Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các ấn phẩm của blog, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "blog". (Ví dụ: thiệp tân linh mục blog). Tìm kiếm ngay
120 lượt xem

Cà Mau: Vợ chồng trẻ lãi 600 triệu đồng/năm nhờ bỏ phố về muối con ba khía đặc sản

Một cặp vợ chồng trẻ ở Cà Mau đã quyết định từ bỏ công việc ổn định nơi thành phố để gắn bó với con ba khía lem bùn. Nâng tầm sản phẩm ba khía muối trở thành sản vật được tiêu thụ khắp cả nước. Thành quả thu lại là nguồn lợi nhuận bình quân 600 triệu mỗi năm.

Từ bỏ phố xá xa hoa về với con ba khía lem bùn

Cặp vợ chồng dám từ bỏ phố xá sa hoa về với con ba khía lem bùn là anh Châu Ngọc Sang và chị Nguyễn Hồng Đạm (khóm 8, thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau). Anh Sang là cán bộ nông nghiệp ở huyện. Trong một lần về thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau công tác, anh biết đến nghề muối ba khía của bà con địa phương. Khi được thưởng thức con ba khía trứ danh, chàng cán bộ trẻ đã lóe lên ý tưởng khởi nghiệp.

Con ba khía (gần giống cua biển, nhưng kích cỡ nhỏ hơn) có ở nhiều địa phương, ngay tại tỉnh Cà Mau, cũng có nhiều huyện có ba khía. Tuy nhiên, ba khía Ngọc Hiển (tập trung chủ yếu ở thị trấn Rạch Gốc) mang hương vị đặc trưng, ít nơi nào sánh được. Chính bởi cái vị mặn riêng cộng với vị ngậy của gạch son, vị thịt ngọt béo không lẫn vào đâu của ba khía Rạch Gốc nên những ai sinh ra và lớn lên ở Rạch Gốc, hay có những năm tháng sống ở đất mũi Cà Mau…, nay phải xa xứ, hễ nhắc đến ba khía muối lại cảm thấy cồn cào nỗi nhớ quê, nhớ vị mặn mòi không dễ phai nhạt dù xa xôi, cách trở.

Theo chị Đạm, con ba khía Rạch Gốc từ lâu đã nổi danh cả nước về độ ngon. Do nguồn nước, phù sa, đặc biệt là thức ăn từ cây mắm, cây đước giúp con ba khía ở xứ sở này luôn trội hơn hẳn, thịt chắc, lớp gạch vàng ươm, béo ngậy, khác biệt hẳn so với ba khía Cái Nước, Đầm Dơi…

Sau khi có chỗ ở ổn định và mở vựa ba khía Châu Sang, hai vợ chồng bắt tay vào thu mua ba khía của người dân rồi chế biến thành ba khía muối và ba khía trộn. Ba khía còn sống được rửa sạch, giữ không để bị gẫy chân, càng, ướp đá để ba khía tê liệt. Muối và nước được pha đến khi không thể khuấy tan được nữa mới bỏ ba khía vào ngâm. Thời gian muối từ 5 đến 7 ngày thì dùng được.

Ba khía muối có thể được dùng trực tiếp nhưng ngon nhất cần trộn thêm các gia vị khác như đường, chanh, tỏi, ớt… Tuy là sản vật trời ban nhưng không phải lúc nào ba khía cũng có, chúng sinh sôi nhộn nhịp nhất vào tháng hội (tháng sáu đến tháng mười âm lịch), vì khoảng thời gian này trời hay mưa và trái mắm cũng bắt đầu rụng nên ba khía có nguồn thức ăn dồi dào.

Đặc sản ba khía muối mang tầm di sản Quốc gia

Như mọi ngày, vợ chồng anh Châu Ngọc Sang và chị Nguyễn Hồng Đạm (khóm 8, thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) lại hối hả, người cân, người tính tiền cho các cô, các chị mang ba khía qua bán.Sau khi thu mua ba khía, vợ chồng anh Sang, chị Đạm cùng những người giúp việc khẩn trương phân loại, xịt nước rửa ba khía thật sạch, ngâm muối trong vài giờ cho ba khía, sau đó thì cho vào lọ và đổ nước muối đã pha theo tỉ lệ định sẵn… Quy trình thoạt nghe thật đơn giản nhưng để có lọ ba khía muối ngon, đảm bảo vệ sinh thì khâu nào cũng đòi hỏi người làm phải thật cẩn thận, kĩ lưỡng.

