậy, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cần xem xét sửa đổi quy định tại khoản 4 điều 45 Luật PPP theo hướng cho phép áp dụng loại hợp đồng BOT đối với dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng với đường sẵn có, đang khai thác, trừ trường hợp đường hiện hữu là lựa chọn duy nhất của người dân.
Trong trường hợp dự án thực hiện tại công trình có tác động trực tiếp tới cộng đồng cư dân phải được đánh giá tác động, lấy ý kiến rộng rãi đối tượng bị tác động thông qua HĐND, UBND, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh nơi thực hiện dự án, hiệp hội nghề nghiệp liên quan đến lĩnh vực đầu tư trước khi phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư.
Hiện nay, một số dự án đang được chuẩn bị đầu tư nhằm tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội cho một số vùng miền còn khó khăn.
Các dự án này có nhu cầu vận tải giai đoạn đầu chưa cao nên cần có sự tham gia vốn nhà nước nhiều hơn để đảm bảo tính khả thi khi thu hút đầu tư theo phương thức PPP. Trong khi đó, một số dự án chỉ tính riêng chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư đã vượt quá 50% tổng mức đầu tư của dự án.