Trái với một số hộ thường thờ ơ với việc quảng bá sản phẩm trên các phương tiện truyền thông hay bán hàng qua mạng internet, vợ chồng chị Đạm, anh Sang rất vui vẻ đón tiếp phóng viên báo chí, say sưa hào hứng kể về con ba khía. Ngay từ mấy năm trước, chị Đạm đã rất thuần thục việc quay clip, chụp ảnh, giới thiệu sản phẩm, trả lời khách hàng trên zalo, facebook và nắm trong tay rất nhiều mối vận chuyển để chuyển hàng đi khắp Bắc – Trung – Nam khi có khách đặt hàng.

“Là một cơ sở sản xuất nhỏ, không có bề dày truyền thống, lại ở tận đất Mũi xa xôi… nên với chúng tôi, facebook, zalo là kênh bán hàng ít tốn kém và khá hiệu quả. Nhờ bán hàng qua mạng, tôi đã có khách hàng ở khắp nơi” – chị Đạm chia sẻ. Hiện tại, ngoài sản phẩm chính là ba khía muối (đã đăng ký nhãn hiệu), Cơ sở Ba khía muối Châu Sang còn bán cả ba khía xào me và các loại hải sản tự nhiên của địa phương (cá dứa, tôm đất, ốc len, cua biển, cá thòi lòi, cá ngát, ghẹ vuông, cá khoai lưới…). Không chỉ thu mua ba khía cho hàng trăm hộ ở Ngọc Hiển, vào những ngày hội ba khía, Cơ sở Ba khía muối Châu Sang còn tạo việc làm cho khoảng 10 lao động, với thu nhập 200.000 đồng/ngày/người.

Cũng bởi gắn bó với con ba khía đã nhiều năm, gia đình sống khỏe và kinh tế khá giả hơn nhờ ba khía, nên khi hay tin nghề muối ba khía của Ngọc Hiển được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, được tỉnh Cà Mau đưa vào kế hoạch bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, chị Đạm, anh Sang vô cùng phấn khởi.

“Tháng 12-2019, nghề muối ba khía của Ngọc Hiển được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, thì ngay sau đó, sản lượng tiêu thụ ba khía của cơ sở chúng tôi đã tăng vọt lên tới 3-4 tấn/tháng. Chính vì vậy, chúng tôi đang lên kế hoạch xây dựng thêm một kho lạnh nữa để thu gom ba khía nhiều hơn, đáp ứng kế hoạch mở rộng kinh doanh của cơ sở” – anh Sang phấn khởi cho hay.

Được biết, trung bình mỗi ngày, Cơ sở Ba khía muối Châu Sang thu mua khoảng 200kg ba khía, vào ngày “hội ba khía” (mùa ba khía mở hội yêu đương, khoảng rằm tháng 7 đến tháng 10) có thể thu mua 3-4 tấn/ngày. Với mục đích trữ ba khía để muối dần, Cơ sở Ba khía muối Châu Sang đã đầu tư kho lạnh nhằm đảm bảo độ tươi ngon của ba khía.

“Do ba khía Rạch Gốc ngon có tiếng, nên giá ba khía mua vào ở Rạch Gốc đã bằng giá ba khía muối ở các địa phương khác bán ra. Nếu cạnh tranh về giá, cơ sở của chúng tôi có thể thua. Nhưng chúng tôi tự hào vì khách “mê” ba khía, khi đã thưởng thức ba khía muối Châu Sang dù chỉ một lần đều quay trở lại, dù đó là khách ở Quảng Nam, An Giang hay thành phố Hồ Chí Minh” – chị Nguyễn Hồng Đạm tự tin nói.

“Vào mùa hội ba khía, mỗi ngày cơ sở của tôi có thể thu mua từ 1-2 tấn ba khía, còn nghịch mùa thì số lượng ít lắm, chỉ vài chục kg. Tuy nhiên sản lượng ba khía ngày càng giảm khiến ba khía muối thành phẩm cũng ít theo”, chị Đạm nói thêm.

Sau 8 năm gắn với con ba khía lem bùn, vợ chồng anh Sang, chị Đạm đã thành công đưa con đặc sản Cà Mau đến gần hơn với người tiêu dùng. Món ba khía muối của anh chị đã có mặt tại nhiều cửa hàng đặc sản, mỗi năm xuất bán 50-60 tấn ba khía, lãi 500-600 triệu đồng. Và tự hào hơn khi anh, chị đã góp phần nâng tầm con ba khía khi nghề muối ba khía của Ngọc Hiển đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.

Bài viết cùng chủ đề: